26/12/2024 lúc 19:22 (GMT+7)
Breaking News

Thương mại điện tử xuyên biên giới và những thách thức doanh nghiệp Việt

Tại Hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới 2023, ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam đã có những chia sẻ thú vị xoay quanh chủ đề sự phát triển của các doanh nghiệp và sản phẩm Việt khi tham gia vào thị trường toàn cầu.

PV: Nhận định của ông về sự phát triển của các doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam khi tham gia thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới cùng Amazon trong những năm vừa qua, trong bối cảnh xuất khẩu thế giới đối diện nhiều thách thức?

Ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam: Những năm qua, khi nhìn về bối cảnh nền kinh tế chung, xuất khẩu B2B truyền thống đứng trước một số thách thức do tình hình kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, xu hướng xuất khẩu bán lẻ B2C lại mở ra cơ hội.

Với mô hình xuất khẩu bán lẻ thông qua TMĐT này, các doanh nghiệp có thể quản trị được mô hình kinh doanh bởi họ làm chủ quy trình sản phẩm bước ra thị trường, chủ động từ khâu vận chuyển, xây dựng thương hiệu, tiếp nhận đánh giá của khách hàng để điều chỉnh và đáp ứng các nhu cầu của thị trường.

Thương mại điện tử xuyên biên giới và những thách thức doanh nghiệp Việt
Ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam

Giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam bán hàng qua Amazon trong 12 tháng tính đến hết ngày 31/08/2023 tăng đến 50%. Số lượng đối tác bán hàng Việt Nam tham gia Amazon tăng tới 40%. Có thể thấy sự tăng trưởng về số lượng lẫn chất lượng nhà bán hàng và giá trị xuất khẩu từ Việt Nam trên Amazon.

Chúng tôi cũng nhận thấy sự chuyển dịch và thay đổi của các doanh nghiệp từ Việt Nam xuất khẩu online. Những năm trước, mục tiêu lớn nhất của chúng tôi là nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về mô hình và cơ hội kinh doanh này.

Tuy nhiên, những năm gần đây, doanh nghiệp đã có sự nhận thức cao hơn về TMĐT xuyên biên giới, hay còn gọi là xuất khẩu online. Họ đặt ra những câu hỏi cao cấp hơn, cho thấy sự sẵn sàng, sự quan tâm, hiểu biết của họ về ngành này đã bắt đầu sâu sắc hơn. Thay vì hỏi mô hình kinh doanh này là gì, họ sẽ hỏi: Tôi sẽ bán sản phẩm gì? Tôi mở rộng danh mục sản phẩm kinh doanh như thế nào? Tôi làm thương hiệu ra sao? Làm thế nào tôi tăng trưởng bền vững? Đó là những câu hỏi mà tôi tin là đã vượt qua câu chuyện nhận thức về cơ hội của TMĐT xuyên biên giới trong cộng đồng doanh nghiệp.

Thương mại điện tử xuyên biên giới và những thách thức doanh nghiệp Việt

Giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam qua Amazon tăng trưởng đến 40%. Yếu tố nào đóng góp cho con số ấn tượng này? Theo ông, cơ hội sắp tới của Việt Nam trong lĩnh vực này có giữ được mức tăng 40-50%/năm hay không?

Giá trị xuất khẩu qua TMĐT của nhà bán hàng Việt qua Amazon tăng trưởng tốt năm qua thứ nhất đến từ yếu tố sản phẩm. Sản phẩm chất lượng và đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng quốc tế tất yếu mang lại doanh số tốt cho nhà bán hàng.

Thứ hai, có một lực lượng doanh nghiệp, nhà bán hàng mới tham gia bán hàng toàn cầu qua Amazon mỗi năm, giúp cho giá trị xuất khẩu từ Việt Nam tăng trưởng tốt hơn. Khi chúng ta có nguồn lực về sản phẩm rồi, mà không có thêm các nhà bán hàng mới thì cũng sẽ không đóng góp vào mức độ tăng trưởng chung của xuất khẩu online.

Yếu tố thứ ba, theo tôi là sự sẵn sàng của doanh nghiệp. Những năm đầu tiên, doanh nghiệp chưa sẵn sàng. Họ mới tìm hiểu, xem đây là mô hình như thế nào, liệu có làm được mô hình này hay không. Những năm gần đây, đặc biệt là năm vừa rồi, chúng ta thấy mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp cao hơn và cũng giúp cho việc vận hành mô hình kinh doanh toàn cầu hiệu quả hơn.

