Trong bối cảnh nguồn lực ngân sách của Việt Nam còn hạn chế, sáng kiến thành lập Quỹ Vaccine phòng, chống COVID-19 của Chính phủ có ý nghĩa quan trọng trong cuộc chiến chống lại làn sóng thứ tư của đại dịch. Một khi lượng lớn dân số đã được tiêm vaccine, yêu cầu về giãn cách sẽ giảm bớt. Đây là tiền đề lâu dài giúp Việt Nam khôi phục và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đây là ý kiến của ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam khi trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về tầm quan trọng của chiến lược vaccine với cuộc chiến chống dịch COVID-19 và khôi phục tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam.
Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam Alain Cany khẳng định: Các DN châu Âu sẽ tiếp tục sát cánh cùng Việt Nam trong những thời điểm khó khăn.
Phân tích về ảnh hưởng của đại dịch tới hoạt động kinh tế, ông Alain Cany cho rằng, đại dịch đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực ngành nghề kinh tế ở Việt Nam cũng như nhiều nơi khác trên thế giới. Dù vậy, trong bối cảnh khó khăn chung thì hoạt động của các doanh nghiệp (DN) châu Âu ở Việt Nam vẫn khả quan hơn, nhờ các hành động nhanh chóng và hiệu quả của Chính phủ kể từ khi cuộc khủng hoảng toàn cầu do dịch COVID-19 bắt đầu từ năm 2020.
Tuy nhiên, ngay cả khi chống dịch tốt, Việt Nam cũng không thể thoát khỏi đại dịch toàn cầu, khi ở nhiều địa phương, khu vực phải tiến hành các biện pháp tạm thời cách ly, hạn chế hoạt động, nhằm kiểm soát dịch bệnh lây lan. Điều này cũng ít nhiều gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh bình thường trong hơn một năm nay. Có thể thấy, du lịch, khách sạn và hàng không là những ngành đầu tiên bị ảnh hưởng, nhưng sự ảnh hưởng cũng sớm lan rộng đến các công ty trong tất cả các lĩnh vực và ngành công nghiệp.
Mặc dù vậy, sự lạc quan thể hiện trong báo cáo mới đây về chỉ số môi trường kinh doanh của EuroCham được thực hiện ngay trước làn sóng dịch thứ tư phản ánh tâm lý chung của các DN châu Âu gần như đã đạt đến mức trước đại dịch.
Cụ thể, khi được hỏi về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam trong quý tới, 67% dự đoán là “xuất sắc” hoặc “tốt” - tăng 12% so với quý trước. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo DN cũng lạc quan hơn về công ty của chính họ. Hơn 2/3 (68%) dự đoán rằng đơn đặt hàng và doanh thu của họ sẽ “duy trì” hoặc “tăng lên” trong 3 tháng tới, tăng 25% so với quý IV/2020.
“Các thành viên của chúng tôi vẫn lạc quan về môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam. Tất nhiên, dịch COVID-19 quay lại gần đây có thể làm giảm phần nào sự lạc quan này, nhưng số đông DN châu Âu vẫn có niềm tin vào khả năng Việt Nam vượt qua cơn bão này và trở lại mạnh mẽ một khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn”, ông Alain Cany phân tích.
Về hiệu quả chống dịch, Chủ tịch Eurocham đánh giá, Việt Nam nằm trong nhóm các nước ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 đạt hiệu quả cao. Một trong những lý do là Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan phối hợp triển khai các biện pháp khoanh vùng, cách ly nhanh chóng, hiệu quả: Từ kiểm soát biên giới nghiêm ngặt, khoanh vùng, giãn cách ở các khu vực bùng phát dịch đến truy vết tốt giúp giảm thiểu sự lây lan, cùng sự tin tưởng, tuân thủ tương đối tốt của người dân.
“Tuy nhiên, những biện pháp trên cũng không phải là giải pháp lâu dài vì chắc chắn thời gian tới, những biện pháp này sẽ có tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam”, ông Alain Cany nhận định.
Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam bày tỏ đồng tình với chiến lược vaccine của Chính phủ đã đặt ra mục tiêu tiêm chủng cho 75% dân số. Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn lực ngân sách của Việt Nam còn hạn chế, sáng kiến thành lập Quỹ Vaccine phòng, chống COVID-19 của Chính phủ có ý nghĩa quan trọng trong cuộc chiến chống lại làn sóng thứ tư của đại dịch. Việc kết hợp nguồn lực khu vực Nhà nước và tư nhân sẽ giúp đẩy nhanh việc thực hiện chiến lược tiêm chủng mở rộng cho người dân.
Sau khi Quỹ được ra mắt, đông đảo các DN, tổ chức, cá nhân đã ủng hộ cho Quỹ, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao và đóng góp vì mục tiêu chung.
Đại diện cho các DN châu Âu, ông Alain Cany khẳng định sẽ tiếp tục sát cánh cùng Việt Nam trong những thời điểm khó khăn. Trong đợt bùng phát dịch vừa qua, các công ty thành viên của EuroCham trong lĩnh vực dược phẩm đã quyên góp 100.000 USD cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đơn vị kinh doanh thiết bị và chẩn đoán y tế đã tặng 12.000 bộ xét nghiệm cho Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống COVID-19.
“Chính phủ đã công bố một mục tiêu đầy tham vọng nhưng có thể đạt được là tiêm chủng cho ít nhất 3/4 dân số. Chúng tôi tin rằng điều này có thể đạt được nếu tất cả chúng ta hợp lực lại. Đặc biệt, nhiều công ty châu Âu sẽ sẵn lòng giúp đẩy nhanh quá trình tiêm chủng của Việt Nam bằng cách tự trang trải chi phí tiêm chủng cho người lao động của họ. Điều này sẽ giúp giảm gánh nặng mà Chính phủ phải lo và góp phần thúc đẩy các hoạt động kinh tế sớm trở lại bình thường”, đại diện cộng đồng DN châu Âu tại Việt Nam nói.
Ông Alain Cany phân tích, một khi lượng lớn dân số được tiêm vaccine, các biện pháp giãn cách được gỡ bỏ bớt, khi đó có thể mở lại các trường học, các hoạt động kinh doanh buôn bán, mở lại biên giới cho du lịch nước ngoài và thương mại quốc tế. Điều này sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đại diện cộng đồng DN châu Âu ở Việt Nam cho rằng, nếu Chính phủ có thể đạt được mục tiêu tiêm chủng, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu kép là ngăn chặn đại dịch và phục hồi nền kinh tế.
Có nhiều lý do để lạc quan, ví dụ như việc sắp kỷ niệm một năm thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Khi triển khai thực hiện EVFTA, các bên xóa bỏ dần các dòng thuế và mở cửa thị trường cho nhau. Điều này sẽ giúp thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và EU ngay khi chúng ta thoát khỏi đại dịch toàn cầu này.
“Nếu chúng ta có thể khai thác toàn bộ tiềm năng của hiệp định này thì sẽ có rất nhiều cơ hội cho DN Việt Nam và châu Âu trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn”, ông Alain Cany nói.
Nguồn: baochinhphu.vn