VNHN - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu phải đánh giá đúng thực chất, không chạy theo thành tích trong bảo trì đường bộ.
Tại cuộc họp xây dựng Đề án xác định nhu cầu vốn bảo trì quốc lộ đến năm 2030 tổ chức vào sáng nay (4/12), Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu, công tác bảo trì đường bộ phải đánh giá lại đúng thực trạng, sát thực tế, không được chạy theo thành tích và không dấu số liệu thực trạng đường hư hỏng để báo cáo Chính phủ, Quốc hội.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu, đề án sẽ được trình Chính phủ trong năm 2019 để Chính phủ thông qua chuẩn bị cho kế hoạch bảo trì 2019. Do đó, Tổng cục Đường bộ VN cần xây dựng đề án trên tinh thần nghiêm túc, trong đó cần đặc biệt chú ý về căn cứ pháp lý phù hợp và phải phân tích rõ sự cần thiết của công tác bảo trì.
Bảo trì đường bộ phải thực chất, không chạy theo thành tích
Theo Bộ trưởng, những năm qua dù công tác bảo trì đường bộ đã được tập trung, nhưng thực trạng hư hỏng các tuyến đường cần nhu cầu vốn còn rất lớn, trong khi vốn được bố trí rất ít. Nhiều tuyến đường hư hỏng gây bức xúc trong xã hội nhưng không có nguồn kinh phí thực hiện, dẫn đến chất lượng hệ thống giao thông không đồng bộ và nhiều hệ lụy khác, không phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
“Không được chạy theo thành tích và không dấu số liệu, số liệu phải chuẩn, thực trạng phải đúng. Phải đánh giá đúng, có tính chất tổng quan hiện trạng, sát thực tiễn các tuyến đường giữa các vùng miền, nêu rõ nguyên nhân của việc đường xuống cấp do thiếu nguồn vốn và nếu không giải quyết được thực trạng tuyến đường thời gian tới sẽ ra sao. Từ thực tế này cũng cần nêu rõ bức tranh về bảo trì và nhu cầu, kế hoạch nguồn vốn dành cho công tác này theo từng thời kỳ”, Bộ trưởng yêu cầu.
Bộ trưởng cũng yêu cầu cần nghiên cứu đề xuất thêm các giải pháp huy động nguồn vốn khác từ xã hội hóa cho công tác bảo trì. Đồng thời nêu rõ giải pháp về quản lý, vật liệu, cách làm để duy trì được hệ thống đường bộ phục vụ phát triển kinh tế. Trong phân kỳ đầu tư phải đảm bảo công bằng, hài hòa giữa các vùng miền. Phải xây dựng được đề án bảo trì đường bộ sát với thực tiễn, chất lượng và thuyết phục để báo cáo Chính phủ”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, từ khi thành lập, nguồn vốn từ Quỹ dành cho công tác bảo trì đường bộ được cải thiện.
Tuy nhiên, nguồn Qũy còn rất thiếu so với nhu cầu tối thiểu, tổng kinh phí bảo trì đường bộ hàng năm chiếm khoảng 1% tổng giá trị tài sản đường bộ. Tính riêng năm 2018, nguồn vốn dành cho công tác này mới đáp ứng được trên 34% nhu cầu.
Theo ông Huyện, đến nay, còn tới trên 60% tổng chiều dài mạng lưới quốc lộ đã quá thời gian sửa chữa định kỳ. Trong đó, có trên 10.600 km đã quá thời hạn trung tu và trên 5.700 km qúa thời kỳ đại tu do thiếu nguồn vốn. Bên cạnh đó, hệ thống quốc lộ vẫn còn trên 1,3% đường cấp phối, tỷ lệ đường bê tông nhựa mới đạt khoảng 60%./.