10/01/2025 lúc 08:57 (GMT+7)
Breaking News

Thường Xuân: Nỗ lực phấn đấu trở thành huyện thoát nghèo vào năm 2025

Thường Xuân là một huyện miền núi, nằm ở phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, những năm qua, huyện Thường Xuân đã có bước tiến đáng kể trên các lĩnh vực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong huyện từng bước được cải thiện, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Phấn đấu đến năm 2025 ra khỏi danh sách huyện nghèo, trở thành huyện khá trong khu vực miền núi của tỉnh.
Huyện Thường Xuân phấn đấu đến năm 2025 thoát nghèo.

Theo đánh giá của Ban chấp hành đảng bộ huyện Thường Xuân, sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội, Đảng bộ huyện đã phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, tranh thủ tối đa thời cơ thuận lợi, tập trung khắc phục các khó khăn, không ngừng nỗ lực phấn đấu thực hiện mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX đề ra và đạt được kết quả khá toàn diện. Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra 27 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 6 chỉ tiêu hằng năm và 21 chỉ tiêu đến năm 2025. Trong 6 chỉ tiêu hằng năm, có 04 chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch; trong 21 chỉ tiêu đến năm 2025, có 12 chỉ tiêu đạt trên 80%. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hàng năm giai đoạn 2021 - 2023 đạt 4,54%, trong đó giá trị sản xuất (theo giá so sánh) là 3.707 tỷ đồng. trong đó: Ngành nông - lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 26,2%, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng chiếm 42,3%, thương mại và dịch vụ chiếm 31,5% trong cơ cấu giá trị sản xuất. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 29,91 triệu đồng, đạt 59,8% KH (50 triệu đồng). Đồng thời, thu hút đầu tư đạt hiệu quả cao, tổng huy động vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2023 đạt 4.181 tỷ đồng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư ngày càng đồng bộ.

Sản phẩm dưa vàng Thọ Thanh đạt sản phẩm OCOP 3 sao.

Bên cạnh đó, kinh tế nông nghiệp tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, tập trung chỉ đạo việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, có nhiều sản phẩm đạt ocop mới. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt kết quả quan trọng, tổng kinh phí huy động thực hiện chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2023 là hơn 1.346 tỷ đồng. Đến nay, có 06 xã đạt chuẩn NTM, 01 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (xã Ngọc Phụng). Toàn huyện có 08 sản phẩm được cấp tỉnh chứng nhận sản phẩm OCOP, tăng 07 sản phẩm so với đầu nhiệm kỳ, phấn đấu đến hết năm 2023 tổng số sản phẩm OCOP đạt 12 sản phẩm.

Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương.

Xác định phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động. Những năm qua, huyện Thường Xuân đã có những định hướng cụ thể mang tính bền vững trong phát triển kinh tế, trong đó, huyện chú trọng công tác quy hoạch đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất cho các nhà đầu tư, triển khai dự án, bố trí nguồn ngân sách đầu tư hạ tầng, công trình trọng điểm tại các cụm công nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng phục vụ doanh nghiệp và người dân; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, phối hợp với các sở, ngành tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp, thành phần kinh tế, cá nhân đầu tư phát triển trên mọi lĩnh vực, nhất là những ngành nghề có tiềm năng, tạo nhiều việc làm, như: May mặc, giầy da, chế biến nông, lâm sản, đồ gỗ, mỹ nghệ, nội thất xây dựng... Tính đến hiện nay, trên địa bàn huyện Thường Xuân có trên 1 nghìn cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và 1.900 hộ kinh doanh cá thể, có 140 doanh nghiệp, 40 HTX đang hoạt động. Ngoài ra, có 3 cụm công nghiệp được đưa vào trong quy hoạch phát triển gồm: Cụm công nghiệp Thị Trấn Thường xuân; cụm công nghiệp Khe Hạ xã Luận Thành; cụm công nghiệp xã Ngọc Phụng. Các cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất được hình thành, đi vào hoạt động, đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Riêng năm 2022 giá trị công nghiệp, xây dựng đạt 1.944 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương với mức lương đạt từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng/ người/ tháng. Tính cả giai đoạn 2021 - 2023, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng bình quân ước đạt 6%. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng (theo giá so sánh) bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 1.626 tỷ đồng. Tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành dịch vụ bình quân giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 3,45%, giá trị sản xuất các ngành dịch vụ (theo giá so sánh) bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 1.185 tỷ đồng. Cùng với đó, dịch vụ vận tải phát triển đa dạng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ và đi lại của Nhân dân.

Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đến hết năm 2023 đạt 51/61 trường. Đặc biệt, năm 2023 Thường Xuân có 1 thủ khoa trường chuyện Lam Sơn, đó là em Hà Anh Tiến - Trường THCS Thị trấn Thường Xuân.

Trong lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; an sinh xã hội được đảm bảo; đời sống của Nhân dân tiếp tục được cải thiện, nhiều gia đình hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, đến nay số hộ nghèo còn 4.886 hộ bằng 21,36%, giảm 4,0% so với đầu kỳ; hộ cận nghèo còn 8.306 hộ bằng 36,31%, giảm 6,3% so với đầu nhiệm kỳ. Chất lượng du lịch, văn hóa du lịch, công tác vệ sinh môi trường, an ninh trật tự được đảm bảo, sức hấp dẫn du khách ngày càng tăng, đặc biệt là điểm du lịch cộng đồng Bản Mạ -Thị trấn, Bản Vịn - Bát Mọt, với doanh thu đạt 30,24 tỷ đồng. Trong công tác giáo dục và đào tạo được chú trọng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Đề án nâng cao chất lượng giáo dục miền núi giai đoạn 2021- 2025. Tỷ lệ học sinh lên lớp hàng năm đạt trên 99,0%. Chất lượng giáo dục đại trà chuyển biến cực, chất lượng giáo dục mũi nhọn đứng trong tốp đầu của 11 huyện miền núi. Công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học được quan tâm chỉ đạo, số phòng học kiên cố đạt 81%. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đến hết năm 2023 đạt 51/61 trường (tăng 05 trường so với năm 2020) và đạt 98% mục tiêu nghị quyết.

Bản Vịn - Bát Mọt - điểm đến hấp dẫn của du khách.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được củng cố, tăng cường; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả việc thực hiện các chương trình trọng tâm, khâu đột phá của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, các nghị quyết chuyên đề riêng cho ngành nông nghiệp, giáo dục được hoàn thành ngay từ đầu nhiệm kỳ; công tác quy hoạch, sắp xếp, bố trí cán bộ có nhiều đổi mới tích cực. Đặc biệt, để tạo khâu đột phá về “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, tạo chuyển biến rõ nét trong sắp xếp tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ”. Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành 02 kế hoạch hành động thực hiện Khâu đột phá về “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, tạo chuyển biến rõ nét trong sắp xếp tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Đảng hiện nay.

Đồng chí Cầm Bá Lâm – Phó Bí thư phụ trách Huyện uỷ Thường Xuân cho biết: Trong nửa nhiệm kỳ qua, là những năm đầu thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX và kế hoạch 05 năm 2021 - 2026 trong điều kiện hết sức khó khăn, thuận lợi đan xen. Song, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp hỗ trợ kịp thời của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, cùng với tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo nổ lực, phấn đấu của các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong toàn huyện nên tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có bước phát triển, quốc phòng - an ninh được đảm bảo, công tác phòng chống dịch covid-19 được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, kiểm soát tốt dịch bệnh. Hệ thống điện, đường, trường, trạm được nhà nước, tỉnh quan tâm đầu tư. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Đảng hiện nay. Đồng chí Lâm cho biết thêm, để phát huy những kết quả đã đạt được, Ban thường vụ Huyện uỷ tiếp tục tập trung chỉ đạo chú trọng chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới và đến năm 2025 trở thành huyện thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 13%, là điểm của tỉnh. Đồng thời, phấn đấu từ giờ đến hết nhiệm kỳ sẽ có 10 xã được tỉnh công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới, 10 thôn được công nhận là thôn NTM kiểu mẫu (hiện tại đã hoàn thành được 5 thôn). Bên cạnh đó, do đặc thù là huyện Miền núi nên khó khăn nhất hiện nay của huyện là về tiêu chí nước sạch tập trung, nên sẽ ảnh hưởng đến tiêu chí xây dựng NTM, rất mong được Tỉnh uỷ, HĐND, UBND cùng các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho huyện để hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu đã đề ra…

Những thành tựu đạt được trong nửa nhiệm kỳ qua là rất lớn, có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở, tạo động lực để Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong huyện quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra./.

Hải Nam - Hoàng Trang