VNHNO - Thị trường vận tải hàng không của Việt Nam liên tục đạt mức tăng trưởng hai con số trong nhiều năm gần đây. Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không ở nước ta thời gian tới được dự báo tiếp tục ở mức cao.
Tuy nhiên, để thúc đẩy sự phát triển thị trường hàng không, một trong những điểm nghẽn cần tháo gỡ là hoàn thiện cơ sở hạ tầng sân bay, đáp ứng nhu cầu mở rộng đội máy bay, mạng đường bay.
Hướng đến con số 100 triệu hành khách/năm
Hiện nay, ở nước ta đã hình thành đường bay trục với 3 điểm đến trọng tâm là: Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Đây cũng là 3 trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, cùng với đó là các đường bay lẻ kết nối đến 18 sân bay địa phương.
Thị trường trong nước hiện có sự tham gia của 4 hãng hàng không, gồm: Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar Pacific và VASCO, khai thác 47 đường bay nội địa. Với đường bay quốc tế, các sân bay ở nước ta đang có 71 hãng hàng không nước ngoài từ 28 quốc gia/vùng lãnh thổ và 3 hãng hàng không trong nước tham gia khai thác hơn 140 đường bay.
Khai thác hàng không dân dụng tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: Huy Hùng.
Theo TS Huỳnh Thế Du (Đại học Fulbright), ngành hàng không Việt Nam có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, từ năm 2000 đến 2017 tăng 14,8 lần về lượng hành khách; tính trong giai đoạn 7 năm gần đây (2011-2017) tăng 2,6 lần, đứng thứ 4 trong 30 nước tăng trưởng ngành hàng không cao nhất trên thế giới. Hiện, tỷ lệ hành khách sử dụng hàng không tại Việt Nam chiếm khoảng 40% dân số.
"Dự báo đến năm 2034, tổng dân số Việt Nam là 105 triệu người, GDP bình quân đầu người là 18.000-22.000 USD/năm... Việt Nam có thể hướng đến lượng hành khách hàng không tương đương như Thái Lan với hơn 100 triệu lượt/năm", TS Huỳnh Thế Du nhìn nhận.
Bên cạnh 4 hãng hàng không nội địa đang hoạt động, sắp tới thị trường đón nhận thêm Hãng hàng không Bamboo Airways là hãng thứ 5. Với việc được phê duyệt chủ trương đầu tư và đang hoàn thiện thủ tục cấp phép bay, Bamboo Airways dự kiến sẽ có chuyến bay đầu tiên vào tháng 10-2018.
Việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp mới gia nhập thị trường hàng không sẽ giúp người dân có thêm lựa chọn. Nhu cầu cao cùng với sự tham gia của nhiều hãng hàng không nên mức độ cạnh tranh của thị trường cũng sôi động hơn; nhất là về chất lượng dịch vụ và giá vé.
Huy động doanh nghiệp tư nhân đầu tư hạ tầng hàng không
Xu hướng phát triển của thị trường hàng không Việt Nam có thể nhìn thấy rõ. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, rào cản lớn nhất là cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được so với tốc độ mở rộng hoạt động của các hãng hàng không. Theo ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, đơn vị thành lập Hãng hàng không Bamboo Airways: Các hãng hàng không nội địa hiện nay chỉ tập trung khai thác đường bay Hà Nội-TP Hồ Chí Minh do lợi nhuận mang lại lớn.
Thực trạng đó dẫn đến việc hạ tầng sân bay tại các thành phố này không đáp ứng được, gây tắc nghẽn. Nếu cơ quan quản lý Nhà nước phân luồng, giảm tải cho các đường bay chính, không những giảm sức ép lên hạ tầng mà các đường bay khác sẽ phát triển hơn, từ đó giảm chi phí, giảm giá vé cho người dân.
Không chỉ các sân bay lớn, như: Nội Bài, Tân Sơn Nhất đang quá tải mà một số sân bay địa phương cũng đứng trước áp lực cần mở rộng. Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Sân bay Thọ Xuân nằm trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch đến năm 2020 mới đón 300.000 lượt khách/năm, nhưng qua 3 năm đi vào vận hành, năm 2017 đã đón hơn 900.000 lượt khách và năm nay dự kiến đón một triệu lượt khách. Để đáp ứng tốc độ gia tăng hành khách cao, tỉnh Thanh Hóa đã quy hoạch đất đai khu vực sân bay và đang kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng tại đây".
Nhu cầu đầu tư cho kết cấu hạ tầng đòi hỏi nguồn vốn rất lớn nhưng khả năng đáp ứng từ ngân sách Nhà nước còn hạn chế. Theo ông Đỗ Đức Tú, Vụ Kết cấu hạ tầng và đô thị (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn Nhà nước đầu tư cho kết cấu hạ tầng hiện chỉ đáp ứng được khoảng 50%, riêng với hạ tầng hàng không chỉ 30%-35% nhu cầu, phần còn lại phải huy động từ xã hội hóa.
Hiện nay, Chính phủ, các bộ rất quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển cảng hàng không, sân bay, như: Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Vân Đồn, Cảng hàng không Phan Thiết, Nhà ga quốc tế tại Cảng HKQT Đà Nẵng... đang nhận được vốn đầu tư tư nhân. "Quy định hiện hành cho phép tư nhân được đầu tư 100% vốn vào hạ tầng hàng không thay vì trước đây quy định Nhà nước phải đầu tư từ 65% vốn trở lên", ông Đỗ Đức Tú chia sẻ.
Để thu hút được nguồn vốn từ xã hội hóa, ông Đỗ Đức Tú cho rằng, Nhà nước cần có hoạt động xúc tiến đầu tư, đưa ra các dự án tiềm năng để nhà đầu tư nghiên cứu. Nhà nước cần có hỗ trợ nhất định cho các dự án cảng hàng không để bảo đảm phương án tài chính khả thi, ví dụ hỗ trợ về chi phí giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần được giúp sức về chuyên ngành hàng không, tạo thuận lợi trong cấp phép cũng như các thủ tục hành chính để nhanh chóng triển khai công trình, dự án./.