VNHN - Với tỷ lệ vốn Nhà nước phải tham gia rất cao cho thấy dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam có tính khả thi không cao, không đủ khả năng thu hút vốn tư nhân tham gia, thu hồi vốn đầu tư.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam sẽ khó khả thi về mặt huy động vốn, Việt Nam chưa làm chủ được công nghệ và vấn đề nợ công khi thực hiện đầu tư dự án. Đây là phần tham gia ý kiến thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Theo bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, hình thức đầu tư (Nhà nước 80%, tư nhân 20%) cần phải được tính toán, xác định trên cơ sở hiệu quả đầu tư, khả năng thu hút đầu tư của dự án. Với tỷ lệ vốn Nhà nước phải tham gia rất cao cho thấy tính khả thi dự án không cao, không đủ khả năng thu hút vốn tư nhân tham gia, thu hồi vốn đầu tư. “Về vốn đầu tư tư nhân, Bộ Giao thông Vận tải cần làm rõ khả năng thu hút đầu tư, thời gian hoàn vốn đầu tư,” bà Hà nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước
Đề cập đến việc lựa chọn công nghệ cho dự án, bà Hà cho rằng thực tế trong nước chưa tự chủ được công nghệ, chưa có kinh nghiệm. Thời gian qua, các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đều gặp bế tắc, gây bức xúc dư luận xã hội, vì thế việc lựa chọn công nghệ, kỹ thuật rất quan trọng ảnh hưởng đến công tác vận hành, yếu tố kinh tế, an toàn. “Đề nghị tư vấn độc lập đủ năng lực, khách quan, phân tích đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải về cơ sở kỹ thuật, kinh tế khi chọn phương án 3 (nâng cấp tuyến đường hiện hữu và xây mới tuyến cao tốc với vận tốc thiết kế 350 km/giờ) để thực hiện,” bà Hà lưu ý.
Liên quan đến tổng mức đầu tư dự án 58,7 tỷ USD (trên 1,3 triệu tỷ đồng), tương đương suất đầu tư 38 triệu USD/km, bà Hà cho rằng cần phân tích, so sánh suất đầu tư dự án với các dự án có tính chất tương tự. Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải cần tách riêng để so sánh suất đầu tư phần thiết bị, kỹ thuật. Bên cạnh đó, lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước cũng cho rằng thời gian hoàn thành dự án khoảng 30 năm (2020-2050) nên còn rất nhiều yếu tố tác động như kỹ thuật, giá thành vật tư, thiết bị, tỷ lệ trượt giá, chi phí nhân công.
Những người dân có nhà gần đường sắt trên cao
Dẫn chứng thực tế cho thấy, thời gian qua do nhiều yếu tố, các dự án đường sắt đô thị có tỷ lệ tăng tổng mức đầu tư rất lớn, có dự án tăng tới 2,7 lần trong vòng 10 năm (dự án metro Bến Thành-Suối Tiên). “Tổng mức đầu tư là cơ sở xác định hiệu quả đầu tư, chuẩn bị nguồn lực đầu tư do đó đề nghị làm rõ cơ sở xác định và tính chuẩn xác của tổng mức đầu tư đã đề xuất” bà Hà nhìn nhận.
Cho rằng với nguồn vốn ngân sách chiếm 80% là không khả thi, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đề nghị Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư có đánh giá kỹ hơn về đề xuất này, đặc biệt lưu ý khả năng cân đối thu chi ngân sách Nhà nước, vấn đề nợ công khi thực hiện đầu tư dự án. Đánh giá hiệu quả đầu tư là một trong những cơ sở quan trọng quyết định chủ trương đầu tư dự án, phía Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tính toán đầy đủ các yếu tố rủi ro tác động đến hiệu quả đầu tư như rủi ro về kỹ thuật, thiết bị thay thế; tăng chi phí đầu tư, tổng mức đầu tư; nguồn nhân lực; không đủ lưu lượng hành khách như dự kiến.
Phía bên trong một toa tàu
Ngoài ra, để có cơ sở xem xét, đơn vị này đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cần có đánh giá cụ thể về các vấn đề liên quan đến việc triển khai các dự án đường sắt đô thị hiện nay để có bài học kinh nghiệm trong việc chuẩn bị đầu tư dự án. Cho rằng những số liệu tham chiếu trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đưa ra còn chung chung, chưa cập nhật nên Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đề nghị Bộ Giao thông Vận tải bổ sung phân tích hiện trạng giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, hàng không trên trục Bắc-Nam trong đó làm rõ công suất khai thác thực tế của từng loại hình giao thông, những ảnh hưởng của tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc-Nam đối với việc khai thác các tuyến giao thông còn lại.
Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông
Trước đó, những phương án lựa chọn kịch bản triển khai dự án này đang được các Bộ, ngành và các chuyên gia, nhà khoa học đưa lên “bàn cân” về tốc độ thiết kế, tính khả thi và hiệu quả dự án cũng như khả năng làm chủ công nghệ của Việt Nam.