Tỉnh Bình Phước được tái lập ngày 01-01-1997. Tỉnh gồm 5 huyện phía Bắc của tỉnh Sông Bé cũ, thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với khoảng 260km đường biên giới giáp 3 tỉnh của Vương quốc Campuchia (phía Tây) và tiếp giáp hai tỉnh cao nguyên Lâm Đồng (phía Đông), Đắk Nông (phía Bắc). Nằm trên hai trục đường giao thông chiến lược, quan trọng của cả nước là Quốc lộ 13 và đường Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Phước vừa là cửa ngõ, vừa là cầu nối giữa miền Đông Nam Bộ với Tây Nguyên và Campuchia, có vị trí địa lý và nguồn tài nguyên khá phong phú. Tỉnh trở thành nơi hội tụ của 41 dân tộc từ hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước đến định cư (khoảng 20% là đồng bào dân tộc).
Khi mới tái lập, Bình Phước là một trong những tỉnh nghèo của cả nước, hạ tầng kém phát triển, GDP bình quân đầu người chỉ đạt 180 USD, kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp (chiếm hơn 70%), công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ chiếm tỷ trọng thấp. Từ năm 1997 đến nay, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng hướng của Tỉnh ủy, quy mô GDP của tỉnh đã không ngừng mở rộng, tốc độ tăng trưởng nhanh và liên tục; năng lực sản xuất ngày càng được tăng cao nhờ sự gia tăng nhanh các yếu tố nguồn lực bên trong và bên ngoài. Cơ cấu kinh tế của tỉnh đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng mở rộng các ngành công nghiệp và dịch vụ.
Tuy nhiên, quá trình chuyển dịch cơ cấu (CDCC) kinh tế vẫn diễn ra chậm, tốc độ tăng trưởng và quy mô nền kinh tế còn ở mức thấp so với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong khi tiềm năng và lợi thế của Tỉnh đang còn dư địa rất lớn.
1. Tỉnh ủy Bình Phước lãnh đạo, chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Ngay từ những ngày đầu tái lập, Tỉnh ủy đã quán triệt quan điểm phát triển lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ là chìa khóa cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Thông qua phát triển công nghiệp sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Phát triển công nghiệp sẽ làm thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại và bảo đảm cho các ngành khác phát triển, tăng trưởng ổn định, nâng cao năng suất lao động, tạo việc làm cho xã hội, thu hút nguồn vốn, nguồn nhân lực chất lượng cao. Qua đó, nhanh chóng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, vẫn xác định nông, lâm nghiệp là thế mạnh, tiềm năng đất đai là lợi thế cạnh tranh lớn nhất của tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tỉnh ủy xác định cần phải có chiến lược phát triển nhanh, toàn diện và mang tính bền vững. Vì vậy, yêu cầu hệ thống chính trị phải nghiên cứu tình hình, đặc điểm, thực trạng kinh tế các ngành công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp để đề xuất các phương hướng, mục tiêu và giải pháp. Tỉnh ủy chỉ đạo tiếp tục hoàn chỉnh và triển khai quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cũng như quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch các huyện, thị xã, thành phố. Tính đồng bộ giữa các quy hoạch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ để tạo nguồn thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn. Các quy hoạch đều được công bố rộng rãi để nhân dân biết, công tác quản lý, đầu tư theo quy hoạch phải được chú trọng.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI năm 1997 (đại hội đầu tiên của tỉnh sau khi tái lập) đã xác định rõ: “chuyển dịch một bước về cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ”. Tập trung mọi nguồn lực đầu tư vào các vùng trọng điểm cây công nghiệp lâu năm, sản xuất sản phẩm cao su, chế biến hạt điều, nhà máy xi măng, các khu công nghiệp; xây dựng nông, lâm trường vững mạnh, vấn đề quản lý rừng, bảo vệ rừng được Tỉnh ủy đặc biệt coi trọng.