25/01/2025 lúc 08:18 (GMT+7)
Breaking News

Tiến bộ vượt bậc trong thực thi nhiệm vụ, khắc phục đùn đẩy trách nhiệm

VNHN - Báo cáo của Tổ công tác của Thủ tướng cho biết số nhiệm vụ quá hạn năm 2018 chỉ chiếm 1,15%, giảm rất mạnh so với tỷ lệ quá hạn 25% trước khi Tổ công tác được thành lập, tình trạng đùn đẩy trách nhiệm hoặc “đẩy” trách nhiệm lên Thủ tướng cũng được khắc phục về cơ bản.

VNHN - Báo cáo của Tổ công tác của Thủ tướng cho biết số nhiệm vụ quá hạn năm 2018 chỉ chiếm 1,15%, giảm rất mạnh so với tỷ lệ quá hạn 25% trước khi Tổ công tác được thành lập, tình trạng đùn đẩy trách nhiệm hoặc “đẩy” trách nhiệm lên Thủ tướng cũng được khắc phục về cơ bản.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, phát biểu tại buổi kiểm tra 4 bộ về việc cắt giảm các thủ tục, điều kiện kinh doanh, ngày 16/10/2018. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương vừa diễn ra, Tổ công tác của Thủ tướng đã có báo cáo về  kết quả thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao năm 2018 và kết quả kiểm tra năm 2018 của Tổ công tác.

Theo đó, tình hình thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương năm 2018 đã có chuyển biến tích cực hơn so với các năm trước và có tiến bộ vượt bậc so với các năm chưa có Tổ công tác của Thủ tướng

Từ ngày 01/01/2018 đến 26/12/2018, có tổng số 18.820 nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương. Trong đó, có 11.253 nhiệm vụ đến hạn đã hoàn thành, đạt 98,1% (đúng hạn: 9.654, quá hạn: 1.599); chưa hoàn thành: 7.567 (trong hạn: 7.349, quá hạn: 218), số nhiệm vụ quá hạn của năm 2018 chiếm 1,15%, giảm 0,23% so với cùng kỳ năm trước và giảm 23,85% so với trước khi Tổ công tác được thành lập (25%).

Sự chủ động, nghiêm túc trong việc thực hiện nhiệm vụ giao của các  Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục được duy trì và đi vào nề nếp. Đồng thời, các bộ, cơ quan, địa phương, nhất là người đứng đầu đã tích cực tìm kiếm giải pháp hiệu quả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giao, nhất là đối với các nhiệm vụ giao mang tính phức tạp, khó, đòi hỏi nhiều nguồn lực hoặc liên quan đến nhiều cơ quan. Tình trạng đùn đẩy trách nhiệm hoặc “đẩy” trách nhiệm lên Thủ tướng được khắc phục về cơ bản.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng nợ đọng nhiệm vụ quá hạn và vẫn chủ yếu của một số Bộ, cơ quan, địa phương nhất định, kể cả các bộ, cơ quan, địa phương đã được kiểm tra.

Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, có những vấn đề phát sinh như thiếu điều kiện về nguồn lực để thực hiện, nhiệm vụ giao chưa đúng đối tượng, phạm vi, thời gian thực hiện chưa bảo đảm nhưng nhiều bộ, cơ quan địa phương chưa thông tin, phối hợp với Văn phòng Chính phủ để báo cáo, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải pháp điều chỉnh kịp thời; cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ đôi lúc còn cứng nhắc, không linh hoạt, sáng tạo, dẫn đến nhiệm vụ giao bị quá hạn, không bảo đảm đúng tiến độ theo yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tạo chuyển động thực sự về kỷ luật, kỷ cương

Trong năm 2018, Tổ công tác đã tiến hành 21 cuộc kiểm tra tại 06 Bộ, cơ quan, 07 địa phương, 02 Tập đoàn và Tổng công ty nhà nước; kiểm tra 11 Bộ quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và 16 Bộ, cơ quan có ngành nghề kinh doanh.