Thương mại điện tử xuyên biên giới và những thách thức doanh nghiệp Việt

Thứ tư là sự áp dụng mô hình FBA ngày càng cao hơn đối với các doanh nghiệp tham gia Amazon. Khi các doanh nghiệp áp dụng FBA, trải nghiệm của khách hàng Amazon toàn cầu sẽ tốt hơn, thúc đẩy mức độ chuyển đổi, mua hàng cũng như là tái mua hàng.

FBA là mô hình Amazon giúp doanh nghiệp hoàn thiện đơn hàng. Tức là khi hàng hóa vào trung tâm hoàn thiện đơn hàng của Amazon, Amazon sẽ đóng gói, sẽ chuyển hàng, sẽ lo hết các thủ tục về hoàn lại sản phẩm cho khách hàng, hoặc là thu thanh toán. Mọi quy trình đó được Amazon đảm nhiệm. Thậm chí là giao hàng trong vòng 2 ngày dành cho các khách hàng Prime của Amazon.

Thứ năm là doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu nhận thức và áp dụng cao hơn việc xây dựng thương hiệu. Họ không chỉ bán sản phẩm mà còn xây dựng thương hiệu trên Amazon để tăng giá trị bán hàng trên Amazon. Chúng tôi cũng ghi nhận tăng trưởng của các doanh nghiệp áp dụng đăng ký và bảo vệ xây dựng thương hiệu qua Amazon.

Thương mại điện tử xuyên biên giới và những thách thức doanh nghiệp Việt

Bên cạnh đồ gỗ, trang trí nội thất, Việt Nam có thể bán sản phẩm gì với lợi thế quốc gia?

Các ngành hàng về nhà cửa, nhà bếp với các sản phẩm nội thất, trang trí nhà cửa là những ngành hàng thành công của Việt Nam trong liên tục 3-4 năm qua. Thực tế này phản ánh khá rõ nét về ngành xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam hiện nay trên thị trường quốc tế.

Việt Nam hiện là một trong những quốc gia xuất khẩu gỗ hàng đầu vào thị trường Mỹ nhờ vào lợi mạnh về nguồn cung, nguyên vật liệu, khả năng gia công và tay nghề cao. Chúng tôi nhìn thấy ngành này vẫn còn dư địa, và sẽ vẫn tiếp tục là ngành hàng tiềm năng lớn của các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu qua Amazon.

Ngoài ra, một số ngành hàng đang lên của các doanh nghiệp Việt Nam trong năm qua như làm đẹp (beauty) với các sản phẩm như lông mi giả, mỹ phẩm, dụng cụ làm đẹp cũng là một điểm mới thú vị, cho thấy danh mục sản phẩm đang đa dạng dần. Ngành hàng làm đẹp lần đầu tiên xuất hiện trong top 5 danh mục bán chạy nhất trên Amazon. Hay dệt may, trong suốt những năm vừa qua vẫn là thế mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu qua Amazon, và là mũi nhọn về xuất khẩu của Việt Nam nói chung.

Thương mại điện tử xuyên biên giới và những thách thức doanh nghiệp Việt

Năm nay, chúng tôi đặt trọng tâm đa dạng ngành hàng, kết nối chuỗi cung ứng, kết nối nhà sản xuất và khai thác thế mạnh ngành hàng. Công tác của đội ngũ Amazon Global Selling Việt Nam là làm sao để tạo ra những mô hình thành công điển hình của các doanh nghiệp thuộc các ngành hàng khác nhau, truyền động lực cho các doanh nghiệp khác. Doanh nghiệp khác làm được, thì doanh nghiệp tôi cũng sẽ có cơ hội xuyên biên giới cùng Amazon.

Ngành hàng làm đẹp lần đầu tiên lọt top 5 danh mục ngành hàng bán chạy từ nhà bán hàng Việt trên Amazon. Tỷ lệ Made in Vietnam của các sản phẩm này như thế nào?

Thông thường, chúng tôi chỉ công bố top 5 ngành hàng bán chạy nhất, nhưng thực tế, Làm đẹp đã nằm trong top 10 những năm gần đây. Năm nay, ngành hàng này lần đầu tiên lọt top 5. Một số sản phẩm như lông mi giả được sản xuất tại Việt Nam, từ các nhà máy, xưởng sản xuất với tay nghề cao và giá thành tốt. Hoặc một số doanh nghiệp về mỹ phẩm cũng sản xuất tại Việt Nam với các nguyên liệu thiên nhiên trong nước.

Hy vọng trong thời gian tới sẽ tiếp tục có thêm những câu chuyện thành công trong ngành hàng làm đẹp.