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII năm 2000 đề ra các chủ trương và định hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng, coi những nhóm ngành này là bước đột phá trong CDCC kinh tế, có vai trò tác động, hỗ trợ phát triển nông nghiệp và nâng cao đời sống nhân dân. Những năm 2000 - 2005, Tỉnh ủy chỉ đạo quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tỉnh ủy chủ trương xây dựng quy hoạch phát triển thương mại đến năm 2010, xây dựng các trung tâm thương mại và từng bước triển khai xây dựng khu kinh tế cửa khẩu, chợ đầu mối nông sản. Đến cuối năm 2005, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng tăng lên 18%, thương mại - dịch vụ tăng lên 25% và nông - lâm nghiệp giảm xuống còn 57%.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII năm 2005 đã đề ra 10 chính sách và giải pháp mũi nhọn. Đồng thời, tập trung chỉ đạo 5 chương trình đột phá là: CDCC kinh tế, nâng cao hiệu quả nền kinh tế, thúc đẩy nhanh phát triển công nghiệp; giải quyết di dân tự do, ổn định dân cư gắn với bảo vệ rừng, phát triển kinh tế rừng, chăn nuôi đại gia súc; phát triển thương mại, dịch vụ du lịch và xuất khẩu; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; đào tạo cán bộ và phát triển nguồn nhân lực (đưa cán bộ trẻ có năng lực đi đào tạo nước ngoài). Những năm 2005 - 2010, các khu công nghiệp lớn đã được hình thành với tổng diện tích khoảng 5.000ha, Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư 28.364ha. Công tác xúc tiến đầu tư, chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính được quan tâm hàng đầu.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX năm 2010 xác định: “Bình Phước vẫn còn là một tỉnh nghèo, công nghiệp dịch vụ chưa phát triển tương xứng, nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế. Kết cấu hạ tầng tuy đã được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển”. Từ đó, đề ra nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ và nghiên cứu khoa học. Nâng cao hiệu quả ứng dụng và tính khả thi của các đề tài khoa học vào các lĩnh vực cụ thể, từng bước đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp. Từng bước tạo chuyển biến về chất trong cơ cấu theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành có giá trị kinh tế và hàm lượng khoa học - công nghệ cao.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X năm 2015 xác định nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng CNH, HĐH, khai thác hiệu quả mọi nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh, tạo động lực đưa Bình Phước phát triển nhanh, bền vững. Đại hội đề ra 6 chương trình kinh tế và 11 dự án trọng điểm, nổi bật là dự án Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Đồng Phú 14.000ha, dự án Becamex Bình Phước 5.000ha, dự án Khu di tích lịch sử và du lịch sinh thái căn cứ Bộ Chỉ huy Miền Tà Thiết, dự án Khu bảo tồn văn hóa dân tộc Stiêng Sóc Bom Bo.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI năm 2020, trong bối cảnh tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đề ra mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp, thuộc nhóm các tỉnh phát triển nhanh và bền vững, có quy mô kinh tế khá. Đại hội đã xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm, 4 nhiệm vụ ưu tiên, 3 đột phá chiến lược và 5 giải pháp lớn. Chương trình hành động bao gồm 11 nội dung, thành lập 3 ban chủ nhiệm phê duyệt 72 kế hoạch.
Từ khi thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29-8-2005 của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy Bình Phước đã chỉ đạo UBND tỉnh ban hành Quyết định số 103/2006/QĐ-UBND ngày 16-10-2006 về Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 53-NQ/TW. Từ đó, cơ cấu kinh tế của tỉnh đã có những chuyển biến mạnh mẽ.