Thông qua các cuộc kiểm tra, nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giao được tháo gỡ kịp thời. Đặc biệt, qua các cuộc kiểm tra chuyên đề, tinh thần, quan điểm, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được quán triệt, đôn đốc thực hiện, tạo chuyển động thực sự về kỷ luật, kỷ cương, kịp thời đưa các giải pháp, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành những kết quả cụ thể, đi vào cuộc sống.

Trên cơ sở các kiến nghị của Tổ công tác tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ hàng tháng, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương triển khai thực hiện ngay một số nhiệm vụ để khắc phục, chấn chỉnh những hạn chế, bất cập liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành của bộ, cơ quan, địa phương mình và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan quan đến cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp mà Tổ công tác đã kiến nghị.

Tại các cuộc kiểm tra về việc thực hiện nhiệm vụ giao và việc thực hiện các giải pháp bảo đảm mục tiêu tăng trưởng năm 2018, nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách được Tổ công tác kiến nghị, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hướng giải quyết, xử lý, tháo gỡ để các Tập đoàn, Tổng công ty, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tăng doanh thu, lợi nhuận, đóng góp tốt hơn vào bảo đảm mục tiêu tăng trưởng của cả nước.

Các bộ, cơ quan, địa phương được kiểm tra đều đánh giá cao nhiệm vụ và tinh thần trách nhiệm của Tổ công tác, đã hỗ trợ rất lớn cho các bộ, cơ quan, địa phương trong việc tìm kiếm các giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả, bảo đảm đúng yêu cầu về tiến độ và chất lượng các nhiệm vụ giao. Đồng thời, qua kiểm tra đã tác động tích cực đến việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo thuận lợi cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương.

Giúp tiết kiệm hàng triệu ngày công, hàng nghìn tỷ đồng

Các cuộc kiểm tra chuyên đề về cải cách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và việc rà soát, đơn giản, cắt giảm các điều kiện kinh doanh để tạo dư địa cho tăng trưởng đã tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ đến các bộ, cơ quan.

Hoạt động kiểm tra chuyên ngành, đơn giản, cắt giảm điều kiện kinh doanh đã có cải cách, chuyển biến mạnh cả về chất và lượng. Nếu năm 2017, các bộ, cơ quan mới phê duyệt hoặc đề xuất phương án cải cách kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản điều kiện kinh doanh thì năm 2018 là một năm ghi dấu ấn mạnh mẽ trong khâu thực thi, được minh chứng qua những số liệu cụ thể.

Với việc đơn giản, cắt giảm 6.665 danh mục sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 27 thủ tục kiểm tra chuyên ngành của 8 Bộ đã tiết kiệm cho doanh nghiệp và xã hội khoảng 11.642.068 ngày công/năm, tương đương 5.407 tỷ đồng/năm.

Còn việc cắt giảm, đơn giản 3.015 điều kiện kinh doanh của 9 Bộ đã tiết kiệm cho doanh nghiệp và người dân khoảng 5.911.650 ngày công/năm, tương đương 889,5 tỷ đồng/năm (chưa kể các chi phí tiết kiệm được do không phải duy trì và đáp ứng các điều kiện kinh doanh).

Tuy nhiên, một số bộ, cơ quan còn chậm trễ trong việc trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh, hiện còn tổng số 33 văn bản về kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh chưa được ban hành.

Một số bộ, cơ quan đã có danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh cắt giảm, đơn giản hóa nhưng chưa đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Trong năm 2019, Tổ công tác tiếp tục kiểm tra các bộ, cơ quan, địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, đặc biệt sẽ tập trung kiểm tra chuyên đề về công tác hoàn thiện thể chế và việc ban hành văn bản theo thẩm quyền nhằm khắc phục và xử lý triệt để tình trạng ban hành các văn bản trái thẩm quyền, trái quy định; kiểm tra chuyên đề trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02, Nghị quyết số 35/NQ-CP, Nghị quyết số 35a/NQ-CP, Nghị quyết số 70/NQ-CP của Chính phủ... và kiểm tra chuyên đề đối với các nhiệm vụ giao có tính cấp bách liên quan đến bảo vệ tài nguyên, môi trường, an sinh xã hội, đời sống người dân cần khẩn trương thực hiện./.

Theo Chinhphu.vn