22/12/2024 lúc 14:15 (GMT+7)
Breaking News

TP.HCM xem xét triển khai nhiều dự án trọng điểm theo hình thức BOT, BT

Nhiều dự án giao thông trọng điểm của TP.HCM sẽ triển khai theo hình thức BOT, BT sau khi TP.HCM có cơ chế, chính sách đặc thù mới.

BOT, ‘siêu dự án’ hứa hẹn thay đổi diện mạo giao thông TP.HCM. Phối cảnh cầu đường Nguyễn Khoái nối dài từ quận 7 kết nối với đường Võ Văn Kiệt, quận 4 và quận 1 – (Ảnh: Internet).

Chiều 24.6, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế đặc thù cho phát triển TP.HCM với nhiều chính sách đặc thù, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/8 tới. Trong đó, cho phép TP.HCM được áp dụng loại hợp đồng BOT với dự án nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu; áp dụng hình thức BT thanh toán bằng tiền mặt.

Ông Trần Quang Lâm – Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, Sở đã lập danh sách dự kiến một số dự án để kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Cụ thể, các dự án kêu gọi đầu tư theo hợp đồng BOT, gồm: nâng cấp, mở rộng QL13, đoạn từ ngã từ Bình Phước đầu cầu Bình Triệu (gần 10.000 tỉ đồng); cầu đường Bình Tiên, đoạn từ Phạm Văn Chí đến Nguyễn Văn Linh (6.218 tỉ đồng); đường trên cao số 5, đoạn từ nút giao Trạm 2 đến nút giao An Sương (14.405 tỉ đồng).

Các dự án kêu gọi theo hợp đồng BT, gồm: cầu Cần Giờ (hơn 12.700 tỉ đồng); cầu đường Nguyễn Khoái (2.900 tỉ đồng); nâng cấp mở đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (1.124 tỉ đồng); mở rộng đường dẫn cao tốc TP.HCM - Trung Lương (2.351 tỉ đồng).

Ùn tắc giao thông trên quốc lộ 13, TP.Thủ Đức – (Ảnh: Internet).

Lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho biết, đang phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu quy định tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật, tài chính đối với doanh nghiệp tham gia dự án.

Theo Sở GTVT TP.HCM, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, lĩnh vực giao thông ở TP.HCM được bố trí hơn 52.700 tỷ đồng. Mức này chỉ đáp ứng chưa đến 20% nhu cầu vốn, dẫn đến rất khó triển khai các dự án trọng điểm.

Việc áp dụng hình thức BOT trên đường hiện hữu và BT thanh toán bằng tiền mặt sẽ góp phần tăng khả năng huy động vốn, đáp ứng nhu cầu đầu tư, giảm gánh nặng cho ngân sách./.

Hoàng Châu