Doanh nghiệp Việt bán hàng trên Amazon thì hàng nông sản đang kinh doanh ra sao? Amazon có giải pháp gì hỗ trợ đưa nông sản Việt Nam đến tốt hơn với thị trường toàn cầu hay không? Việt Nam có thể tham khảo mô hình quốc gia nào trong việc xuất khẩu nông sản thông qua thương mại điện tử?

Đối với ngành hàng nông sản, chúng tôi nhận thấy thách thức nằm ở chuyện làm sao để doanh nghiệp về nông sản Việt Nam nhìn thấy được về cơ hội với TMĐT xuyên biên giới, và đưa nông sản ra quốc tế qua các kênh xuất khẩu trực tuyến như Amazon. Những năm qua, chúng tôi liên tục hợp tác với các cơ quan chính phủ để tăng cường đào tạo cho doanh nghiệp, trong đó có khá nhiều doanh nghiệp về nông sản, chế biến. Chúng tôi muốn phổ cập cho các doanh nghiệp làm sao để cho họ biết câu chuyện về cơ hội, biết được với ngành hàng của họ thì cần làm gì, và làm ra sao để xuất khẩu online.

Thương mại điện tử xuyên biên giới và những thách thức doanh nghiệp Việt

Tôi không lấy ngành nông sản của nước nào để làm mô hình xuất khẩu trực tuyến tham khảo cho Việt Nam. Tôi chỉ muốn chia sẻ về mô hình của một doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm trà xanh NAOKI MATCHA đến từ Singapore. Điểm khác biệt khiến NAOKI MATCHA thành công là họ biết xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản, sản phẩm tiêu dùng; tức là không chỉ bán dựa trên sản phẩm mà còn nói lên câu chuyện thương hiệu chạm được tới khách hàng trên toàn cầu.

Để thành công với ngành hàng này, thứ nhất là hiểu nhu cầu khách hàng quốc tế cần cái gì để đáp ứng chứ không chỉ tôi có cái này, bạn mua đi. Thứ hai đó là câu chuyện xây dựng thương hiệu. Hàng nông sản có thương hiệu thì mới tăng độ bền vững và tăng trưởng tốt trên sân chơi TMĐT xuyên biên giới cùng Amazon.

Ông có thể chia sẻ chi tiết hơn về hỗ trợ phí duy trì tài khoản 6 tháng với chỉ 1USD mà Amazon vừa công bố?

Các doanh nghiệp khi tham gia bán hàng trên Amazon có thể chọn một trong 2 gói bán hàng, Tài khoản bán hàng cá nhân hoặc Tài khoản bán hàng chuyên nghiệp. Gói Bán hàng chuyên nghiệp có nhiều công cụ, hỗ trợ, tiện ích để nhà bán hàng có thể tăng trưởng trên Amazon có mức phí duy trì tài khoản là 39,99 USD/ tháng.

Ngoài phí này ra các nhà bán hàng sẽ trả thêm phí khác như phí giới thiệu bán hàng, tùy vào ngành hàng sẽ có mức % nhất định. Hay phí sử dụng dịch vụ trên Amazon. Ví dụ, nếu nhà bán hàng chọn dịch vụ hoàn thiện đơn hàng bởi Amazon (FBA), thì sẽ trả phí lưu kho, phí hoàn thiện đơn hàng hoặc chi phí khi chạy quảng cáo.

Doanh nghiệp bán hàng trên Amazon tại Việt Nam hiện nay đa phần là các doanh nghiệp nhỏ. Do đó phí duy trì tài khoản cũng là vấn đề mà họ cân nhắc, đặc biệt là thời điểm ban đầu khi đang tìm hiểu mô hình và cách vận hành. Do đó, Amazon triển khai chương trình phí duy trì tài khoản 6 tháng đầu tiên chỉ 1USD, trong đó tháng đầu tiên nhà bán hàng trả 1USD và 5 tháng tiếp theo là 0USD. Đây là cách Amazon hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ có thể ngay lập tức bắt đầu tìm hiểu mô hình TMĐT xuyên biên giới cùng Amazon.

Thương mại điện tử xuyên biên giới và những thách thức doanh nghiệp Việt

Không chỉ Amazon mà các đơn vị TMĐT khác cũng đưa ra rất nhiều gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Vì sao lại có các hỗ trợ này?

Với Amazon, các chương trình hỗ trợ như Fee Waiver, ưu đãi phí duy trì tài khoản 6 tháng chỉ 1USD được đưa ra với mong muốn mở rộng cơ hội cho nhà bán hàng mới tại những thị trường mới, có tiềm năng, giúp họ dễ dàng tiếp cận và tham gia TMĐT hơn.

