23/01/2025 lúc 00:02 (GMT+7)
Breaking News

Tiền Giang: Từng bước lan tỏa chuyển đổi số trong doanh nghiệp, chính quyền và người dân

Năm 2021, Tiền Giang xếp hạng 12/63 tỉnh, thành phố về chỉ số kinh tế số, đạt 0,4856 so với giá trị trung bình kinh tế số cấp tỉnh là 0,4098, cao hơn so với trung bình chung cả nước là 0,0758. Với những kết quả cụ thể đã đạt được, giá trị tăng thêm của kinh tế số năm 2021 là 8.619 tỷ đồng/100.314 tỷ đồng, chiếm 8,59% GRDP của tỉnh.

 

Trước đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội thảo Chuyển đổi số trong cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang – (Ảnh: Internet)

Tiền Giang tự tin với những kế hoạch cụ thể đối với phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh. Tỉnh phấn đấu đạt mục tiêu cơ bản đến năm 2025 tỷ trọng kinh tế số chiếm 15% GRDP của tỉnh, đến năm 2030 đạt 25%.

Thời gian qua, Tiền Giang đã triển khai thí điểm thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương. Đây được đánh giá là lực lượng quan trọng, mang tính huy động sức mạnh toàn dân, ở gần dân, sát dân và là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số từ tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn… Đến nay, hầu hết các cơ quan, đơn vị, như Sở Công thương, Sở GTVT, Sở Tài chính, Sở Tư pháp… và các đơn vị địa phương có 8.007 thành viên hoạt động tại 1.249 tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn Tiền Giang.

Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Sở TTTT tỉnh đánh giá, các doanh nghiệp bước đầu cũng đã dần làm quen với các hoạt động quảng bá, tiếp thị và trải nghiệm khách hàng; từng bước tiếp cận khách hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch; các doanh nghiệp áp dụng các công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh, cụ thể như: Các hệ thống quản lý tài chính kế toán, quản lý xuất - nhập, quản trị doanh nghiệp, triển khai hệ thống camera giám sát... xây dựng Trang Thông tin điện tử, sử dụng mạng xã hội nhằm quảng bá, giới thiệu, kinh doanh sản phẩm...

Chuyển đổi số đã giúp công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền thông suốt khi thực hiện giãn cách xã hội do dịch COVID-19 – (Ảnh: Internet)

Thời gian tới, để thúc đẩy phát triển kinh tế số, tỉnh sẽ tăng cường tuyên truyền, thúc đẩy đổi mới tư duy, nhận thức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, hộ gia đình và doanh nghiệp về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số trong đời sống, sản xuất, thương mại và thực thi công vụ. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển kinh tế số và xã hội số tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2022 - 2025 trên cơ sở chiến lược của quốc gia; triển khai đồng bộ kế hoạch chuyển đổi số, phát triển kinh tế số ở các ngành, các cấp nhằm lan tỏa trên diện rộng, đạt hiệu quả.

Cũng như tập trung thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số tại các doanh nghiệp; có chính sách thu hút và khuyến khích doanh nghiệp công nghệ số đầu tư phát triển tại tỉnh, ưu tiên các lĩnh vực: Thương mại điện tử, nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục, tài nguyên - môi trường, tài chính... Phát triển doanh nghiệp công nghệ số, phát triển kinh tế số - ICT thông qua hỗ trợ Tập đoàn VNPT hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư Khu công viên phần mềm Mekong ITP tại TP. Mỹ Tho, hỗ trợ xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp thứ cấp vào Khu công viên phần mềm hình thành các doanh nghiệp công nghệ số sản xuất, cung cấp các sản phẩm số, các dịch vụ số lan tỏa chuyển đổi số trong doanh nghiệp, chính quyền và người dân./.

Trí Đức - Hoàng Châu