16/11/2024 lúc 03:20 (GMT+7)
Breaking News

Trách nhiệm xã hội của nhà báo trong thời đại công nghệ số

(VNHN) - Trong bối cảnh “thế giới phẳng” hiện nay đòi hỏi mỗi nhà báo không chỉ có tác phong làm việc nhanh nhạy, kịp thời mà cần phải có thái độ bình tĩnh, tỉ mỉ, thận trọng, chính xác.

(VNHN) - Trong bối cảnh “thế giới phẳng” hiện nay đòi hỏi mỗi nhà báo không chỉ có tác phong làm việc nhanh nhạy, kịp thời mà cần phải có thái độ bình tĩnh, tỉ mỉ, thận trọng, chính xác.

Phóng viên Quốc tế tác nghiệp (Ảnh: Internet)

Nhanh nhạy nhưng không hấp tấp, bình tĩnh nhưng không chậm chạp, tỉ mỉ nhưng không lề mề, kịp thời nhưng không cẩu thả, đó là tác phong làm báo có trách nhiệm xã hội của nhà báo trong thời đại công nghệ số.

Những năm gần đây, người ta hay nói đến một thứ quyền lực trong xã hội, đó là “quyền lực truyền thông”. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, ngoài quyền lực chính trị, quyền lực kinh tế, quyền lực xã hội, quyền lực truyền thông cũng có tác động, ảnh hưởng sâu sắc đến chiều hướng phát triển xã hội. Từ lâu, một số nước phương Tây từng quan niệm báo chí như là “quyền lực thứ tư” (sau quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp). Theo Luật Báo chí 2016, báo chí Việt Nam có 3 chức năng cơ bản: Phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; cơ quan ngôn luận của các cơ quan, tổ chức được pháp luật thừa nhận; diễn đàn của các tầng lớp nhân dân.

Theo Khoản b, Điểm 2, Điều 25, Luật Báo chí 2016 quy định: “Nhà báo được quyền khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật”. Như vậy, quyền năng cơ bản của nhà báo được thể hiện ở 8 chữ “khai thác, cung cấp, sử dụng thông tin”. Quyền khai thác thông tin là quyền phát hiện, tìm hiểu, khảo sát, điều tra, thu thập nguồn tin. Quyền cung cấp thông tin là quyền đưa ra những nội dung thông tin sau khi khai thác. Quyền sử dụng thông tin là quyền thể hiện, thực hiện và công bố thông tin để hướng tới và đạt được mục đích nhất định.

Chính quyền năng cơ bản đó đã góp phần xác lập vị thế nhà báo trong xã hội: Đó là người thu tin, đưa tin tới công chúng và xã hội. Một thông tin lành mạnh, hữu ích với công chúng và xã hội trước hết phải là một thông tin khách quan và bảo đảm “4 hợp” (hợp pháp, hợp lý, hợp tình, hợp thời). Hợp pháp nghĩa là tuân thủ đúng Hiến pháp, pháp luật. Hợp lý nghĩa là đảm bảo tính xác đáng, lô-gích, thực chất của vấn đề. Hợp tình nghĩa là phù hợp với tình cảm lương tri con người và đạo đức xã hội. Hợp thời là đưa ra đúng thời điểm được công chúng, dư luận xã hội quan tâm.

Với tư cách là những người tạo ra dư luận xã hội, đồng thời dẫn dắt, chi phối dư luận xã hội, nhà báo có vai trò to lớn trong việc góp phần ổn định chính trị, xã hội; tăng cường đồng thuận xã hội, qua đó góp phần cùng với thể chế chính trị kiến tạo, thúc đẩy sự phát triển hài hòa, tích cực, tiến bộ của xã hội. Chính vai trò, chức năng quan trọng đó đã góp phần tạo ra ưu thế nhất định của nhà báo trong xã hội. Từ đó, công chúng, xã hội ghi nhận, thừa nhận và đánh giá cao nghề báo. Và người ta có cơ sở để coi nghề báo là “nghề vinh quang” ít nhiều vì lẽ đó.

Thông tin khi được đăng tải trên báo chí vốn có tính công khai, minh bạch nên nó có sức ảnh hưởng, tác động, lan tỏa nhanh nhạy, sâu rộng, đồng loạt trong xã hội. Nhất là trong bối cảnh “thế giới phẳng” hiện nay, với tốc độ lan tỏa “siêu nhanh” của báo điện tử, thông tin có thể đến khắp “hang cùng ngõ hẻm” của đất nước, thậm chí lan ra tới mọi “chân trời góc biển” chỉ trong một thời gian rất ngắn. Chính đặc điểm này đòi hỏi mỗi nhà báo không chỉ có tác phong làm việc nhanh nhạy, kịp thời, mà cần phải có thái độ bình tĩnh, tỉ mỉ, thận trọng, chính xác.

Nhưng không chỉ có vậy, trước “mớ” thông tin hỗn độn trên không gian mạng xã hội và trước các luồng thông tin đa chiều trong cuộc sống hiện đại, điều cần có của nhà báo hiện nay là phải luôn tỉnh táo, sáng suốt, nhân văn trong việc tiếp cận khai thác, thẩm định nguồn tin và cung cấp, sử dụng thông tin. Tỉnh táo, sáng suốt để phát hiện, phân biệt được thông tin đúng-sai, thật-giả, chính-tà, hay-dở, tốt-xấu. Nhân văn để lựa chọn cách đưa tin phù hợp, cũng như cân nhắc mức độ, liều lượng nội dung thông tin mang lại lợi ích tối đa cho công chúng, xã hội và đất nước.

Vị thế xã hội đã mang lại niềm vui, niềm tự hào cho những người làm báo. Nhưng tính chất, đặc điểm thông tin trên báo chí và bối cảnh thời đại thông tin bùng nổ hiện nay cũng đang đặt ra yêu cầu và đỏi hỏi mỗi nhà báo phải thường xuyên, bền bỉ rèn luyện, bồi đắp, đề cao trách nhiệm xã hội của mình đối với từng con chữ, số liệu, bức ảnh, thước phim, khuôn hình… trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Nếu hiểu “trách nhiệm” là ý thức đầy đủ về phận sự của mình cũng như phần việc của mình phải đảm đương, gánh vác, thực hiện; thì “trách nhiệm xã hội” của nhà báo hiện nay không chỉ dừng lại ở sự coi trọng nghề báo mà cần thể hiện ở sự tận tụy dấn thân, cống hiến hết mình, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân nhỏ nhoi và biết vượt qua những cám dỗ đời thường, những cạm bẫy “tiền tài danh vọng” để giữ gìn và ngày càng làm đẹp thêm vị thế, uy tín, danh dự nghề báo và nhà báo.

 Thiện Văn