Tại Việt Nam, TMĐT và TMĐT xuyên biên giới đang phát triển rất tốt. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy nhà bán hàng có xu hướng bị cản trở về mặt tài chính trong giai đoạn đầu. Do đó, với Ưu đãi phí duy trì tài khoản này, chúng tôi hy vọng giải quyết những ngần ngại, khó khăn về tài chính để các doanh nghiệp có thể nhanh chóng tìm hiểu và nhập cuộc mô hình kinh doanh này.

Làm sao để củng cố hệ sinh thái TMĐT xuyên biên giới tại Việt Nam?

TMĐT xuyên biên giới là một ngành mới, hệ sinh thái dịch vụ của ngành vẫn đang từng ngày phát triển và hoàn thiện dần. Trong suốt thời gian qua, chúng tôi đã sát cánh cùng các nhà cung cấp dịch vụ để cung cấp thông tin, cập nhật, và các chương trình đào tạo cho họ. Ví dụ, nhiều doanh nghiệp về logistics rất có kinh nghiệm về vận chuyển hàng xuất khẩu bán sỉ, B2B. Tuy nhiên khi xuất khẩu bán lẻ, họ cần tìm hiểu và cập nhật để làm sao giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể vận hành logistics suôn sẻ và tiết kiệm hơn. Chúng ta cần đào tạo nhà cung cấp dịch vụ để giúp họ có thêm kiến thức, cập nhật, từ đó có những tư vấn và thực hiện dịch vụ hiệu quả, sát sườn hơn cho khách hàng.

Chúng tôi cũng thường xuyên có các hoạt động kết nối, chủ động tìm kiếm nhà cung cấp dịch vụ mới, nhất là khi nhận thấy các nhà cung cấp dịch vụ tìm đến Amazon để giới thiệu dịch vụ và muốn đồng hành cùng Amazon Global Selling để cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Hiện trên website sell.amazon.vn có nhiều danh mục về nhà cung cấp dịch vụ, làm việc và tư vấn cho các đối tác bán hàng trên Amazon. Đối với một số danh mục dịch vụ còn mới ở Việt Nam, chúng tôi cố gắng tìm kiếm các nhà cung cấp dịch vụ quốc tế và mời họ về Việt Nam, từ đó có thể cung cấp toàn diện hơn các dịch vụ khi xuất khẩu online cho doanh nghiệp Việt.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đối diện khó khăn nào khi xuất khẩu qua TMĐT?

Đối với sân chơi TMĐT xuyên biên giới, cơ hội là như nhau cho các doanh nghiệp. Công cụ mở ra để tất cả doanh nghiệp đều có thể truy cập và sử dụng. Thực tế cho thấy nhiều trường hợp thành công trên Amazon là các doanh nghiệp xuất phát điểm từ những ngày đầu non trẻ, đã bắt đầu và thành công.

Thương mại điện tử xuyên biên giới và những thách thức doanh nghiệp Việt

Các doanh nghiệp, ở mọi quy mô, có thể đối diện những khó khăn chung khi chưa tìm hiểu đủ và đúng về thị hiếu khách hàng quốc tế. Thậm chí, các doanh nghiệp Việt Nam thường có tư duy nếu sản phẩm đang bán rất tốt tại Việt Nam, sẽ mang nguyên sản phẩm đó ra quốc tế, để khách hàng quốc tế mua sản phẩn mà doanh nghiệp đang có. Tuy nhiên, thực tế là chúng ta phải bán cái khách hàng cần, không phải bán cái chúng ta có. Cạnh đó, doanh nghiệp chưa tìm hiểu đủ về nhu cầu khách hàng nhưng lại nôn nóng thành công, nên khi thử nghiệm lúc đầu chưa hiệu quả, họ đã dừng lại. Kinh doanh quốc tế, doanh nghiệp cần xây dựng lộ trình phát triển lâu dài, bền vững.

Vậy làm sao để các doanh nghiệp có thể vượt khó và thành công trên Amazon? Đó là đào tạo kiến thức, đây cũng là một trong những lý do chúng tôi khai trương Trung tâm Đào tạo Day-1 tại TP HCM. Chúng tôi mong muốn đây sẽ là điểm đến cho các doanh nghiệp để được đào tạo và cung cấp kiến thức từ cơ bản đến nâng cao. Đồng thời, trung tâm cũng sẽ là điểm giao lưu, kết nối các nhà bán hàng để có thể cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, truyền cảm hứng.

