VNHN - Với nhận định trên, báo chí Nga những ngày gần đây cho biết nền kinh tế Nga bước vào năm mới 2020 với sự chững lại rõ rệt, trước hết đó là dấu hiệu giảm đáng kể lượng hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc.
Số liệu do Bộ Phát triển Kinh tế Nga cung cấp ghi nhận nền kinh tế “xứ sở Bạch Dương” trong tháng 1 phát triển chậm lại, với tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ ở mức 1,6%, thấp hơn mức 2,3% của tháng 12-2019 trước đó. Trong khi, Bộ Phát triển Kinh tế Nga kỳ vọng nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 1,9% trong năm nay. Cần lưu ý rằng, trong các lĩnh vực cơ bản, ngành công nghiệp sản xuất và thương mại đóng góp chính cho tăng trưởng GDP của Nga, trong khi ngành xây dựng và khai khoáng chưa thể mang lại nguồn thu chính.
Nguyên nhân suy giảm nền kinh tế Nga đầu năm nay, ít nhiều liên quan các điều kiện khách quan. Đó là sự “bùng nổ” của dịch Covid-19 xuất phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc hồi cuối năm ngoái. Trong khi thế giới đang “lúng túng” trước Covid-19, thì kể từ ngày 20-2 vừa qua, Chính phủ Nga đã tuyên bố đóng cửa biên giới với Trung Quốc. Như vậy, Nga đã trở thành một trong số khoảng 80 nước và vùng lãnh thổ cấm hoặc hạn chế người Trung Quốc và những người từng ghé Trung Quốc nhập cảnh.
Hơn thế, Nga còn là một trong số bốn quốc gia áp dụng nghiêm ngặt nhất các biện pháp này. Cùng với CHDCND Triều Tiên, Mông Cổ và Kazakhstan, Nga áp dụng biện pháp vừa đóng cửa biên giới với Trung Quốc, vừa cấm nhập cảnh. Tuy nhiên, biện pháp bắt buộc này đang khiến Nga thiệt hại đáng kể. Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết, do giao thương với Trung Quốc đình trệ, trung bình mỗi ngày Nga thiệt hại khoảng một tỷ ruble (tương đương 15,6 triệu USD).
Số liệu thống kê cho thấy khối lượng thương mại Nga - Trung thời gian qua theo chiều vector đi xuống. Do sự bùng phát của Covid-19, vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến Nga đã giảm sáu tuần liên tiếp. Phát biểu hồi tuần qua với Hãng thông tấn Nga TASS, Phó Giám đốc thứ nhất Cơ quan Hải quan Liên bang Nga Ruslan Davydov khẳng định sự sụt giảm giao thương Nga - Trung nói chung, trong đó trước hết phải kể đến sự sụt giảm đáng kể khối lượng cung cấp trái cây và rau quả tại vùng Viễn Đông, Nga.
Nhiều xí nghiệp Trung Quốc chỉ có thể bắt đầu hoạt động từ trung tuần tháng 3 tới.
Trước đó, các số liệu từ Cơ quan Hải quan Liên bang cũng ghi nhận sự sụt giảm nguồn cung đáng kể của Nga cho Trung Quốc. Theo tính toán sơ bộ, trong sáu tuần đầu năm 2020, nguồn cung từ Nga sang Trung Quốc giảm tới 30%, trước hết là các sản phẩm quặng, chất béo và sáp, các sản phẩm bột và ngũ cốc, gỗ… Trong khi đó, Cơ quan Đường sắt Nga (RZD) cho biết đang nỗ lực khắc phục sự sụt giảm lưu lượng vận tải hàng hóa giữa Nga và Trung Quốc trong thời gian từ cuối tháng 1 đến nay.
Tuy nhiên, Phó Tổng Giám đốc Cơ quan Đường sắt Nga Alexei Shilo cho rằng sự sụt giảm này là không rõ rệt. Thậm chí, quan chức này còn cho biết: “Trong thời gian tháng 1-2020, chúng tôi không thấy bất kỳ sự giảm thiểu nào trong vận chuyển hàng hoá đến và đi từ Trung Quốc. Thậm chí trong mười ngày đầu tháng 2 này, chúng ta còn nhận thấy sự tăng trưởng lưu lượng giao dịch ngoại thương, trong đó xuất khẩu của Nga tăng trưởng gần 13%, và nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 24%.
Riêng vận tải hàng hoá từ Trung Quốc đến các quốc gia châu Âu (thông qua hệ thống đường sắt Nga) tăng trưởng không đáng kể, chỉ là 2,5%”. Tuy nhiên, Cơ quan Đường sắt Nga cũng ghi nhận có sự sụt giảm lưu lượng vận tải hai loại hàng hóa là gỗ - giảm 13,7% trong 10 ngày đầu tháng 2 và than - giảm 23,4%. Riêng tại Yakutia (Nga), sự sụt giảm đáng kể trong vận tải than được ghi nhận với mức kỷ lục 40% trong tháng 1, mà nguyên nhân là do Trung Quốc chậm tiếp nhận tại khu vực cửa khẩu.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, với tổng khối lượng thương mại song phương đạt gần 110 tỷ USD trong năm 2018. Nền kinh tế Trung Quốc chững lại đồng nghĩa việc giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng, tất yếu tác động tiêu cực đến thị trường, trong khi Nga, vốn là quốc gia có nguồn thu đáng kể từ xuất khẩu nguyên liệu năng lượng, sẽ khó lòng tránh khỏi.