Chặng đường 25 năm từ khi tái lập tỉnh, Tỉnh ủy Bình Phước đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức lãnh đạo, chỉ đạo CDCC kinh tế của tỉnh theo hướng hiện đại. Cụ thể, các quan điểm, định hướng, giải pháp đúng đắn đã được Tỉnh ủy đề ra là: Thứ nhất, Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng chủ trương, nhiệm vụ chiến lược, kế hoạch, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và lãnh đạo thực hiện thành công chủ trương, nhiệm vụ đó; Thứ hai, lãnh đạo, chỉ đạo các đảng bộ, chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng trong việc đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng và huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn; Thứ ba, lãnh đạo xây dựng tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho các ngành; Thứ tư, lãnh đạo, chỉ đạo việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Thứ năm, lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các mô hình kinh tế hiệu quả, thường xuyên tiến hành sơ kết, tổng kết và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về phát triển kinh tế và CDCC kinh tế.
2. Kết quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng hướng của Tỉnh ủy, kinh tế - xã hội tỉnh Bình Phước phát triển theo hướng tích cực, làm thay đổi bộ mặt nông thôn và thúc đẩy quá trình đô thị hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, đặc biệt là người dân ở khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thu nhập bình quân tăng 28,5 lần (năm 1997: 2,6 triệu đồng/người, năm 2021: 74,1 triệu đồng/người). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, phù hợp với xu thế chung của cả nước và quốc tế. Cụ thể:
Quy mô nền kinh tế của tỉnh năm 2021 đạt 70.042 tỷ đồng, chiếm 3,62% GRDP Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, chiếm 1,4% GDP cả nước.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1997 - 2021 đạt 9,3%, trong đó giai đoạn 2006 - 2010 đạt 13,2%; giai đoạn 2011 - 2015 đạt 6,9%; giai đoạn 2016 - 2021 đạt 7,9%.
Cơ cấu ngành kinh tế phát triển theo hướng hiện đại, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ (Hình 1).
Như vậy, từ năm 1997 - 2021, cơ cấu ngành nông, lâm, thủy sản đã giảm từ 70% xuống 23,33%; ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 9,72% lên 42,27%; ngành thương mại - dịch vụ tăng từ 21,28% lên 30,44%.
Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 của tỉnh là 69,3 triệu đồng (tương đương 3.000 USD), bằng 107,6% so với cả nước (64,4 triệu đồng), bằng 54% so với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (128,3 triệu đồng), gấp 17 lần so với năm 1997 (180 USD).
Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2020 là 16.300 tỷ đồng, chiếm 8,7% vùng Đông Nam Bộ, chiếm 1,6% cả nước, bằng 92 lần so với năm 1997 (172 tỷ đồng).
Bên cạnh những kết quả đạt được, CDCC kinh tế của tỉnh Bình Phước còn những hạn chế, bất cập: tốc độ tăng trưởng và quy mô nền kinh tế vẫn ở mức thấp so với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong khi tiềm năng và lợi thế của tỉnh đang còn dư địa rất lớn. Nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế. Các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất sạch, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP còn nhỏ lẻ. Công nghiệp chậm đổi mới công nghệ sản xuất. Các dự án thu hút vào khu công nghiệp, khu kinh tế chủ yếu vẫn là sản xuất sơ chế, gia công trên cơ sở công nghệ lạc hậu, chưa có những nhà máy, xí nghiệp mới với quy mô lớn, tạo bước đột phá cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Chất lượng các sản phẩm xuất khẩu chậm được cải thiện, chủ yếu là xuất khẩu hàng hóa dạng thô như: tiêu, điều, cao su, cà phê...; các sản phẩm nông sản thiếu sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Thị trường xuất khẩu thiếu ổn định. Việc đăng ký chất lượng, nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm chưa được quan tâm thực hiện.
3. Định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh Bình Phước
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó lĩnh vực kinh tế có 7 chỉ tiêu: (1) Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt từ 9%-10%/năm. (2) GRDP bình quân đầu người đạt trên 100 triệu đồng, tương đương 4.500 USD. (3) Cơ cấu kinh tế: công nghiệp - xây dựng: 46% - 48%, thương mại-dịch vụ: 36% - 38%, nông, lâm, thủy sản: 15% - 17%. (4) Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2021-2025 là 185.000 tỷ đồng. (5) Thu ngân sách đạt 18.000 - 18.500 tỷ đồng. (6) Kim ngạch xuất khẩu đạt 5 tỷ USD. (7) Thành lập mới 6.000 doanh nghiệp và 150 hợp tác xã.
