TPHCM là thành phố có biển, cùng với nhiều lợi thế từ vị trí địa lý đến vai trò trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Để kết nối khu vực quốc tế, TPHCM cần có tầm nhìn chiến lược. Trong đó cần phát huy vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước trong thực hiện liên kết vùng để phát triển kinh tế biển, đô thị biển.
Nhiều chuyên gia, nhà quản ý và các nhà khoa học cho rằng tương lai của TPHCM là nền kinh tế hướng ra biển tại hội thảo “TPHCM - Tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế” do Ban Kinh tế Trung ương và UBND TPHCM đồng tổ chức ngày 30-3.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Thu Hoài/TTXVN
Trong bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay, là một thành phố ven biển, TPHCM và vùng TPHCM cần định vị lại vị thế cạnh tranh của mình. TPHCM luôn duy trì vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước, định hướng thành trung tâm dịch vụ có sức cạnh tranh quốc tế. Hướng đến các mô hình kinh tế mới như kinh tế biển xanh tương quan với tăng trưởng xanh, các ngành có giá trị gia tăng cao. Mô hình tương lai của thành phố cần đặt kết nối vùng quyết liệt hơn để tận dụng và phát triển kinh tế biển, cảng biển gắn với chuỗi đô thị biển mang tầm quốc tế.
Năm 2020, Thành phố Hồ Chí Minh chiếm tới 37,2% tổng GRDP của các tỉnh thành phố ven biển, FDI chiếm 25,1% tổng thu hút FDI của các tỉnh, thành phố ven biển và 10,8% cả nước. Theo Tiến sỹ Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho biết vấn đề phát triển kinh tế biển và đô thị biển luôn được Đảng quan tâm đặc biệt.
Theo PGS.TS Lưu Thế Anh - viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội), xu thế hiện nay của các nước trên thế giới có biển hay không có biển đều đang xoay trục từ phát triển dựa vào đất sang phát triển dựa vào biển. Tập trung ở các lĩnh vực như nghề nuôi biển, tài nguyên khoáng sản từ biển, năng lượng tái tạo (thủy triều, gió), an toàn và giám sát hàng hải, vận tải biển, công nghệ sinh học biển, du lịch biển… Ông cho rằng dù đạt được nhiều kết quả trong phát triển kinh tế biển, nhưng đến nay, Việt Nam chưa phải là quốc gia mạnh về biển, kinh tế biển Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, dù đạt được nhiều kết quả trong phát triển kinh tế biển.
Với lợi thế trung tâm liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, kết nối vùng châu thổ sông Mekong với quốc tế vừa là cơ hội cũng vừa là thách thức đặt ra với Thành phố Hồ Chí Minh. TPHCM tiếp cận trực tiếp với biển tại vịnh Cần Giờ có diện tích 42.000km2, làm chủ hàng hải quốc tế và nội địa thông qua nhóm cảng số 5 lớn nhất cả nước. Định hướng chiến lược để TP.HCM cất cánh, có kinh tế cảng biển và chuỗi đô thị biển phát triển mạnh mẽ, kết nối quốc tế và khu vực đã trở thành nhu cầu tất yếu và cấp thiết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành dân.
Định hướng chiến lược để TP.HCM cất cánh, có kinh tế cảng biển và chuỗi đô thị biển phát triển mạnh mẽ. Ảnh: Internet
Vì vậy TPHCM cần giữ vững vai trò đầu tàu trong liên kết vùng với 8 tỉnh lân cận và là đầu mối giao thương quốc tế của ĐBSCL, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ trong bối cảnh không gian vùng đang phát triển thành đa cực, đa trung tâm với sự xuất hiện các "cửa ngõ" hàng không và cảng biển quốc tế mới: Long Thành, Cái Mép - Thị Vải, Bến Tre, Trần Đề...
Mô hình phát triển trong tương lai của TPHCM, cần đặt kết nối vùng một cách quyết liệt, đầy đủ hơn. Để tận dụng và phát triển kinh tế biển, cảng biển, gắn với chuỗi đô thị biển mang tầm quốc tế trong phần đất và biển của thành phố. Trong đó Vịnh Cần Giờ là cơ hội tạo bước ngoặt thay đổi phương thức và mô hình phát triển của thành phố và vùng thành phố, chuyển từ phát triển dựa vào đất đai sang phát triển dựa vào biển.