23/01/2025 lúc 08:27 (GMT+7)
Breaking News

Tinh hoa nghề rèn Tiến Lộc Thanh Hóa

Tiến Lộc được biết đến là một xã đặc thù với nghề rèn truyền thống có từ lâu đời của huyện Hậu Lộc

Tiến Lộc được biết đến là một xã đặc thù với nghề rèn truyền thống có từ lâu đời của huyện Hậu Lộc. Người dân làng rèn Tiến Lộc vẫn còn truyền nhau câu ca:

“Muốn ăn cơm trắng, cá thèn

Thì về quay bễ, đi rèn cùng anh”.

Trải qua các thời kỳ lịch sử của đất nước, nghè rèn Tiến Lộc đã có những đóng góp không nhỏ trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bằng việc rèn các loại vũ khí và công cụ hỗ trợ chiến đấu, đồng thời cũng là nơi cung cấp cho các nhà máy, xí nghiệp những người thợ tài ba trong lĩnh vực rèn, cơ khí.

Khu làng nghề truyền thống của xã Tiến Lộc

Tiến Lộc có 3/5 làng có nghề rèn truyền thống gồm làng Ngọ, làng Sơn và làng Bùi. Hiện nay, nghề rèn cũng đã được phát triển rộng ra hai làng còn lại là làng Xuân Hội và làng Thị Trang, với hơn 1.600 hộ, chiếm hơn 61% số hộ trong xã. Chưa kể các hộ đi làm ăn xa, mang nghề rèn đi khắp muôn nơi sinh sống, lập nghiệp trên mọi miền đất nước. Trước đây, nghề rèn ở Tiến Lộc được coi là nghề phụ, tranh thủ làm lúc nông nhàn khi chưa kịp đến thời vụ. Người thợ rèn các loại công cụ, như: Dao, cuốc, liềm... để trao đổi lấy lương thực, thực phẩm và các vật dụng khác. Vì vậy mà từ nghề phụ này cũng đã tạo ra một cuộc sống sung túc cho những người thợ làng nghề.

Nghề rèn truyền thống đem lại thu nhập tốt cho người dân trong xã

Đất nước đổi mới, cơ chế thị trường rộng mở, nghề rèn Tiến Lộc cũng có những lúc thăng trầm. Tuy nhiên, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước bằng các cơ chế, chính sách phù hợp đối với các làng nghề truyền thống, đồng thời người thợ đã năng động hơn, du nhập các loại máy móc, công nghệ mới, không ngừng sáng tạo, mở rộng sản xuất, tìm kiếm thị trường. Do vậy, nghề rèn ở Tiến Lộc đã có sự phát triển khá mạnh mẽ. Đặc biệt, Tiến Lộc đã được tỉnh đầu tư và quy hoạch làng nghề tập trung. Tuy số hộ mới chỉ chiếm một phần nhỏ so với tổng số hộ làm nghề trong xã, nhưng đã tạo bước đột phá quan trọng cho sự tồn tại và phát triển của làng nghề. Hầu hết các hộ trong làng nghề đã xây dựng nhà xưởng và đi vào sản xuất ổn định, thay đổi phương thức sản xuất từ thủ công sang máy móc, công nghệ hiện đại, đầu tư hàng tỷ đồng để mở rộng nhà xưởng. Toàn xã hiện có 6 tổ hợp máy cán rút thép; 6 cơ sở sản xuất chế tạo các loại máy phục vụ nghề rèn, cơ khí và nông nghiệp; trên 23 xưởng sản xuất bánh lồng, cày bừa máy, bu lông, ốc vít; trên 50 đại lý cung cấp nguyên liệu than, sắt; trên 20 đại lý bao tiêu sản phẩm; hàng trăm xưởng lớn nhỏ sản xuất các loại cuốc, xẻng, dao, liềm...; trên 300 máy búa, trên 300 máy đột dập các loại, hàng chục máy tiện, phay, bào, hàng nghìn máy móc phổ thông phục vụ rèn, cơ khí khác... Từ sự phát triển của các loại máy móc đã kéo theo sự thay đổi về hình thức sản xuất theo hướng chuyên môn hóa, chuyển dần từ hình thức tự lập sang liên kết sản xuất.

Để có được những thành quả các bác nông dân phải lao động trong môi trường rất vất v

Sản phẩm nghề rèn giờ đây không chỉ dừng lại ở những công cụ truyền thống mà đã đa dạng các sản phẩm, nhiều chủng loại, số lượng lên đến hàng nghìn loại, chất lượng tốt hơn, mẫu mã đẹp hơn. Sản phẩm nghề rèn Tiến Lộc đã vươn đến hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước và sang tận các nước bạn Lào, Campuchia, Myama... Nghề rèn đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các hộ trong xã, đồng thời thu hút được một lượng lớn lao động từ các nơi lân cận. Mức thu nhập của lao động tại các xưởng sản xuất dao động từ 150-350 nghìn đồng/ngày tùy theo trình độ tay nghề, bậc thợ. Đối với chủ thợ và những hộ không phải thuê nhân công có mức thu nhập cao hơn từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng/ngày. Năm 2020, tổng giá trị thu nhập từ sản xuất tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ đạt hơn 486 tỷ đồng, chiếm hơn 92% cơ cấu kinh tế của xã; thu nhập bình quân đầu người của toàn xã là 52,2 triệu đồng. Từ nghề rèn đã tạo thuận lợi cho dịch vụ, thương mại phát triển mạnh mẽ. Làng nghề là nơi trung tâm giao thương hàng hóa, nghề rèn Tiến Lộc bao đời nay vẫn được duy trì và phát triển tốt, tạo nên danh tiếng cho sản phẩm truyền thống.

Một trong những sản phẩm được tạo ra tại khu làng nghề

Nan giải nhất của làng nghề hiện nay vẫn là môi trường tiếng ồn, đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống sinh hoạt của người dân và việc học hành của con trẻ, một bộ phận nhân dân chưa đổi mới tư duy, chưa mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chưa quan tâm đầu tư máy móc phân xưởng, tai nạn do nghề nghiệp, các loại bệnh liên quan đến môi trường sản xuất nghề có chiều hướng gia tăng.

Nhờ có nguồn thu nhập từ nghề rèn truyền thống mà cơ sở hạ tầng của xã Tiến Lộc ngày càng đổi mới và khang trang

Để khắc phục những hạn chế trên, Đảng ủy và chính quyền địa phương đã tích cực vận động nhân dân một mặt đẩy nhanh phát triển kinh tế song cũng phải quan tâm đến môi trường và chất lượng cuộc sống, tích cực vận động nhân dân đầu tư máy móc, mở rộng phân xưởng, quan tâm mua sắm các thiết bị bảo hộ lao động, PCCC, giao cho các thôn thành lập các tổ thu gom rác và các chất phế thải để đúng nơi quy định. Xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm tạo ra những bước đột phá trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của xã nhà phát triển tốt./.