Định hướng cụ thể trong CDCC kinh tế tỉnh Bình Phước là:
Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng: phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm ngành công nghiệp là 16-17%. Coi công nghiệp là động lực quan trọng theo hướng phát triển ngành công nghiệp có hàm lượng chất xám, công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại, có lợi thế cạnh tranh xuất khẩu và giải quyết nhiều việc làm. Ngoài việc xây dựng các khu công nghiệp theo hướng hiện đại gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, tập trung bố trí quỹ đất để xây dựng hệ thống nhà ở cho công nhân và các dịch vụ đi kèm như siêu thị, dịch vụ y tế, nhà trẻ...
Quy hoạch mới và mở rộng các khu công nghiệp tập trung; mỗi huyện, thị, thành phố có từ 1 đến 3 cụm công nghiệp. Khai thác tiềm năng để phát triển các ngành công nghiệp khai khoáng, năng lượng tái tạo.
Rà soát, điều chỉnh chính sách nhằm thu hút đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế trọng điểm với phương châm “hai nhanh, ba tốt” (giải quyết thủ tục đầu tư nhanh; giải phóng mặt bằng và bàn giao cho nhà đầu tư nhanh; chính sách tốt, hạ tầng tốt, tình cảm tốt). Ưu tiên thu hút theo cụm ngành công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm nông, lâm sản (điều, cao su, gỗ, trái cây...), công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp nông thôn.
Nâng cao tỷ lệ giá trị tăng thêm, giá trị sản xuất trong công nghiệp trên cơ sở từng bước mở rộng quy mô doanh nghiệp và giải quyết các ách tắc về vốn, thị trường, lao động. Đầu tư đồng bộ, hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, đặc biệt là các công trình xử lý nước thải và bảo đảm diện tích cây xanh. Phát triển các khu đô thị, khu dân cư, tạo thuận lợi về chỗ ở và sinh hoạt cho người lao động trong các khu công nghiệp. Thu hút, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu các ngành sản xuất, khắc phục tình trạng thiếu lao động giản đơn, lao động kỹ thuật và lao động quản lý tại các khu, cụm công nghiệp.
Lĩnh vực nông, lâm, thủy sản: phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 5-6%. Phát triển nền nông nghiệp đa dạng, bền vững trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh, áp dụng khoa học - công nghệ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, lao động và nguồn vốn; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu trong ngành nông nghiệp theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi quy mô lớn theo mô hình sản xuất trang trại; xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa liên kết các khâu từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ; xây dựng và phát triển thương hiệu.
Phát triển nông nghiệp với 03 nhiệm vụ trọng tâm: tạo vùng nguyên liệu, chế biến, hình thành liên kết chuỗi giá trị; 03 ngành trọng điểm: chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp; 03 sản phẩm xuất khẩu chủ yếu: chăn nuôi (lợn, gà), hạt điều, sản phẩm từ gỗ; 03 giải pháp hỗ trợ tổng thể: về quy hoạch lại vùng sản xuất nguyên liệu, về chính sách thu hút, hỗ trợ và về xây dựng vùng an toàn sinh học trong chăn nuôi, nông nghiệp công nghệ cao.
Điều chỉnh quy hoạch vùng trồng cây chuyên canh, trong đó trọng tâm là cây điều, cao su, cây ăn quả, cây lấy gỗ trên cơ sở điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, nhu cầu nguyên liệu của các cơ sở chế biến; chuyển một phần diện tích trồng cây cao su sang quy hoạch đất công nghiệp, đô thị, dân cư, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng chính sách hỗ trợ người sản xuất trong vùng quy hoạch về vốn, kỹ thuật, tổ chức sản xuất để nâng cao hiệu quả và làm cơ sở hình thành chuỗi liên kết.
