23/11/2024 lúc 22:07 (GMT+7)
Breaking News

Trà Vinh: 1 trong 10 địa phương dẫn đầu về nhân lực số

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 06 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ, mức độ chuyển đổi số năm 2022, tỉnh Trà Vinh xếp hạng 25/63 tỉnh (tăng 1 bậc so năm 2021), hạng 05/13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (tăng 1 bậc so 2021), là 1 trong 10 địa phương dẫn đầu về nhân lực số. Đây là động lực to lớn để tỉnh nhà tiếp tục quyết tâm, nỗ lực hướng đến mục tiêu đề ra.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Trà Vinh – (Ảnh:Internet)

Cụ thể, vào chiều ngày 12/07 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 06 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ. Cùng tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, thành viên tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ; các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ thông tin…

Ở điểm cầu Trà Vinh được chủ trì hội nghị bởi đồng chí Nguyễn Quỳnh Thiện, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh và Chuyển đổi số cấp tỉnh.

Trong 06 tháng đầu năm 2023, công cuộc thực hiện chuyển đổi số đã có nhiều điểm sáng, mô hình hay. Cũng như nhờ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế số nhằm tạo lập hành lang pháp lý giúp kiến tạo phát triển trên không gian số. Giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn chuyển đổi số thời gian qua, giải quyết các “điểm nghẽn” nhằm thúc đẩy chuyển đổi số nhanh tại Việt Nam.

Với những thành quả phải kể đến là, đối với xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh: thành phố Đà Nẵng xếp thứ nhất; Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh xếp thứ tự sau đó; có cải thiện vị trí cao nhất (tăng 34 bậc, xếp hạng 26) là tỉnh Quảng Ngãi; dẫn đầu về nhận thức số có 09 địa phương (Đà Nẵng, Lạng Sơn, Yên Bái, Thanh Hóa, Ninh Bình, Ninh Thuận, Bình Dương, Quảng Ngãi, Lào Cai); dẫn đầu về hạ tầng số có 10 địa phương (Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Long, Bình Dương, Hậu Giang); dẫn đầu về nhân lực số có 10 địa phương (Đà Nẵng, Hà Nam, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Điện Biên, Trà Vinh, Lạng Sơn, Bình Dương, Yên Bái).

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Trà Vinh trong chiều ngày 12/07 vừa qua – (Ảnh: Intrenet)

Như vậy, về chuyển đổi số, tỉnh Trà Vinh xếp hạng 25/63 tỉnh (tăng 1 bậc so năm 2021), hạng 05/13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (tăng 1 bậc so 2021), 01 trong 10 địa phương dẫn đầu về nhân lực số. Đến nay đã có khoảng 24.540 lượt truy cập dịch vụ xác thực thông tin công dân phục vụ giải quyết thủ tục hành chính.

Tiếp nối thành công trên, trong 06 tháng đầu năm 2023, tỉnh Trà Vinh tiếp tục nỗ lực hoàn thành kết nối hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đảm bảo hạ tầng mạng hoạt động ổn định, thông suốt, phục vụ kịp thời sự chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhu cầu của người dân…

Tại buổi họp, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đứng đầu trong xếp hạng cấp bộ có cung cấp dịch vụ công; Bộ Xây dựng có cải thiện vị trí mạnh mẽ nhất với vị trí thứ 12/17 đơn vị (tăng 5 bậc).

Đồng thời với sự quyết tâm của Bộ Công an trong triển khai Đề án 06, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 13 bộ, ngành, 04 doanh nghiệp và 63/63 địa phương. Cũng như trong thời gian này đã có 33 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố hoàn thành kết nối và đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia chuyển biến rõ rệt, mang lại tác động tích cực trong cộng đồng xã hội.

Trước những thành quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, ưu tiên phát triển cơ sở dữ liệu; đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp; phát triển hạ tầng công nghệ số; đảm bảo an toàn thông tin. Đặc biệt là quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06.

Cũng như đề cao vai trò của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc đẩy mạnh phát triển nền tảng định danh điện tử, chữ ký số, khẩn trương hoàn thiện hạ tầng thông tin; nâng cao hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến, tổ chức triển khai dịch vụ công liên thông. Đẩy mạnh ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư kết hợp cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành nhằm số hóa dữ liệu, thực hiện hiệu quả, đồng bộ chuyển đổi số, chống tiêu cực, phiền hà. Tập trung nguồn lực chủ động thực hiện chuyển đổi số, cải cách, xây dựng thể chế, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện.../.

Hoàng Châu