Tổng Thư ký AAFV nhấn mạnh Việt Nam đã ký hiệp định tự do thương mại với Liên minh châu Âu, đóng vai trò tích cực trong ASEAN và là một trong những nền kinh tế năng động nhất khu vực.
Ông Jean-Pierre Archambault, Tổng thư ký Hội hữu nghị Pháp Việt (AAFV). (Ảnh: TTXVN)
Bình luận về những nỗ lực của Việt Nam trong công cuộc hội nhập quốc tế và phát triển ngoại giao nhân dân, ông Jean-Pierre Archambault, Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Pháp-Việt (AAFV), nhấn mạnh Việt Nam đã hội nhập rất thành công vào cộng đồng quốc tế.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Paris, điểm lại những thắng lợi về ngoại giao nhân dân mà Việt Nam đã giành được trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước thời kỳ cận đại, Tổng Thư ký Jean-Pierre Archambault nêu rõ đã từng có một thời kỳ đen tối trong chế độ thực dân, thời kỳ mà đối với một phần thế giới, đặc biệt là thế giới tư bản, Việt Nam không tồn tại.
Nhưng sau đó, Việt Nam đã giành được chiến thắng trong hai cuộc chiến tranh từng ghi dấu ấn trong lịch sử thế giới thế kỷ 20.
Đó là chiến thắng Điện Biên Phủ kết thúc cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp năm 1954 và chiến thắng đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975.
Đây là những thành công của Việt Nam trong những năm tháng nỗ lực đấu tranh, vận động sự ủng hộ và đoàn kết quốc tế, hòa nhập vào phong trào chống áp bức của các dân tộc trên toàn thế giới.
Tổng Thư ký AAFV nhắc lại sau năm 1975, Việt Nam đã hỗ trợ Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot và giúp đất nước này thoát khỏi họa diệt chủng, đấu tranh chống lại lệnh cấm vận của Mỹ và các nước phương Tây kéo dài đến năm 1994...
Ông Archambault khẳng định tất cả những điều này đã hun đúc nên ý chí chính trị mạnh mẽ của Việt Nam để hội nhập toàn diện vào cộng đồng quốc tế, một ý chí đã thực sự thành công.
Bằng chứng hùng hồn nhất của thành công này là tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 73, Việt Nam đã được bầu làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu rất cao 192/193.
Kết quả này đã minh chứng cho vị thế quốc tế mới của Việt Nam và niềm tin của cộng đồng quốc tế vào chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Lãnh đạo AAFV nêu rõ trong bối cảnh tồn tại nhiều thách thức mới về hòa bình, an ninh và phát triển, việc vận động tăng cường chủ nghĩa đa phương, pháp quyền và hợp tác quốc tế là cần thiết hơn bao giờ hết.
Cần đẩy mạnh những nỗ lực chung nhằm ngăn chặn và giải quyết các xung đột bằng các biện pháp hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Việc các nước thành viên tín nhiệm và bầu Việt Nam với tỷ lệ ủng hộ gần như tuyệt đối đã góp phần khẳng định điều này.
Ông Archambault nhấn mạnh cho đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với khoảng 20 quốc gia, trong đó có Pháp. Việt Nam cũng đã ký hiệp định tự do thương mại với Liên minh châu Âu, đóng vai trò tích cực trong ASEAN và là một trong những nền kinh tế năng động nhất khu vực.
Trong việc gia nhập các tổ chức quốc tế, Việt Nam cũng gặt hái thành công ngay cả khi phải đàm phán với những đối tác khó khăn như Mỹ khi thúc đẩy gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Ông Archambault cho biết về ngoại giao nhân dân, Việt Nam cũng nhận được nhiều sự ủng hộ của các hiệp hội hữu nghị và đoàn kết trên thế giới, trong đó có AAFV.
Được thành lập năm 1961, thời điểm đế quốc Mỹ tăng cường xâm lược Việt Nam, AAFV đã liên tục phát triển quan hệ hợp tác với các hội hữu nghị với Việt Nam để triển khai rất nhiều hoạt động đoàn kết với nhân dân Việt Nam như ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh và trong thời gian phương Tây cấm vận.
AAFV hỗ trợ vật chất và tinh thần cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, đặc biệt là vụ bà Trần Tố Nga kiện các công ty hóa chất đã cung cấp chất độc cho quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam.
Các phân ban AAFV tại các địa phương đã giúp đỡ những người dân Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn.
AAFV tổ chức các buổi trao đổi, tọa đàm và cho ra đời tạp chí Perspective (Góc nhìn) nhằm tuyên truyền để nhân dân Pháp hiểu hơn về Việt Nam; góp phần phát triển mô hình hợp tác mới giữa hai nước năng động và hiệu quả hơn, trong đó chú trọng quan hệ kinh tế, văn hóa và hợp tác y tế, một điểm mạnh truyền thống của quan hệ Việt Nam và Pháp./.