Quy hoạch vùng chăn nuôi hướng đến chăn nuôi công nghiệp, chăn nuôi sạch, khuyến khích chăn nuôi tập trung, bảo đảm các biện pháp an toàn dịch bệnh; tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty chăn nuôi đầu tư xây dựng, phát triển các trang trại chăn nuôi lợn, gà để cung cấp nguồn giống, sản phẩm chất lượng cao. Xây dựng thương hiệu 03 sản phẩm xuất khẩu chủ yếu để tăng nhanh số lượng và kim ngạch xuất khẩu.
Đẩy nhanh tiến độ triển khai 07 khu nông nghiệp công nghệ cao đã được phê duyệt; sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, áp dụng công nghệ tiên tiến.
Quản lý chặt chẽ diện tích rừng hiện còn, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng; thực hiện cơ chế cho thuê rừng; quản lý và thực hiện việc trồng rừng trên các diện tích bán ngập tại các lòng hồ; bảo tồn nguồn gen các loại cây và động vật quý hiếm.
Hỗ trợ, khuyến khích hình thành các vùng chuyên canh cây nông nghiệp thế mạnh của tỉnh gắn với doanh nghiệp xây dựng các cơ sở kho vận, chế biến và hỗ trợ pháp lý về hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân; phát huy và nâng cao chất lượng sàn giao dịch nông sản; xây dựng chuỗi liên kết thông qua các hình thức hợp tác sản xuất, lấy doanh nghiệp chế biến làm chủ đạo, điều hành chuỗi để triển khai chính sách hỗ trợ của Nhà nước, hợp đồng cung cấp vật tư, phân bón, thu mua, chia sẻ kinh nghiệm, rủi ro, bảo đảm quyền lợi của các bên trên cơ sở lợi nhuận bình quân. Trước mắt, hình thành thí điểm từ 3 đến 5 mô hình liên kết trong ngành điều.
Lĩnh vực thương mại, dịch vụ: phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 9%-10%:
Xuất khẩu hàng hóa: tiếp tục tập trung các nhóm sản phẩm có lợi thế; quan tâm phát triển các nhóm sản phẩm chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu xuất khẩu nhưng có giá trị gia tăng cao hoặc có tốc độ tăng trưởng cao.
Phát triển thương mại biên giới: tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư và các cửa khẩu Tà Vát, Hoàng Diệu, Tân Tiến.
Phát triển cân đối, hợp lý các loại hình trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi ở các khu dân cư, khu, cụm công nghiệp, chợ nông thôn.
Đẩy mạnh phát triển dịch vụ toàn diện, tập trung phát triển mạnh một số ngành dịch vụ: dịch vụ du lịch cần khai thác văn hóa, lịch sử, con người và thắng cảnh địa phương cũng như tăng cường giao lưu văn hóa với nước bạn Campuchia; dịch vụ tài chính, tín dụng, bảo hiểm tập trung huy động và cung ứng vốn cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; điều chỉnh cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, xuất, nhập khẩu; dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin phát triển hạ tầng viễn thông theo hướng phục vụ cho thương mại điện tử và kinh tế số. Phát triển các loại dịch vụ logistics, dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ tư vấn pháp lý... theo hướng tiện ích, chất lượng và từng bước đáp ứng chuẩn mực quốc tế.
_________________
Tài liệu tham khảo:
(1) Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Phước, 2020.
(2) Cục Thống kê Bình Phước: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bình Phước năm 2021.
(3) Mai Văn Tân: Nghiên cứu mối quan hệ giữa chuyển dịch cơ cấu và tăng trưởng kinh tế ở Thành phố Hồ Chí Minh, Luận án tiến sỹ, Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, 2014.
(4) Tỉnh ủy Bình Phước: Báo cáo thực hiện Nghị Quyết 53-NQ/TW ngày 29-8-2005 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, ngày 15-6-2022.
(5) Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước: Địa chí Bình Phước (2015).
(6) Tỉnh ủy Bình Phước: Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, 2020.
ThS ĐỖ ĐỨC HÒA
Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Phước