Năm nay, chúng tôi sẽ triển khai chương trình mới chăm sóc nhà bán hàng, trong đó đội ngũ Amazon sẽ tập huấn cho các nhà bán hàng làm sao xây dựng kế hoạch bán hàng trên Amazon, tìm hiểu về các công cụ, chương trình từ Amazon. Qua đó, đồng hành và trang bị mạnh mẽ hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam, tăng khả năng cạnh tranh và cơ hội thành công cho doanh nghiệp trên sân chơi mới.

Làm sao để hạn chế các rủi cho cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam khi gia nhập TMĐT xuyên biên giới?

Để hạn chế các rủi ro kinh doanh TMĐT xuyên biên giới, các doanh nghiệp cần lưu ý về vấn đề vi phạm bản quyền. Ví dụ, các doanh nghiệp trẻ, mới khởi nghiệp bán áo thun, bình gữ nhiệt, ly uống nước có in hình ảnh của các nhân vật, phim ảnh nổi tiếng; mà quên mất rằng mình không có bản quyền sử dụng các hình ảnh này. Khi hệ thống của Amazon kiểm tra và phát hiện, ngay lập tức tài khoản của bạn sẽ bị ngừng bán, dù sản phẩm có doanh số bán thế nào và lượng tồn kho còn nhiều bao nhiêu.

Vi phạm bản quyền là điều Amazon không bao giờ cho phép. Do đó, đây là một vấn đề mà các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý, để có thể phát triển trên Amazon, cần tôn trọng bản quyền hay bảo hộ thương hiệu.

Thương mại điện tử xuyên biên giới và những thách thức doanh nghiệp Việt

Một lưu ý khác là về tính tuân thủ sản phẩm (product compliance) theo thị trường, nhất là các nước phát triển. Các sản phẩm liên quan đến trẻ em, thực phẩm, da, đều cần có chứng chỉ chứng nhận tùy từng thị trường.

Do đó, tốt nhất khi bắt đầu kinh doanh ngành hàng nào, doanh nghiệp cần tìm hiểu về ngành hàng đó tại các thị trường mục tiêu cần đáp ứng những tiêu chuẩn, quy định gì. Doanh nghiệp có thể tham khảo thêm các hỗ trợ, tư vấn, tài liệu cho nhà bán hàng trên Amazon để có thể tìm hiểu các thông tin này. Khi có nền tảng về việc làm sao để có thể tuân thủ quy định sản phẩm, hay kinh doanh các sản phẩm không vi phạm bản quyền, khi đó doanh nghiệp sẽ hạn chế được các rủi ro.

Logistics có phải điểm yếu của Việt Nam? Amazon giải quyết khó khăn này ra sao?

Trước hết, tôi muốn làm rõ logistics không chỉ là vận chuyển. Logistics là hậu cần, một chuỗi các trải nghiệm từ đóng gói sản phẩm đến vận chuyển, chuẩn bị giấy tờ thủ tục thông quan, hoàn thiện đơn hàng, quản lý hàng tồn kho… Chẳng hạn như câu chuyện thực chiến của Kunjek. Họ thường xuyên nâng cấp và tối ưu chi phí logistics, từ khâu chọn thùng để đóng hàng, dán mác sao cho tối ưu vận chuyển.

Doanh nghiệp phải tìm hiểu, có sự hỗ trợ đa bên, trong đó có Amazon. Amazon vừa công bố ra mắt và cải tiến loạt công cụ, chương trình, dịch vụ hỗ trợ mới, trong đó có SEND. Theo đó, chúng tôi bổ sung thêm nhà cung cấp dịch vụ đường hàng không và mở rộng dịch vụ đường biển. Từ đó, doanh nghiệp có thể chọn phương án vận chuyển phù hợp về chi phí, sản phẩm… để có thể đưa hàng hóa từ Việt Nam đến thị trường xuất khẩu và các trung tâm hoàn thiện đơn hàng của Amazon một cách hiệu quả, tối ưu nhất.

Ngoài ra, chúng tôi cũng tăng cường mảng đào tạo nhà bán hàng để họ có thêm kiến thức, kinh nghiệm và sự đồng hành của Amazon. Qua đó, các doanh nghiệp tiếp cận và nhận biết cách tối ưu logistics, để logistics không còn là một bài toán cần giải nữa. Họ sẽ thuận tiện hơn, thông suốt hơn trong quá trình đưa hàng hóa từ Việt Nam sang thị trường quốc tế.

Lưu Ánh