23/12/2024 lúc 08:33 (GMT+7)
Breaking News

Tổng nợ vay Bamboo Capital vượt mức 15.500 tỷ đồng, dòng tiền kinh doanh âm

Tính đến cuối quý 3/2022, Tổng nợ đi vay của BCG hơn 15.500 tỷ đồng, tăng hơn 1.800 tỷ đồng so với đầu năm, đa số là vay dài hạn. Trong đó, dư nợ trái phiếu của BCG là 7.544 tỷ, chiếm 49% tổng nợ đi vay của tập đoàn.

Công ty cổ phần Tập đoàn Bamboo Capital (HoSE: BCG) vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022 với doanh thu đạt 3.311 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 885 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong quý 3/2022, Bamboo Capital ghi nhận doanh thu thuần 1.176,7 tỷ đồng, tăng 157% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế 39,5 tỷ đồng, giảm gần 82%.

Bamboo Capital cho biết lợi nhuận sau thuế giảm phần lớn là do doanh thu tài chính của BCG trong quý 3 giảm mạnh. Theo BCG, việc huy động vốn khó khăn cùng lãi suất tăng cao đã làm cho thị trường M&A bị đóng băng, trong khi phần lớn lợi nhuận của BCG trong quý 3 năm ngoái đến từ mảng dịch vụ tài chính thông qua các hoạt động M&A này.

Một nguyên do khác là bởi chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ của BCG tăng so với cùng kỳ năm ngoái sau khi hợp nhất thêm 3 Công ty từ đầu năm 2022 bao gồm: Công ty Bảo hiểm AAA, Công ty BCG - Băng Dương và Công ty Hanwha BCG Băng Dương.

Ngoài những khó khăn về điều kiện thị trường thay đổi, BCG còn gặp một số khó khăn khác do cơn bão số 4 tại Đà Nẵng khiến hai dự án chính là Malibu Hội An và Hội An D'Or cần hoàn thiện lại một phần cảnh quan.

Tính đến ngày 30/9, tổng tài sản của BCG đạt 43.752 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với hồi đầu năm. Tổng tài sản BCG tăng chủ yếu từ gia tăng tài sản đầu tư dài hạn do các dự án bất động sản và năng lượng tái tạo đã hoàn thiện trong năm. Các khoản phải thu ngắn hạn hơn 13.600 tỷ, tăng hơn 3.000 tỷ so với ngày 1/1.

Tiền và các khoản tương đương tiền tính đến ngày 30/9 đạt 1.325 tỷ đồng, trong đó hơn 961 tỷ đồng là tiền gửi ngân hàng. Doanh nghiệp cho biết đây là các khoản tiền gửi có kỳ hạn không quá 3 tháng tại các Ngân hàng thương mại, trong đó có 46,6 tỷ đồng đã được thế chấp cho các khoản vay.

Danh mục cổ phiếu giá trị gần 1.000 tỷ đồng, chủ yếu là khoản đầu tư vào cổ phiếu TPB của Ngân hàng TPBank. Trước đó, Bamboo Capital đã mua 30 triệu cổ phiếu TPB trong đợt TPBank chào bán riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu với mức giá 33.000 đồng/cp, với tổng giá trị 990 tỷ đồng.

Danh mục đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết của BCG cũng xuất hiện thêm nhiều cái tên, trong đó vốn nhiều nhất rót vào CTCP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Gia Khang (hơn 1.000 tỷ đồng), chiếm 29% trong tổng 3.400 tỷ vốn rót vào các công ty liên doanh liên kết.

Được biết, Gia Khang là chủ đầu tư dự án "đình đám" King Crown Infinity với diện tích 12.652 m2 tại phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, TP.HCM, còn Bamboo Capital đảm nhiệm vai trò đơn vị phát triển tại đây.

Ở phía nguồn vốn, nợ phải trả tính đến cuối quý 3 đạt 30.117 tỷ đồng, tăng 2,7% so với hồi đầu năm. Tổng nợ đi vay của BCG hơn 15.500 tỷ đồng, tăng hơn 1.800 tỷ đồng so với đầu năm, đa số là vay dài hạn. Trong đó, dư nợ trái phiếu tính đến cuối kỳ hơn 7.500 tỷ đồng, chiếm 49% tổng nợ đi vay.

Nửa đầu năm, doanh nghiệp vay thêm hơn 6.400 tỷ đồng đồng thời cũng trả nợ gốc vay khoảng 3.770 tỷ.

Để giảm hệ số nợ vay/vốn điều lệ, Bamboo Capital liên tục tăng vốn. Từ đầu năm đến nay, Bamboo Capital đã có 2 lần tăng vốn điều lệ, từ 2.975 tỷ đồng ở cuối năm 2021 lên 5.033 tỷ đồng ở ngày 5/5.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán giảm sâu, Bamboo Capital vừa được thông qua phương án huy động vốn qua chào bán cổ phiếu.

Cụ thể, Bamboo Capital muốn chào bán 266,7 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp. Tổng số tiền thu được dự kiến là hơn 2.667 tỷ đồng dùng số tiền thu được để góp vốn vào CTCP Bảo hiểm AAA (1.315 tỷ đồng), thanh toán nợ cho CTCP BCG Financial (282,5 tỷ đồng), thanh toán các khoản nợ vay và bổ sung nguồn vốn lưu động.

Thời gian phát hành dự kiến trong quý 4/2022, sau khi được UBCKNN chấp thuận. Nếu đợt chào bán diễn ra thành công, vốn điều lệ của Bamboo Capital tăng từ 5.335 tỷ đồng lên 8.002 tỷ đồng.

Tuy nhiên, diễn biến giá cổ phiếu BCG trên thị trường không mấy tích cực. Từ đầu tháng 11 đến nay, BCG ghi nhận đến 7 phiên giảm điểm, trong đó có tới 5 phiên giảm sàn. Ghi nhận phiên giao dịch sáng 11/11, BCG tiếp tục giảm sàn về mức 5.630 đồng/ cp, thấp hơn rất nhiều giá cổ phiếu muốn chào bán.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy, BCG càng đẩy mạnh hoạt động M&A, dòng tiền chi ra đầu tư góp vốn vào đơn vị khác của tập đoàn này càng lớn. Nhưng trong bối cảnh dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm, BCG ngày càng phụ thuộc vào dòng tiền từ hoạt động tài chính.

Tại thời điểm cuối quý 3/2022, BCG tiếp tục ghi nhận tình trạng âm dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và hoạt động đầu tư. Ngược lại, BCG ghi nhận dương hơn 7.339 tỷ đồng từ hoạt động tài chính, chủ yếu đến từ tiền thu từ phát hành cổ phiếu, nhận vốn góp của chủ sở hữu (5.019 tỷ đồng), tiền thu từ đi vay (6.426 tỷ đồng).

Nguyễn Lâm