23/12/2024 lúc 08:14 (GMT+7)
Breaking News

Thương hiệu Việt Nam - Cam kết về chất lượng đối với thị trường quốc tế

Nhằm giới thiệu với công chúng Hà Lan nói chung, châu Âu nói riêng về Chương trình 'Thương hiệu Quốc gia Việt Nam', Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Phạm Việt Anh có bài viết trên Tạp chí Nhà Ngoại giao (Diplomat Magazine) của Hà Lan/EU.

Nhằm giới thiệu với công chúng Hà Lan nói chung, châu Âu nói riêng về Chương trình 'Thương hiệu Quốc gia Việt Nam', Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Phạm Việt Anh có bài viết trên Tạp chí Nhà Ngoại giao (Diplomat Magazine) của Hà Lan/EU.

Bài viết của Đại sứ Phạm Việt Anh trên Tạp chí Diplomat Magazine

Với tinh thần chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, 18 năm qua, Việt Nam đề ra và thực hiện Chương trình “Thương hiệu Quốc gia Việt Nam” (Vietnam Value) nhằm khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, qua đó sàng lọc, đánh giá, lựa chọn và tôn vinh những sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam.

Nhằm giới thiệu với công chúng Hà Lan nói chung, châu Âu nói riêng về Chương trình này, Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Phạm Việt Anh đã có bài viết trên Tạp chí Nhà Ngoại giao (Diplomat Magazine) của Hà Lan/EU với tiêu đề “Thương hiệu Việt Nam – Cam kết về chất lượng đối với thị trường quốc tế”.

Trong bài viết, Đại sứ Phạm Việt Anh cho rằng, trên thế giới, nhiều quốc gia đã xây dựng được các thương hiệu doanh nghiệp và sản phẩm/dịch vụ nổi tiếng tồn tại hàng trăm năm. Những thương hiệu lớn góp phần tạo ra giá trị quốc gia, tạo ra vị thế và sức mạnh của quốc gia.

Với Hà Lan, đã có nhiều thương hiệu tên tuổi gắn với các sản phẩm/dịch vụ tạo nên "Thương hiệu Hà Lan” như Royal Haskoning DHV, Royal Boskalis Westminster N.V, Shell, Unilever, Heineken, Philips.

Theo Đại sứ, trong lĩnh xây dựng thương hiệu, Việt Nam vẫn là một quốc gia trẻ trong WTO và rất trẻ so với Hà Lan. Khi Công ty Đông Ấn của Hà Lan sang đến Việt Nam từ thế kỷ XVI để trao đổi hàng thì Việt Nam vẫn chưa có những khái niệm thương mại thời bấy giờ.

Trải qua cả thế kỷ chiến tranh, thương hiệu quốc gia Việt Nam nói chung và thương hiệu sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp nói riêng chưa được thế giới biết đến cũng là điều dễ hiểu và là thiệt thòi của Việt Nam.

Đại sứ cho biết, với chủ trương chủ động và tích cực hội nhập kinh tế với thế giới, 18 năm qua, Việt Nam đề ra và thực hiện Chương trình “Thương hiệu Quốc gia Việt Nam” (Vietnam Value) nhằm khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, qua đó sàng lọc, đánh giá, lựa chọn và tôn vinh những sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam.

Đây cũng là cơ sở để Việt Nam tự kiểm định chất lượng sản phẩm/dịch vụ, xây dựng những tên tuổi ổn định và giới thiệu sản phẩm đặc sắc của mình ra thị trường thế giới.

“Việc đánh giá và tôn vinh thương hiệu Việt Nam dựa trên nhiều tiêu chí, không chỉ là chất lượng cuối cùng của sản phẩm, mà cả quá trình nghiên cứu phát triển, hàm lượng đổi mới sáng tạo, quá trình sản xuất, sử dụng nhân công lao động, các chính sách đối với con người và tác động ảnh hưởng tới môi trường.

Như vậy để đảm bảo chất lượng sản phẩm luôn hướng tới mục đích cuối cùng là phục vụ con người đồng thời bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống”, Đại sứ nhấn mạnh.

Logo Thương hiệu Việt Nam (Vietnam Value)

Giới thiệu về Chương trình “Thương hiệu Quốc gia Việt Nam” với độc giả của DiplomatMagazine, Đại sứ cho biết, việc đánh giá và tôn vinh các thương hiệu được thực hiện 2 năm 1 lần.

Năm 2020, mặc dù dịch bệnh Covid-19 tác động sâu rộng, Việt Nam đã tổ chức đợt đánh giá thứ 7 với hơn 1000 doanh nghiệp trên toàn quốc. 124 doanh nghiệp với 283 sản phẩm đạt hoặc vượt tiêu chuẩn của Chương trình được công nhận Thương hiệu Việt Nam.

Đại sứ cũng cho biết, đợt này, một số lượng lớn các thương hiệu nổi tiếng đã được công nhận Thương hiệu Việt Nam, trong đó có: Viettien, May 10, Công ty Nhà Bè (ngành dệt may); Gốm sứ Minh Long I, Gốm Chu Đậu (ngành gốm sứ); Vinamilk, Vinacafe, Vissan, Cholimex (ngành Thực phẩm và Đồ uống); DRC, Casumina (ngành Cao su); Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Hoa Sen, Thép Đông Á, Eurowindow (ngành Vật liệu xây dựng)…

Một số thương hiệu Việt Nam nổi tiếng

Đặc biệt, có 15 doanh nghiệp được tôn vinh Thương hiệu quốc gia trong 7 lần liên tiếp. Hầu hết những Tập đoàn/doanh nghiệp trên đã xuất khẩu sản phẩm của họ sang Hà Lan /EU.

“Bất cứ khi nào bạn nhìn thấy logo ' Vietnam Value' với ba màu: xanh dương, xanh lá cây và trắng được in trong hồ sơ của công ty, tài liệu quảng cáo hoặc ấn phẩm truyền thông và trong bao bì sản phẩm, bạn có thể tin và sử dụng sản phẩm đó hoặc làm việc với doanh nghiệp làm ra nó vì tất cả đã được công nhận bởi Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam”, Đại sứ cho biết.

Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25/11/2003. Đây là Chương trình duy nhất của Chính phủ Việt Nam giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các Bộ/ngành triển khai.

Chương trình có mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển Thương hiệu sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam, nâng cao vị thế và giá trị gia tăng trong từng ngành hàng, lĩnh vực của nền kinh tế khi đất nước ngày càng tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị và mạng sản xuất toàn cầu.