29/11/2024 lúc 11:35 (GMT+7)
Breaking News

Tiếp sức cho hàng không vượt qua khó khăn

Hơn một năm qua, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành hàng không thế giới và Việt Nam. Dòng tiền cạn kiệt, các chuyến bay quốc tế gần như đóng băng khiến nhiều hãng hàng không trong nước đứng trước nguy cơ đình trệ hoạt động.

Hơn một năm qua, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành hàng không thế giới và Việt Nam. Dòng tiền cạn kiệt, các chuyến bay quốc tế gần như đóng băng khiến nhiều hãng hàng không trong nước đứng trước nguy cơ đình trệ hoạt động.

Một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho ngành hàng không đã bước đầu phát huy tác dụng tích cực. Tuy nhiên, dự báo năm 2021, ngành hàng không tiếp tục đối mặt với khó khăn chồng chất nên rất cần các giải pháp hỗ trợ, đặc biệt về nguồn tín dụng và những cơ chế, chính sách liên quan để vượt qua thách thức.

Dự báo khoản lỗ 15.000 tỷ đồng từ vận tải hàng không

Theo ước tính của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), năm 2020, đại dịch Covid-19 khiến sản lượng hàng không toàn cầu giảm 66%, các hãng hàng không thế giới bị lỗ 128 tỷ USD. Năm 2021, các hãng hàng không sẽ phải gánh khoản nợ hơn 220 tỷ USD và tiếp tục âm tiền mặt. Chính phủ các nước đã tiếp tục khởi động các khoản cứu trợ mới cho ngành hàng không, bổ sung cho những gói cứu trợ hiện nay, lên tới khoảng 200 tỷ USD. Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) nhận định, hàng không thế giới được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ các nước sẽ cạnh tranh gay gắt trên mạng bay của các hãng hàng không Việt Nam sau khi thị trường hồi phục

Ảnh minh họa

Tại Việt Nam, ngành hàng không đã chịu tác động to lớn do dịch bệnh. Ước tính năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam đã phải gánh khoản lỗ hơn 18.000 tỷ đồng từ hoạt động vận tải hàng không và doanh thu giảm khoảng 100.000 tỷ đồng so với năm 2019. Hiện nay, thị trường bay quốc tế vẫn đóng băng. Trong hai tháng đầu năm 2021, vận chuyển khách quốc tế chỉ đạt 66,6 nghìn khách, giảm 98,8% so với cùng kỳ năm 2019. Thị trường hàng không nội địa cũng giảm sút nghiêm trọng. Dự báo năm 2021, doanh thu các hãng hàng không vẫn tiếp tục giảm sâu so với năm 2019 và các hãng vẫn lỗ hơn 15.000 tỷ đồng từ vận tải hàng không. Các hãng đối diện với nguy cơ cạn kiệt dòng tiền hoạt động ngay từ giai đoạn thấp điểm sau dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Theo VABA, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho ngành hàng không trong thời gian qua đã có tác dụng tích cực. Đơn cử như chính sách giảm 50% giá, phí dịch vụ cất hạ cánh, điều hành đi, đến đã giúp giảm chi phí cho các hãng hàng không, riêng Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã giảm được 155 tỷ đồng. Chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay cũng giúp Vietnam Airlines giảm chi phí 164 tỷ đồng (dự kiến năm 2021, chi phí được giảm là khoảng 430 tỷ đồng). Với Bamboo Airways, tổng số tiền mà hãng được hưởng từ các khoản giảm trừ này là 120 tỷ đồng (chiếm khoảng 1,4% tổng chi phí hoạt động của hãng trong năm 2020).

Đề xuất cấp thiết hỗ trợ nguồn vốn hoạt động

Trước những khó khăn từ thực tế, nguồn vốn hoạt động đang là vấn đề cấp thiết nhất đối với các hãng hàng không hiện nay. Mỗi đợt dịch Covid-19 bùng phát lại làm lượng hành khách đi máy bay suy giảm mạnh khiến doanh thu của các hãng hàng không giảm theo, dẫn tới mất cân đối dòng tiền. Vietnam Airlines đã được hỗ trợ nguồn tín dụng ưu đãi và nguồn vốn này có tác động tốt tới hoạt động của tổng công ty. VABA đề nghị tiếp tục cho mở rộng hình thức hỗ trợ này đối với các hãng hàng không. Trong đó, Vietjet đề nghị được vay tín dụng 4.000-5.000 tỷ đồng trong 3 năm 2021-2023 và hỗ trợ lãi suất khoảng 4%; Bamboo Airways đề nghị được vay dài hạn 5.000 tỷ đồng với lãi suất 0% dưới hình thức tái cấp vốn, và 5.000 tỷ đồng vay dài hạn khác từ các ngân hàng thương mại với lãi suất hỗ trợ.

VABA cũng đề nghị mở rộng phạm vi áp dụng Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ (quy định giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa) để các doanh nghiệp hàng không được hỗ trợ lãi suất thuộc nhóm đối tượng này. Đồng thời cho phép các doanh nghiệp hàng không tái cơ cấu nợ vay, giãn nợ vay đối với các khoản nợ phát sinh trong năm 2020-2021 và không chuyển nhóm nợ cho đến hết ngày 31-12-2021. Kiến nghị tiếp tục giảm sâu hơn thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay xuống mức 900-1.000 đồng/lít; gia hạn thời hạn nộp các loại thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân; giảm 50% mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh và giá dịch vụ điều hành bay...

Theo ý kiến một số chuyên gia, ngành hàng không cần hỗ trợ để vượt qua khó khăn trước mắt và hướng đến phục hồi trong dài hạn. PGS, TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, cần có chiến lược cho hàng không Việt Nam với tư cách là tổng thể sức mạnh gồm các hãng hàng không đang bay hiện nay, từ đó có giải pháp giúp doanh nghiệp hàng không vươn lên sau đại dịch.

Nhiều quốc gia đang khẩn trương nghiên cứu, áp dụng hộ chiếu vaccine để khôi phục, phát triển kinh tế, đặc biệt cho ngành hàng không và du lịch. Ủy ban châu Âu đã thông qua Chứng chỉ xanh kỹ thuật số dưới dạng ứng dụng trên điện thoại hoặc in ra giấy giống như cuốn sổ tiêm chủng quốc tế. Những người có chứng chỉ này sẽ được đi lại, du lịch ở 27 nước châu Âu. Đây là bước đi mạnh mẽ để mở cửa phát triển du lịch, hàng không, kinh tế của châu Âu. Việt Nam đang nghiên cứu hộ chiếu vaccine và quy trình kiểm tra, nhập cảnh đối với khách quốc tế đến Việt Nam trên các chuyến bay thương mại. Điều này sẽ tạo cơ hội cho ngành hàng không, du lịch hồi phục, phát triển.