12/12/2024 lúc 06:55 (GMT+7)
Breaking News

Thúc đẩy hợp tác ASEAN trong các lĩnh vực tài nguyên và môi trường

Năm 2024, thực hiện phân công của Thủ tưởng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ được giao trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường và các lĩnh vực khác có liên quan.

Hợp tác trong khuôn khổ Trụ cột Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC)

Theo phân công tại Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 31 tháng 01 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế làm việc và phối hợp giữa các cơ quan tham gia hợp tác ASEAN của Việt Nam, trong khuôn khổ Trụ cột Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC), Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối của Việt Nam tham gia Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN (AMME) và Tổ chức Quan chức cấp cao ASEAN về môi trường (ASOEN), Trung tâm ASEAN về đa dạng sinh học (ACB) và Trung tâm Khí tượng chuyên ngành ASEAN (ASMC).

Về các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN (AMME) và Tổ chức Quan chức cấp cao ASEAN về môi trường (ASOEN), Bộ đã tổ chức các đoàn công tác tham dự Hội nghị thường niên của 07 Nhóm công tác ASEAN về môi trường gồm: biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên nước, môi trường biển và đới bờ, bảo tồn đa dạng sinh học, thành phố bền vững về môi trường, hóa chất và chất thải, giáo dục môi trường. Từ giữa năm 2024 đến nay, Hội nghị thường niên của 07 Nhóm công tác ASEAN về môi trường đã được tổ chức nhằm xem xét tiến độ các hoạt động hợp tác trong năm 2024 và xây dựng, đề xuất các hoạt động hợp tác trong năm 2025 của từng Nhóm công tác, đồng thời chuẩn bị nội dung cho Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN về môi trường lần thứ 35 (ASOEN 35).

Bộ cũng đã tổ chức đoàn công tác tham dự Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN về môi trường lần thứ 35 (ASOEN 35) và các hội nghị liên quan, được tổ chức từ ngày 28 tháng 7 đến ngày 01 tháng 8 năm 2024 tại Viêng-chăn, CHDCND Lào. Đây là Hội nghị được tổ chức theo định kỳ hàng năm để các quốc gia thành viên tổng kết, đánh giá các hoạt động hợp tác về môi trường trong năm 2024; xây dựng, đề xuất các hoạt động hợp tác trong năm 2025. Hội nghị có sự tham gia đầy đủ của các quốc gia thành viên ASEAN. Hội nghị đã nhất trí trình cấp Bộ trưởng môi trường ASEAN (AMME) thông qua: (i) Đề cử 04 khu bảo tồn/công viên thành các Vườn di sản ASEAN có số thứ tự từ 58 đến 61 gồm: Khu Bảo tồn Quốc gia Phou Xieng Thong (PXT NPA) (Lào); Công viên Tự nhiên Hồ Song Sinh Balinsasayao (BTLNP) (Philippines); Khu Bảo tồn động vật hoang dã Đảo Rùa (TIWS) (Philippines); Công viên Tự nhiên Rạn san hô Apo (ARNP) (Philippines); (ii) Đề cử Khu bảo tồn quốc gia Nam Poui (Lào) và Trung tâm Giáo dục Tự nhiên Quân đội Hoàng gia Thái Lan (Bang Pu) (Thái Lan) thành Vườn di sản ASEAN trong năm 2024 sau khi Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (ACB) nhận được hồ sơ đề cử sửa đổi và đầy đủ; (iii) Dự thảo Tuyên bố chung ASEAN về bảo tồn đa dạng sinh học trình Hội nghị lần thứ 16 các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học (COP16 CBD); (iv) Dự thảo Tuyên bố chung ASEAN về biến đổi khí hậu trình Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29 UNFCCC); (v) Dự thảo Tuyên bố ASEAN về tuần hoàn nhựa sau khi được ASOEN thông qua.

