Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40-CT/TW) Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đăk Nông đã nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị, huy động mọi nguồn lực, tạo sinh kế cho người dân giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc, chăm lo cho người nghèo
Đắk Nông là tỉnh nằm thuộc khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, với diện tích hơn 651.000 ha và có 40 dân tộc anh em cùng sinh sống trong đó có 02 huyện được bổ sung vào danh sách huyện nghèo giai đoạn 2018-2020; tỉnh có 71 xã, phường, thị trấn với 713 thôn, bon, tổ dân phố và có 41 đơn vị cấp xã thuộc vùng khó khăn.
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đăk Nông thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Kết quả điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đến cuối năm 2020, tỉnh Đắk Nông có 162.832 hộ với 666.713 nhân khẩu, trong đó số nhân khẩu dân tộc Kinh chiếm tỷ lệ 67,83%; số khẩu là Đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ (Mạ, M'Nông, ÊĐê) chiếm tỷ lệ 10,32%; còn lại Dân tộc thiểu số khác (Tày, Nùng, Mông, Mường, Ba Na, Hoa, Khơ me,...) chiếm tỷ lệ 21,84%; Số hộ đồng bào dân tộc thiểu số 46.561 hộ, chiếm 28,59% số hộ toàn tỉnh. Trong những năm qua, công tác giảm nghèo luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh quan tâm, đặc biệt là từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW. Các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của hoạt động tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.
Xác định hoạt động tín dụng chính sách xã hội giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/ TU ngày 27/7/2016, chương trình giảm nghèo; các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đã xây dựng chương trình thực hiện Nghị quyết trong đó có việc phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Đắk Nông thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội góp phần thành công kế hoạch giảm nghèo tại địa phương cùng với đó là trong những năm qua cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo,bổ sung nguồn lực cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội tạo lập nguồn vốn để giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn phát triển sản xuất, giải quyết việc làm vươn lên thoát nghèo; như gia đình ông Y Thanh, dân tộc Mạ ở xã Đăk Som, huyện Đăk Glong cho biết: Năm 2017 Gia đình ông được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn hộ nghèo của NHCSXH huyện Đăk Glong để mua 2 con bò, đến nay đàn bò đã phát triển được 8 con. Không còn phải lo thiếu hụt cho bữa cơm hàng ngày mà nay ông đã sửa sang được ngôi nhà khang trang hơn, tái đầu tư và mở rộng trồng thêm 01 ha cà phê. Nhờ vốn vay ưu đãi, gia đình ông đã thoát nghèo.
Huy động mọi nguồn lực, tạo sinh kế cho người dân giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Hay như gia đình chị H Bom ngụ tại xã Đăk Som huyện Đắk Glong được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn hộ cận nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đăk Glong, chị đầu tư mua 03 cặp dê, đến nay đàn dê nhà chị đã phát triển sinh sôi được 14 con, ngoài việc bán con giống, chị còn tận dụng được nguồn phân bón để chăm sóc cho vườn cà phê của mình. Chị cho biết, gia đình chị luôn biết ơn đồng vốn tín dụng chính sách, nhờ đó gia đình chị không phải lo lắng về cái ăn, cái mặc mà còn có tiền cho 2 đứa con được đến trường.
Đến nay, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách tại tỉnh Đăk Nông đạt trên 3.165 tỷ đồng, tăng 1.025 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW. Trong đó, nguồn vốn ủy thác địa phương đã tăng thêm 147,4 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương đến nay đạt 197,5 tỷ đồng. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, huyện đã bám sát chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Nghị quyết về giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương để xây dựng kế hoạch vốn và tập trung cho vay các đối tượng ưu tiên, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ người dân; cải cách thủ tục hành chính giúp người dân dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn vay. Từ khi thực hiện Chỉ thị đến nay Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện cho vay 180.873 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn với doanh số cho vay đạt 5.401 tỷ đồng nguồn vốn của 16 chương trình tín dụng chính sách xã hội;
Trong đó: Doanh số cho vay cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh đạt 4.203 tỷ đồng với 175.302 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn để trồng mới, cải tạo vườn cây, mở rộng nhà xưởng, mua thêm máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất kinh doanh, tạo việc làm; có 45.173 lượt hộ gia đình cư trú tại khu vực nông thôn được vay số vốn 451 tỷ đồng để xây dựng/ cải tạo 78.522 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đạt chuẩn; giúp cho 5.328 lượt hộ gia đình nghèo có con là Học sinh sinh viên được vay 135 tỷ đồng để tiếp tục học tập, nguồn vốn tín dụng chính sách cũng đã góp phần giúp cho 1.136 hộ nghèo được vay vốn làm nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg, và 82 hộ gia đình công chức có thu nhập thấp, khó khăn vay vốn làm nhà ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP.
Sử dụng tiền vay có hiệu quả, sử dụng đúng mục đích, trả nợ đúng hạn đã có tác động kép.
Tổng dư nợ đến ngày 31/8/2021 đạt 3.131 tỷ đồng, dư nợ tăng so với trước khi thực hiện Chỉ thị là 1.575 tỷ đồng; Đến nay còn 93.037 hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang thụ hưởng chính sách, trong đó có 13.310 hộ nghèo, 7.875 hộ cận nghèo, 9.912 hộ mới thoát nghèo, 27.597 hộ cư trú tại khu vực nông thôn vay vốn xây dựng/cải tạo công trình Nước sạch vệ sinh đạt chuẩn môi trường nông thôn, 22.568 hộ sản xuất kinh doanh đang còn dư nợ tại NHCSXH,...; Dư nợ tại các xã nông thôn mới đạt 1.337 tỷ đồng, chiếm 43% tổng dư nợ, với 39.015 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ; Dư nợ đối với đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) là 1.541 tỷ đồng với 37.916 hộ ĐBDTTS đang thụ hưởng vốn tín dụng chính sách..
Đối với hộ đồng bào DTTS được tiếp cận với vốn tín dụng đã tăng rõ rệt, được vay vốn ngày càng nhiều, việc quản lý, sử dụng tiền vay có hiệu quả, sử dụng đúng mục đích, trả nợ đúng hạn đã có tác động kép. Đến nay có 93.037 hộ còn dư nợ thì hộ đồng bào DTTS vay vốn đang còn dư nợ là 37.916 hộ.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã tác động trực tiếp, mọi mặt đến đời sống hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện; hệ thống chính trị cơ sở ngày càng được củng cố; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được tăng cao; góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội, đẩy lùi tệ nạn tín dụng đen tại địa phương; phát triển nguồn nhân lực; trong 06 năm thực hiện Chỉ thị nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp 10.633 hộ nghèo tại địa phương vượt qua ngưỡng nghèo và giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 19,26% xuống còn 7% (riêng tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 40,76% xuống còn 24,15%); đồng thời nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp địa phương hoàn chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới./.