25/11/2024 lúc 09:13 (GMT+7)
Breaking News

Thượng đỉnh Mỹ-Trung Quốc: Kiểm soát cạnh tranh có trách nhiệm

Một cuộc họp trực tuyến giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung Quốc, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình có thể sẽ được tổ chức ngay trong tuần tới.

Một cuộc họp trực tuyến giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung Quốc, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình có thể sẽ được tổ chức ngay trong tuần tới.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden khi đó là Phó Tổng thống Mỹ trong cuộc gặp tháng 12/2013 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Nguồn: Getty Images)

Trao đổi trực tiếp là cách tốt nhất

Theo Reuters, ngay từ khi Tổng thống Biden lên nắm quyền, các cuộc trao đổi ngoại giao “đầy khiêu khích” của Mỹ và Trung Quốc đã khiến các nước đồng minh khó chịu. Giới chức Mỹ tin rằng, việc trao đổi trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc là cách tốt nhất để ngăn mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào vòng xoáy căng thẳng đỉnh điểm.

Hai bên cho biết đã đạt được một thỏa thuận trên nguyên tắc để tổ chức cuộc gặp trực tuyến giữa hai nhà lãnh đạo trước cuối năm 2021, sau khi Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc-Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì có cuộc hội đàm tại thành phố Zurich (Thụy Sỹ) tháng 10 vừa qua.

Tháng trước, một số nguồn tin tiết lộ, với các quy định phòng chống Covid-19 hiện nay của Trung Quốc, cũng như sự chưa sẵn sàng của ông Tập Cận Bình về công du nước ngoài, Washington đang hướng đến một cuộc hội đàm trực tuyến trong tháng 11.

Tại cuộc họp báo ngày 8/10, khi được hỏi về thời điểm tổ chức cuộc gặp này, Phó Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean Pierre đã nhắc lại rằng đã có một thỏa thuận về nguyên tắc để lãnh đạo hai nước có thể tổ chức cuộc gặp trước cuối năm nay. Bà cho biết, các cuộc thảo luận cấp chuyên viên đang diễn ra, song từ chối cung cấp thông tin cụ thể.

Khả năng tổ chức cuộc họp này là rất lớn trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh đang tập trung vào nhiều vấn đề từ nguồn gốc của đại dịch Covid-19 đến việc Trung Quốc mở rộng kho vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, đến nay, chính quyền Tổng thống Biden không đặt nhiều kỳ vọng vào các kết quả cụ thể.

Các chuyên gia tin rằng hai bên có thể hướng tới một thỏa thuận nới lỏng hạn chế thị thực cho các nhà báo của hai nước. Đồng thời, thỏa thuận mở lại lãnh sự quán ở Thành Đô và Houston, vốn bị đóng cửa trong một cuộc đối đầu ngoại giao vào năm 2020, có thể giúp cải thiện tình hình. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Biden cho biết, trước thềm cuộc họp, hai bên đã không trao đổi về thỏa thuận này.

Tuần trước, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng cho biết, cuộc họp dự kiến là một phần trong các nỗ lực của Mỹ nhằm kiểm soát cuộc cạnh tranh với Trung Quốc một cách có trách nhiệm, không phải để hướng đến các kết quả cụ thể.

"Thua cuộc" nếu đối đầu

Trong khi đó, trang cnbc.com đưa tin trước thềm cuộc gặp, ông Tập Cận Bình cho biết, nước này sẵn sàng làm việc với Mỹ với điều kiện hai bên tôn trọng lẫn nhau. Bắc Kinh thường sử dụng thuật ngữ “tôn trọng lẫn nhau” để kêu gọi Mỹ mở rộng đối thoại.

Theo một lá thư gửi tới Ủy ban quốc gia về quan hệ Mỹ-Trung Quốc, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại New York, Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh: “Lúc này, quan hệ Mỹ-Trung Quốc đang trong giai đoạn nút thắt mang tính lịch sử… Hai nước đều được hưởng lợi từ sự hợp tác và đều thua cuộc nếu đối đầu… Hợp tác là sự lựa chọn đúng đắn duy nhất”.

Ông Tập Cận Bình nói thêm: “Tuân theo các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi, Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Mỹ để tăng cường trao đổi và hợp tác toàn diện”.

Ông cũng cho biết Trung Quốc muốn làm việc với Mỹ để “giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế cũng như các thách thức toàn cầu”. Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng, trong thời gian chờ đợi, hai nước cần “điều chỉnh sự khác biệt một cách hợp lý để đưa quan hệ Mỹ-Trung Quốc trở lại đúng quỹ đạo và phát triển ổn định”.

Nhìn chung, Ông Tập Cận Bình duy trì giọng điệu kiên quyết, điềm tĩnh của Bắc Kinh về quan hệ với Washington, khác với một số nhận xét có phần gay gắt mà các quan chức Trung Quốc đã đưa ra trong vài tháng qua.

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã leo thang trong vài năm gần đây. Người tiền nhiệm của Tổng thống Biden - cựu Tổng thống Donald Trump bắt đầu có lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc từ lĩnh vực thương mại.

Ông Trump đã đánh thuế đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá hàng tỷ USD từ Trung Quốc, đồng thời đưa một số công ty công nghệ của Trung Quốc vào danh sách đen nhằm ngăn cản họ mua lại một số nguồn cung thiết yếu từ các doanh nghiệp Mỹ.

Chính quyền Tổng thống Biden đã duy trì quan điểm cứng rắn của ông Trump, cũng như tăng cường phối hợp với các đồng minh truyền thống của Mỹ nhằm gây áp lực chung lên Bắc Kinh.

Cũng theo Reuters, Mỹ sẽ duy trì lệnh cấm có từ thời cựu Tổng thống Donald Trump liên quan đến các thương vụ đầu tư của Mỹ với một số công ty Trung Quốc mà Washington cho là chịu sự kiểm soát của Bắc Kinh. Ông Biden cho biết sẽ nới rộng các lệnh cấm đã có từ tháng 11/2020 dưới thời chính quyền tiền nhiệm.

Theo Reuters, cnbcn & TGVN