VNHN - Được tôn vinh là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019, với mô hình trang trại trồng cà rốt, củ cải đường cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, nhưng ít ai biết, để có được thành quả như ngày hôm nay, anh Nguyễn Văn Linh (thôn Mỹ Lộc, xã Cao Đức, Gia Bình) trải qua bao khó khăn, nhiều lúc tưởng chừng phải dang dở ước mơ.
Nhấp ngụm nước trà, xoa đôi bàn tay thô ráp, anh Linh chậm rãi nhớ lại ngày đầu tới thuê đất, khi đó, bãi Nguyệt Bàn như một vùng “hoang đảo” toàn lau sậy, cách trở đò giang, mỗi năm nước lên ngập vài tháng lại không có điện. Giữa bề bộn khó khăn, anh Linh vẫn nhận ra vùng đất này thích hợp làm nông nghiệp sạch. Mất 1 năm thuê tàu phà chở máy móc, nhân công ra cải tạo đất, xây dựng trang trại, năm 2009, anh bắt tay gieo vụ cà rốt đầu tiên.
Song, năm ấy mưa nhiều, cả 3 lần xuống giống, khi cây chớm xanh thì nước lên cuốn sạch. Tiền của nối nhau trôi về Lục Đầu Giang. Không nản chí, anh Linh chạy vạy vay mượn làm lại từ đầu, vừa trồng vừa rút kinh nghiệm, anh tìm tòi áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Đất không phụ công người, những năm sau, thời tiết suôn sẻ cộng với những kinh nghiệm từ lần thất bại trước, trang trại từng bước vận hành ổn định, cây trồng, vật nuôi phát triển tốt.
Ngoài trời gian trồng cà rốt, anh Linh xen vụ ngô, khoai, dưa, rau ngắn ngày để nâng cao hiệu quả sử dụng đất cũng như tận dụng thức ăn xanh là phụ phẩm từ rau màu để chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế. Hơn một lần đến vùng bãi Nguyệt Bàn, lần nào chúng tôi cũng bị chinh phục bởi những luống củ đậu mập mạp, những cây cà rốt đang lên mướt xanh, hứa hẹn mùa vụ bội thu.
Anh Nguyễn Văn Linh chăm sóc cây cà rốt mới trồng trên bãi Nguyệt Bàn.
Trên diện tích 40ha, anh Linh trồng dưa hấu, ngô, đỗ, cà rốt đông, củ cải đường (trong đó cà rốt đông là nguồn thu nhập chính). Theo anh Linh, cà rốt thích hợp trồng trên đất phù sa, bãi bồi cao. Cùng với các yếu tố về giống thì khâu xử lý đất trước khi gieo trồng bảo đảm khô, tơi xốp và đặc biệt phải được xử lý mầm bệnh cũng rất quan trọng. Để có thể xuất khẩu sản phẩm, trong quá trình sản xuất, toàn bộ diện tích chỉ sử dụng phân hữu cơ và chế phẩm sinh học, năng suất đạt trung bình đạt 2,5-3 tấn/sào, chất lượng, mẫu mã củ tốt, được công ty và thương lái đến thu mua tận ruộng.
Không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước, củ cà rốt của gia đình anh Linh còn được xuất khẩu sang Nhật Bản với sản lượng 1.500- 2.000 tấn/năm và được người tiêu dùng ở thị trường nổi tiếng khó tính này chấp nhận. Để tạo nguồn nông sản an toàn cung ứng với khối lượng lớn cho thị trường anh Linh tập hợp 16 hộ dân trong vùng thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và thương mại Mỹ Linh.
Anh cho rằng: Sản xuất quy mô lớn với quy trình an toàn là xu hướng của nền nông nghiệp hiện đại. Bên cạnh việc bảo đảm chất lượng nông sản theo quy chuẩn dinh dưỡng, tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm thì quy mô sản xuất đảm bảo nguồn cung ổn định đóng vai trò rất quan trọng. Đối với những hộ sản xuất nhỏ cần liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo mô hình Hợp tác xã, Tổ hợp tác; giúp nâng cao hiệu quả đầu tư, hạn chế rủi ro, đặc biệt là khắc phục được tình trạng “được mùa - mất giá” hiện nay.
Tiếng lành vang xa, từ thành công của mô hình trồng cà rốt xuất khẩu, mới đây, đối tác Hàn Quốc tìm đến và ký kết với HTX triển khai mô hình trồng và bao tiêu củ cải đường trên diện tích 4ha. Theo đó, đối tác sẽ cung ứng giống, chế phẩm, phân bón hữu cơ và cử chuyên gia trực tiếp hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật và tham gia sản xuất. Thời gian xuống giống đến khi thu hoạch từ 100-120 ngày, sản lượng bình quân 4 tấn/sào, lợi nhuận hơn 5 triệu đồng, mở ra hướng sản xuất mới cho nông dân địa phương.
Những nỗ lực và thành công từ cây cà rốt, củ cải đường và nhiều cây trồng khác trên vùng đất bãi Nguyệt Bàn, anh Nguyễn Văn Linh vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019”. Đây là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một diện tích canh tác và đóng góp xây dựng nông thôn mới trên quê hương.