26/01/2025 lúc 14:48 (GMT+7)
Breaking News

Dấu ấn chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2018

VNHN - Năm 2018, đất nước tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội, qua đó đã củng cố thêm niềm tin của người dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

VNHN - Năm 2018, đất nước tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội, qua đó đã củng cố thêm niềm tin của người dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, kết quả đạt được nói trên là nhờ sự đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng và nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước, trong đó Chính phủ luôn chỉ đạo, điều hành với tinh thần chủ động, sáng tạo và quyết tâm cao.

Nhận diện rõ thời cơ, thách thức để có đối sách phù hợp

Ngay từ ngày 1/1/2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 với 9 nhóm giải pháp trọng tâm, 59 giải pháp và 242 nhiệm vụ cụ thể.

Chính phủ cũng đã chủ động xây dựng kịch bản, hệ thống chỉ tiêu, giải pháp tăng trưởng của từng ngành, từng lĩnh vực; thường xuyên theo dõi, đánh giá, nhận diện rõ thời cơ, thách thức để có đối sách, giải pháp phù hợp.

Việc điều hành đồng bộ các chính sách vĩ mô, kết hợp hài hòa chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng với chính sách tài khóa chặt chẽ, kỷ luật, kỷ cương… đã góp phần tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu và kết quả nổi bật là GDP năm 2018 đạt 7,08%; năm thứ 2 liên tiếp vượt và đạt tất cả 12 chỉ tiêu của Quốc hội đề ra. 

Nêu cao tinh thần cầu thị, lắng nghe

Chính phủ đã tổ chức 15 hội nghị chuyên đề với tinh thần cầu thị, lắng nghe. Lãnh đạo Chính phủ trực tiếp chỉ đạo, đề ra các quyết sách, giải pháp phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển tiềm năng, thế mạnh của từng ngành, từng lĩnh vực; đồng thời giải quyết những vấn đề phát sinh nổi cộm, dư luận xã hội quan tâm.

Lãnh đạo Chính phủ chủ trì, chỉ đạo gần 800 cuộc họp; thực hiện 70 chuyến công tác, làm việc với địa phương; tham dự và chỉ đạo xúc tiến đầu tư tại 20 tỉnh, thành phố; trực tiếp thị sát tình hình, giải quyết gần 400 kiến nghị, tháo gỡ khó khăn cho địa phương.

Lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ đã đối thoại với hơn 600 nông dân tiêu biểu; phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết của Trung ương về tam nông; sơ kết 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Chính phủ chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; ban hành nhiều chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, phát triển ngành nghề nông thôn.

Về công tác phòng, chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, lãnh đạo Chính phủ trực tiếp kiểm tra, thị sát tại nhiều khu vực xảy ra thiên tai, kịp thời thăm hỏi, động viên nhân dân và chỉ đạo các lực lượng tập trung khắc phục thiệt hại, hỗ trợ giúp nhân dân sớm ổn định đời sống và sản xuất, không để người dân nào bị thiếu đói, không có chỗ ở.

Đặt nền móng cho phát triển dài hạn

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo xử lý 12 dự án thua lỗ, yếu kém ngành Công Thương; thực hiện các giải pháp đồng bộ tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng, rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục hành chính liên quan; có các giải pháp tổng thể thúc đẩy phát triển ổn định thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là các chương trình nhà ở xã hội.

Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật để thu hút nguồn lực đầu tư của xã hội cho khoa học và công nghệ; ban hành cơ sở pháp lý thúc đẩy phát triển toàn diện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam 2018 tăng 2 bậc so với năm 2017, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp.

Tiếp tục xác định năm 2018 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; chỉ đạo thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) và triển khai thi hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đồng thời, Chính phủ đổi mới cơ chế quản lý vốn và tài sản Nhà nước, thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Đối với công tác người có công với cách mạng, hỗ trợ nhà ở cho người có công cho 313.000 hộ; đẩy nhanh công tác giải quyết hồ sơ người có công còn tồn đọng; đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ.

Triển khai hiệu quả các mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 theo Nghị quyết của Quốc hội. Ban hành, thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo đa chiều; hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân, mở rộng mạng lưới bệnh viện vệ tinh, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển giao kỹ thuật; phát triển y tế cơ sở.

Chính phủ cũng quan tâm đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, quản lý chặt chẽ chất lượng và giá thuốc chữa bệnh.

Chính phủ đã xây dựng, trình Ban Chấp Trung ương Đảng thông qua Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa X) và ban hành Nghị quyết 36-NQ-TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chấn chỉnh công tác quản lý đất đai và xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai; giải quyết các vấn đề bất cập trong quản lý, sử dụng đất nông lâm trường.

Giám sát chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường đối với các dự án, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; chấn chỉnh việc cấp phép khai thác tài nguyên, khoáng sản, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm. Tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.

Lập tổ công tác đặc biệt về giải quyết khiếu nại, tố cáo

Chính phủ đã tập trung chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân; kiên quyết giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm.

Lãnh đạo Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo giải pháp xử lý dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp của 27 tỉnh, thành phố; thành lập Tổ công tác đặc biệt để trực tiếp giải quyết, kết luận một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.

Thực hiện chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Chính phủ chỉ đạo kiên quyết điều tra phát hiện, xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng. Hoàn thiện khung pháp lý về phòng, chống tham nhũng; tăng cường thanh tra, phát hiện và xử lý vi phạm; tập trung thanh tra một số lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tham nhũng, những dự án thua lỗ, dư luận xã hội quan tâm.

Chỉ đạo nắm chắc tình hình, phối hợp chặt chẽ, phát huy sức mạnh tổng hợp, chủ động phương án ứng phó với các tình huống phức tạp về quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia. Tham gia thực hiện nhiệm vụ giữ gìn hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP

Thắt chặt quản lý vốn vay, kết quả đối ngoại thực chất

Về công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, Chính phủ tiếp tục hoàn  thiện khung pháp lý nhằm nâng cao trách nhiệm sử dụng vốn vay nước ngoài, quản lý, sử dụng hiệu quả vốn ODA và vốn vay ưu đãi theo hướng bền vững; phê duyệt định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn 2021 - 2025 để sử dụng hiệu quả và phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Tổ chức chu đáo 28 chuyến thăm nước ngoài và dự các hội nghị đa phương quan trọng của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; đón 33 đoàn lãnh đạo các nước thăm và dự các hoạt động quan trọng tại Việt Nam, đạt nhiều kết quả quan trọng và thực chất.

Đẩy mạnh vận động ứng cử vào vị trí thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021; Việt Nam lần đầu tiên được bầu vào Ủy ban Luật Thương mại quốc tế của Liên Hợp Quốc.

Đảm nhiệm thành công vai trò nước chủ nhà các hội nghị khu vực và quốc tế quan trọng, đặc biệt là Diễn đàn Kinh tế thế giới - ASEAN tại Hà Nội, được đánh giá là sự kiện khu vực thành công nhất của Diễn đàn trong 27 năm qua.

Chính phủ cũng đã trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP, khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.

Đến nay đã có 71 đối tác công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường; kiên quyết, kiên trì giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên Biển Đông, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ./.