29/11/2024 lúc 05:51 (GMT+7)
Breaking News

TP.HCM: Năm 2022, đưa kinh tế phục hồi, phát triển hình chữ V

Năm 2022, TP.HCM xác định chủ đề là năm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”.

VNHN - Năm 2022, TP.HCM xác định chủ đề là năm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”.

GRDP của TP.HCM và cả nước – (Nguồn: Internet)

Năm 2021, do ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP.HCM giảm 6,78% cùng kỳ, là mức giảm sâu nhất trong lịch sử.

Song, trong những ngày tháng khắc nghiệt nhất của đại dịch, điểm sáng là một số ngành, lĩnh vực duy trì được tốc độ tăng trưởng khá; kim ngạch xuất khẩu ước tăng 2,8% so với cùng kỳ. Đầu tư trực tiếp nước ngoài ước tăng 11% - 15%, đạt khoảng 5,8 - 6 tỷ USD. Tổng thu ngân sách nhà nước trong năm 2021 ước đạt 381.531 tỷ đồng, đạt 104,56% dự toán năm.

Năm nay, TP.HCM đề ra 19 chỉ tiêu, trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) đạt 6% - 6,5%; tạo việc làm mới cho 140.000 lao động...

Chủ tịch UBND TP.HCM ông Phan Văn Mãi thừa nhận việc đưa tốc độ tăng trưởng từ âm 6,78% vào năm 2021 lên 6% - 6,5% vào năm 2022, chỉ sau 1 năm là nhiệm vụ rất khó khăn. Song, lãnh đạo TP cho biết, mục tiêu này không phải là bất khả thi bởi trong năm nay TP.HCM có thêm nguồn lực từ sự chia sẻ của Trung ương khi thông qua tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho thành phố năm 2022 là 21% (tăng 3% so với tỷ lệ của 5 năm trước đó). Theo đó, quan trọng nhất là niềm tin, sức sáng tạo và khao khát vươn lên trong mỗi cán bộ, mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp không mất đi mà càng được trui rèn mạnh mẽ hơn qua cơn biến động COVID-19.

Các doanh nghiệp lạc quan năm 2022, kinh tế TP.HCM sẽ phục hồi hình chữ V – (Nguồn: Internet)

Đặc biệt, trong đại dịch, TP đã có sự tiến bộ, phát triển vượt bậc về ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch, giải quyết hồ sơ trực tuyến. Nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng kinh tế số, phát triển thương mại điện tử. Nhiều người dân đã tạo lập tâm thế mới, thói quen mới thích ứng với COVID-19, biết ứng dụng công nghệ nhanh nhạy hơn để phục vụ cuộc sống, công việc, làm giấy tờ, thủ tục trực tuyến... “Sức mạnh nội tại đó của TP.HCM nếu có môi trường kinh doanh thuận lợi, cộng hưởng với sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của Trung ương, thì việc phục hồi kinh tế thành phố bật lên theo chữ V là điều hoàn toàn có thể” – ông Mãi nói.

Để kinh tế - xã hội phục hồi và phát triển, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng quan trọng là TP.HCM phải tháo mở và hội tụ được các nguồn lực phát triển. Trong năm 2022, TP.HCM thúc đẩy đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm, tạo ra sự lan tỏa, thu hút đầu tư xã hội. Đồng thời cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ vướng mắc ở các dự án đầu tư tư nhân, huy động nguồn lực xã hội vào công cuộc phục hồi kinh tế.

“Gần 2 năm vượt dịch ở các cấp độ khác nhau, người dân và doanh nghiệp gặp muôn vàn khó khăn. Chính quyền thành phố thấu hiểu rằng, lúc này các doanh nghiệp rất cần sự đồng hành hỗ trợ thiết thực, phù hợp, và quan trọng hơn nữa là chính sách mở, tạo động lực, thúc đẩy sự hồi phục, phát triển thực chất cho các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM. Vì thế, thành phố tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ về tín dụng; tổ chức lại sản xuất kinh doanh; gia nhập và mở rộng thị trường; tái cấu trúc lại doanh nghiệp, hỗ trợ chuyển đổi số. Đồng thời thường xuyên trao đổi, tiếp nhận ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh nhanh chóng ổn định trở lại” – ông Mãi khẳng định./.