18/01/2025 lúc 16:05 (GMT+7)
Breaking News

TP Uông Bí (Quảng Ninh): Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Thời gian qua, TP Uông Bí chú trọng tập trung chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao sản phẩm có giá trị, trong đó phát triển các sản phẩm thế mạnh đặc thù của địa phương.

Thời gian qua, TP Uông Bí chú trọng tập trung chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao sản phẩm có giá trị, trong đó phát triển các sản phẩm thế mạnh đặc thù của địa phương.

Bước đi vững chắc và hiệu quả

TP đã tập trung thực hiện có hiệu quả đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Điểm nhấn thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp của Uông Bí chính là định hướng xây dựng vùng sản xuất tập trung; thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và vận động người dân phát triển diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn, gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Sau khi có quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung (trồng vải chín sớm, thanh long ruột đỏ, mơ lông Yên Tử, thông nhựa, rau an toàn, nuôi trồng thủy sản), từ năm 2016 đến nay, thành phố đầu tư hơn 20 tỷ đồng phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên. Đồng thời hỗ trợ ứng dụng KHCN gần 30 tỷ đồng giúp bà con triển khai gần 50 dự án, mô hình theo hướng sản xuất hàng hóa.

Thành phố cũng chú trọng các mô hình trồng rau an toàn, triển khai dự án hỗ trợ KHCN trên cây thanh long ruột đỏ tại xã Thượng Yên Công; xây dựng quy hoạch chi tiết vùng nuôi trồng thủy sản tại xã Điền Công (nay là phường Trưng Vương); hỗ trợ các giống cây ăn quả có giá trị, hạt giống rau các loại để nông dân trồng trong các vườn mẫu. Đến nay, nông sản địa phương gia tăng sản lượng, chất lượng và giá trị kinh tế. Cụ thể, tổng sản lượng vải chín sớm Phương Nam năm 2020 đạt 4.000 tấn, doanh thu 100 tỷ đồng (tăng 46 tỷ đồng so với năm 2019); thanh long ruột đỏ ước sản lượng đạt trên 1.000 tấn, doanh thu trên 25 tỷ đồng; tổng sản lượng thuỷ sản ước đạt trên 1.700 tấn, bằng 100,2% so với năm 2019.

Mô hình trang trại của hộ anh Đoàn Xuân Tùng (thôn Tập Đoàn, xã Thượng Yên Công) là một điển hình trong việc ứng dụng KHKT vào sản xuất đem lại doanh thu trên 2 tỷ đồng/năm.

Một số doanh nghiệp trên địa bàn đã đầu tư nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, Công ty CP Cơ khí Uông Bí liên kết với Tập đoàn Việt - Úc triển khai mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn trong nhà. Đây là công nghệ nuôi tôm tiên tiến nhất hiện nay, công suất nuôi có thể đạt 9 vụ/năm, hiệu quả kinh tế gấp 5-10 lần nuôi tôm công nghiệp thông thường.

Mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn trong nhà của Công ty CP Cơ khí Uông Bí liên kết với Tập đoàn Việt – Úc.

Phát triển sản phẩm có lợi thế

Thành phố tiếp tục triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển sản phẩm có lợi thế. Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp ứng dụng KHCN trong sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, làm cơ sở để nhân rộng sản xuất. Trong chăn nuôi, khuyến khích tổ chức sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng. Trong đó, quy hoạch 10 điểm chăn nuôi tập trung tại Thượng Yên Công, Vàng Danh, Bắc Sơn.

Về phát triển lâm nghiệp sẽ tiếp tục trồng keo xen dưới tán cây 2 năm đầu đối với những diện tích đất đồi thấp. Sau khi Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2021-2030 định hướng đến năm 2050 được phê duyệt, thành phố phối hợp với Hạt Kiểm lâm, các phường, xã, phòng, ban, điều chỉnh lại quy hoạch 3 loại rừng. Đối với cây ăn quả phát triển theo hiện trạng và định hướng theo vùng. Cụ thể, vải chín sớm trồng ở Phương Nam, Trưng Vương; các loại cây có múi trồng ở Vàng Danh, Quang Trung, Thượng Yên Công, Phương Đông; cây na trồng ở Nam Khê, Bắc Sơn, Vàng Danh... Thành phố sẽ tiến hành trồng thử nghiệm cây macca tại các xã, phường với diện tích từ 10-20ha.

Trong nuôi trồng thủy sản, thành phố tập trung vào các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng, rươi, cá rô phi, cá trắm đen tại Phương Nam, Yên Thanh, Quang Trung; tiếp tục duy trì phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, gắn kết giữa các khâu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tạo sự bền vững trong sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Đoàn công tác TP Uông Bí do Chủ tịch UBND TP Uông Bí Nguyễn Mạnh Hà làm trưởng đoàn khảo sát thực tế về mô hình trồng cây quế đối với diện tích đất rừng sản xuất tại huyện Văn Yên (Yên Bái).

Bên cạnh ổn định diện tích các vùng chuyên canh nông sản chủ lực, TP Uông Bí tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hiện nay, TP Uông Bí đang có trên 9.500ha rừng sản xuất. Phần lớn là rừng gỗ nhỏ với loại cây rừng chủ yếu là cây keo, giá trị thấp, thiếu tính bền vững. Khắc phục tình trạng này, giải pháp của TP Uông Bí là thay đổi cơ cấu cây rừng, đưa cây lâm nghiệp mới vào trồng thử nghiệm, trước tiên là cây quế và cây mắc ca. Cây quế được đánh giá có chất lượng tốt, tỷ lệ tinh dầu trong cây cao; mọi bộ phận từ lá, vỏ, thân, rễ… của cây quế đều có thể dùng làm nguyên liệu.

Cây quế từ 10 – 15 tuổi cho giá trị rất cao.

Với nhiều giá trị thực tế đồng thời phù hợp với rừng núi Uông Bí, cây quế được kỳ vọng trở thành mô hình lâm nghiệp mới, giá trị cao, thay thế cây keo, nâng cao giá trị canh tác trên từng ha đất rừng, góp phần hiện thực hóa chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 của TP Uông Bí. Hiện nay, TP Uông Bí đã thu hút được một số doanh nghiệp tham gia nghiên cứu trồng, chế biến 2 loại cây rừng nói trên, trong đó có 1 dự án trồng quế diện tích 200ha và 1 dự án trồng 20ha cây mắc ca.

Tin rằng, việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp sẽ giúp phát huy được các lợi thế, thế mạnh của TP Uông Bí. Từ đó thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, từng bước nâng cao đời sống của người dân.