29/03/2024 lúc 13:07 (GMT+7)
Breaking News

Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động các Hợp tác xã nông nghiệp

VNHN - Sáng ngày 16-4, tại Đồng Tháp - Diễn đàn “Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hợp tác xã nông nghiệp thích ứng với cơ chế thị trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với tỉnh Đồng Tháp tổ chức với hơn 300 đại biểu tham dự ...

Diễn đàn có sự tham dự của 300 đại biểu gồm lãnh đạo Trung ương; Các Bộ, ngành Trung ương; các Viện, trường, tổ chức quốc tế ; Các hợp tác xã, doanh nghiệp thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

VNHN - Sáng ngày 16-4, tại Đồng Tháp - Diễn đàn “Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hợp tác xã nông nghiệp thích ứng với cơ chế thị trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với tỉnh Đồng Tháp tổ chức với hơn 300 đại biểu tham dự ...

Diễn đàn là sự kiện quan trọng nhằm đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tập thể, Luật Hợp tác xã năm 2012, các cơ chế, chính sách tiếp tục phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu nhiều thách thức do biến đổi khí hậu.

Hợp tác xã cải thiện về quy mô và hiệu quả hoạt động

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện Quyết định số 445/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh đã lựa chọn 156 hợp tác xã và 19 tổ hợp tác đăng ký tham gia thí điểm.

Qua 02 năm, các hợp tác xã tham gia thí điểm cải thiện về quy mô, hiệu quả hoạt động, trình độ quản lý của hợp tác xã được nâng lên; số lượng hợp tác xã nông nghiệp của toàn vùng cũng tăng nhanh. Tính đến hết năm 2018, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 1.800 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm 13% tổng số hợp tác xã nông nghiệp của cả nước.

Đáng chú ý, đã xuất hiện nhiều mô hình hợp tác xã đa dạng, hoạt động hiệu quả trong tất cả lĩnh vực, quy mô hoạt động lớn lên đến hàng ngàn thành viên như: Hợp tác xã nông nghiệp Rạch Lọp - Trà Vinh; Hợp tác xã Vĩnh Cường - Bạc liêu. Nhiều hợp tác xã liên kết chặt chẽ và cung cấp các dịch vụ thu mua nông sản hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp (bìa phải) và Bí thư Tỉnh uỷ Lê Minh Hoan giới thiệu với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ những sản phẩm đặc trưng tỉnh Đồng Tháp.

Riêng tỉnh Đồng Tháp, nổi bật là mô hình “Hợp tác xã cho nông dân tạm trữ lúa tại kho của hợp tác xã sau khi thu hoạch tại thời điểm giá lúa thấp”, gồm: Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Bình và Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Tân Cường; mô hình “Canh tác lúa thông minh” do Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Đông 2 phối hợp cùng Công ty Rynan Smart Fertilizers (tỉnh Trà Vinh) thực hiện; mô hình “Ứng dụng công nghệ nhà màng và tưới nhỏ giọt để sản xuất giống ớt sạch bệnh” của Hợp tác xã Tân Bình; mô hình “Ứng dụng công nghệ blockchain vào truy xuất nguồn gốc và áp dụng thương mại điện tử” cho mô hình “Cây xoài nhà tôi” của Hợp tác xã Mỹ Xương; mô hình “Ruộng nhà mình” của Hợp tác xã Thuận Tiến kết hợp với các doanh nghiệp để sản xuất và kinh doanh sản phẩm gạo tối ưu giá tại thị trường Hà Nội v.v..

Theo các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long, trong những năm qua ý thức tự chủ, quyết tâm vươn lên cũng có sự chuyển biến rõ rệt; việc thu hút các doanh nghiệp có tiềm năng về vốn, kỹ thuật và thị trường tham gia liên kết với các hợp tác xã, bước đầu hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm an toàn và tạo điều kiện cho các hợp tác xã ổn định đầu ra sản phẩm.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã biểu dương các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương đã nỗ lực để đạt kết quả trên. Phó Thủ tướng cũng ấn tượng với mô hình canh tác lúa lý tưởng tại Hợp tác xã Mỹ Đông 2 (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp), mô hình hợp tác xã Lúa – gạo – cơm lý tưởng của Tập đoàn Rynan; đồng thời đề nghị nhân rộng những mô hình hiệu quả.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ giới thiệu về máy bán thức ăn nóng thông minh của Tập đoàn Rynan, đây sẽ là một trong những khâu của mô hình hợp tác xã Lúa – gạo – cơm lý tưởng.Ban hành Nghị định riêng cho hợp tác xã nông nghiệp.

Bên cạnh kết quả đạt được, hợp tác xã Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại. Đó là trình độ, năng lực cán bộ quản lý yếu, thiếu các hiểu biết về pháp luật, về kinh doanh và thị trường; thiếu vốn đầu tư; loại hình dịch vụ ít, chủ yếu là dịch vụ đầu vào. Quy mô sản xuất ở nhiều vùng còn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nhất là trong điều kiện thích ứng với cơ chế thị trường, ứng phó với biến đổi khí hậu v.v..

Trước những khó khăn của hợp tác xã hiện nay, đặc biệt là hợp tác xã nông nghiệp, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp – Lê Minh Hoan đã đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định riêng về hợp tác xã nông nghiệp, tiến dần đến ban hành Luật về Hợp tác xã nông nghiệp. Theo Bí thư Hoan, hợp tác xã là mắc xích quan trọng trong chuỗi ngành hàng, là giải pháp duy nhất để thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, làm chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, giúp người dân cùng nhau thay đổi phương thức sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu. Hợp tác xã cần hỗ trợ để tiếp cận các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, công nghệ bảo quản, sơ chế, chế biến, đóng gói, bao bì v.v..

Tiến sĩ Trần Minh Hải - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác, Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng, Chính phủ cần có chính sách, cơ chế cụ thể để khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân mạnh dạn đầu tư khoa học công nghệ vào nông nghiệp, nông thôn; cho phép hợp tác xã thế chấp bằng hợp đồng liên kết với doanh nghiệp; thành lập đội ngũ chuyên gia tư vấn về hợp tác xã.

Nhân rộng mô hình hợp tác xã tiên tiến

Ủy viên BCT, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn.

Để tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu quả của các hợp tác xã vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành Trung ương, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 13-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX; Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác triển khai thi hành Luật hợp tác xã năm 2012; Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020; Đề án Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình Hợp tác xã kiểu mới giai đoạn 2016 – 2020; Đề án mỗi xã một sản phẩm.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận đề xuất của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, đồng thời giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu. Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp sớm trình Chính phủ Chương trình phát triển bền vững nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long; đưa Đề án phát triển hợp tác xã nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu vào một trong các danh mục quan trọng để thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu đề xuất trình Chính phủ đề án về hỗ trợ, phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng cho hợp tác xã.

"Các địa phương cần nâng cao nhận thức về lợi thế hợp tác xã, nhất là hợp tác xã kiểu mới; coi trọng chất lượng hợp tác xã hơn số lượng, có kế hoạch nhân rộng các mô hình tiên tiến; tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp nhằm tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp; nghiên cứu đề xuất chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách hiện hành", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.