18/11/2024 lúc 07:32 (GMT+7)
Breaking News

TP.HCM: Chủ động tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực nội địa

Tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn – Đó là yêu cầu của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trong phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp hai tháng cuối năm 2022 vào chiều 1-11 vừa qua.

Nhận diện tình hình

Theo báo cáo 10 tháng đầu năm, TP.HCM thu ngân sách khoảng 392.790 tỉ đồng, đạt 101,6% dự toán năm. Sở Tài chính TP.HCM cho biết một số khoản thu đột biến như thu tiền sử dụng đất tăng 2 lần so cùng kỳ, nhiều đơn vị nộp tiền thuê đất một lần, nộp sớm so với quy định.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng cần tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn để khơi thông nguồn lực nội địa – (Ảnh: Internet)

Tại phiên họp, lãnh đạo nhìn nhận kinh tế- xã hội TP có nhiều điểm nổi bật. Tuy nhiên ông Mãi cũng cho rằng, kinh tế TP trong 10 tháng qua xuất hiện một số tình huống phát sinh gây bất lợi và ảnh hưởng đến đời sống người dân. Trong đó phải kể đến là tình trạng thiếu hụt xăng dầu tạo ra tâm lý không yên tâm, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt người dân cũng như hoạt động kinh tế- xã hội của TP.HCM. Cùng đó, xu hướng giảm tăng trưởng, lạm phát tăng, chi phí lãi suất cao... của thế giới cũng ảnh hưởng đến TP.

Cũng như “Tình huống Ngân hàng Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến kinh tế xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của TP, nhất là lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bất động sản”, ông Mãi nói, đồng thời cho biết TP.HCM sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá và có biện pháp ứng phó để hạn chế đến mức thấp nhất tác động từ vụ việc trên.

Dưới góc độ chuyên gia, TS Trần Du Lịch đánh giá TP đã lấy lại được điều kiện bình thường của đời sống kinh tế. Các doanh nghiệp tại TP đã có sự vươn lên mạnh mẽ để giúp kinh tế TP ổn định hơn. Hiện TP.HCM vẫn còn nhiều dư địa để phát triển, song sẽ còn nhiều vấn đề địa phương sẽ cùng cả nước đương đầu. Cụ thể, dự báo kinh tế toàn cầu rất khó khăn, xu hướng suy thoái, lạm phát thấy rõ từ quý IV-2022 đến năm 2023. Cạnh đó, tiền tệ chung các nền kinh tế cộng với việc gãy đổ chuỗi cung ứng làm ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của TP. “Nếu dòng vốn của nền kinh tế chững lại thì sẽ ảnh hưởng không chỉ năm 2023 mà cả 2024. Độ nhạy của TP hơn cả nước rất nhiều về mặt tích cực và tiêu cực”- TS Lịch nói.

TS Trần Du Lịch đánh giá nền kinh tế TP.HCM cũng như cả nước đang phải đương đầu với các vấn đề lớn như dự báo kinh tế toàn cầu khó khăn, xu thế suy thoái khá rõ, lạm phát – (Ảnh: Internet).

Hiện nay Chính phủ đang tiến hành các biện pháp để thiết lập lại kỷ cương trên lĩnh vực tài chính, bất động sản. Đó là việc cần cho giai đoạn phát triển dài hạn, còn trong ngắn hạn sẽ có tác động đến tâm lý thị trường, tâm lý chờ đợi của nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, thông qua tình huống Ngân hàng SCB, TS Trương Minh Huy Vũ, Đại học Quốc gia TP.HCM đề nghị TP.HCM cần ưu tiên trọng tâm là bảo đảm sự ổn định của hệ thống ngân hàng thương mại; khôi phục niềm tin thị trường, minh bạch doanh nghiệp thị trường trái phiếu, loại bỏ tâm lý hoảng loạn thị trường; phân tích toàn diện thị trường tài chính, tiền tệ, xử lý doanh nghiệp có sai phạm.

Chủ động để đột phá

Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết trong báo cáo trình Quốc hội, Chính phủ ước thu ngân sách năm 2022 của TP.HCM 426.000 tỉ đồng, thu vượt 40.000 tỉ đồng so với kế hoạch năm; đồng thời dự toán thu ngân sách năm 2023 là 469.000 tỉ đồng, tăng khoảng 80.000 tỉ đồng so với năm 2022. Trong bối cảnh kinh tế chững lại trong quý IV và sụt giảm một số lĩnh vực cùng với khó khăn trong năm 2023 thì chỉ tiêu này là một thách thức lớn.

Theo đó, trong năm 2023, TP cần đi sâu vào khai thác những vấn đề trọng tâm hơn trên cơ sở làm rõ nét hơn về trách nhiệm của bộ máy hành chính các cấp liên quan đến thủ tục hành chính, hoạt động công vụ. Đồng thời tập trung thực thi có hiệu quả nhất chính sách tài chính tiền tệ; tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn để hấp thụ nhanh các nguồn vốn đầu tư; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm hạ tầng đô thị trên địa bàn. Đặc biệt là tạo bước chuyển biến mạnh mang tính đột phá về chương trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế tri thức gắn với khai phá tiềm lực khoa học công nghệ.

Cũng như cần tiếp tục triển khai các nội dung của chương trình phục hồi kinh tế, hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thông qua cơ chế rà lại tất cả quy định về miễn giảm thuế, lệ phí hỗ trợ lãi suất cho vay… TP cần chủ động phối hợp với ngân hàng nhà nước và Bộ Tài chính xử lý các vấn đề phát sinh trên thị trường tài chính, nhất là thị trường trái phiếu để bảo đảm ổn định hệ thống ngân hàng thương mại trên thị trường TP. Thêm vào đó là kiểm soát các điểm nghẽn của thị trường bất động sản.

Trước những nhận định chung đó, ông Mãi cũng yêu cầu các cơ quan đơn vị theo dõi, đánh giá đúng để đưa ra các giải pháp nhằm hạn chế mức thấp nhất tác động của những mặt bất lợi hiện tại. Từng sở, ngành, quận, huyện rà soát kế hoạch năm, chỉ tiêu nhiệm vụ năm để hoàn tất, chuẩn bị cho tổng kết năm. Đồng thời, chuẩn bị việc xây dựng kế hoạch năm 2023 trên tinh thần đánh giá đúng diễn biến đang diễn ra, những khó khăn, tác động để xác định chủ đề trọng tâm và các giải pháp để khơi thông nguồn lực nội địa.

Đặc biệt, để chuẩn bị tốt nhất cho các hoạt động vui chơi dịp cuối năm, lãnh đạo TP giao Sở VH-TT phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng quy chế quản lý các sự kiện đông người trước nhiều vụ việc xảy ra ở các nước gây thiệt hại nặng nề về người như thảm họa giẫm đạp tại Itaewon (Hàn Quốc), sập cầu treo tại Ấn Độ….

Dự kiến kỳ họp cuối năm của HĐND TP.HCM, UBND TP.HCM báo cáo 30 nội dung, trong đó sẽ điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, xin chủ trương đầu tư các dự án trọng điểm như khép kín Vành đai 2, rạch Xuyên Tâm…

Trong tháng 12.2022, TP.HCM dự kiến khởi công nút giao An Phú, đường nối Trần Quốc Hoàn cũng như khởi động lại các công trình “trùm mền” nhiều năm./.

Trí Đức - Hoàng Châu