Trong khuôn khổ Hội nghị ASOEN 35, một chuỗi hội nghị giữa ASEAN với các đối tác cũng đã được tổ chức từ ngày 31 tháng 7 đến ngày 01 tháng 8 năm 2024 gồm Hội nghị Ban Chỉ đạo Chương trình hợp tác ASEAN - Đức về đa dạng sinh học lần thứ 10, Đối thoại ASEAN - Nhật Bản về hợp tác môi trường (AJDEC) lần thứ 18, Đối thoại ASEAN - Hàn Quốc về môi trường và biến đổi khí hậu lần thứ 4, Đối thoại cấp cao ASEAN - EU về môi trường và biến đổi khí hậu lần thứ 6, Đối thoại cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ về môi trường và biến đổi khí hậu lần thứ 3, Cuộc họp quan chức cấp cao ASEAN+3 (gồm Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản) về môi trường (SOME) lần thứ 21. Mục đích chính của các hội nghị này là nhằm chia sẻ, cập nhật thông tin giữa các quốc gia thành viên ASEAN và các đối tác về tiến độ, kết quả các hoạt động hợp tác đang triển khai trong năm 2024 và thống nhất kế hoạch hợp tác trong năm 2025 về môi trường và biến đổi khí hậu.

Hoàn thiện các thủ tục trình Chính phủ thông qua các văn kiện sau đây tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các Hội nghị liên quan được tổ chức trong các ngày 08-11 tháng 10 năm 2024 tại Viêng-chăn, CHDCND Lào: (i) Tuyên bố chung ASEAN về bảo tồn đa dạng sinh học trình Hội nghị lần thứ 16 các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học (COP16 CBD); (ii) Tuyên bố chung ASEAN về biến đổi khí hậu trình Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29 UNFCCC); (iii) Tuyên bố ASEAN về tuần hoàn nhựa. Đồng thời, tổ chức đoàn công tác tham gia đoàn công tác của Lãnh đạo Chính phủ tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 được tổ chức trong các ngày 08-11 tháng 10 năm 2024 tại Viêng-chăn, CHDCND Lào; hoàn thiện các thủ tục trình Chính phủ thông qua Thỏa thuận thành lập Trung tâm ASEAN về Biến đổi khí hậu. Nội dung thành lập Trung tâm ASEAN về Biến đổi khí hậu đã được nêu trong Tuyên bố Cấp cao của ASEAN năm 2021 do Brunei Darussalam đưa ra tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 được tổ chức vào ngày 26 tháng 10 năm 2021. Theo đó, các nhà lãnh đạo Chính phủ các quốc gia thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam, thống nhất ủng hộ đề xuất thành lập Trung tâm ASEAN về Biến đổi khí hậu đặt trụ sở tại Brunei Darussalam.

Năm 2024, Bộ đã hoàn thiện các thủ tục phê duyệt Dự án “Giảm thiểu ô nhiễm và duy trì dòng chảy môi trường tại các vùng biển Đông Á thông qua việc thực hiện quản lý tổng hợp lưu vực sông tại các nước ASEAN” do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ ủy thác thông qua Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP). Dự án được thực hiện trong 04 năm (2024 - 2027) trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng biển ven bờ thuộc tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Mục tiêu của Dự án nhằm xây dựng cơ chế quản lý bền vững và hiệu quả lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng biển ven bờ của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam thông qua việc áp dụng các giải pháp liên ngành, bao gồm cải thiện chất lượng nước, giảm thiểu ô nhiễm, quản lý chất thải rắn và duy trì dòng chảy môi trường.

Về các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Trung tâm ASEAN về đa dạng sinh học (ACB), thực hiện phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học là đầu mối triển khai các hoạt động hợp tác với tổ chức này. Trong năm 2024, Bộ đã tổ chức đoàn công tác tham dự Cuộc họp lần thứ 11 Uỷ ban Vườn di sản ASEAN được tổ chức trong các ngày 16-17 tháng 7 năm 2024 tại Singapore. Mục tiêu của Cuộc họp nhằm tổng kết các hoạt động của Ủy ban Vườn di sản và Chương trình Vườn di sản ASEAN, cập nhật các thông tin về các dự án/đối tác tài trợ Vườn di sản ASEAN, chuẩn bị nội dung tổ chức Hội nghị Vườn di sản ASEAN lần thứ 8 vào năm 2025; tổ chức đoàn công tác tham dự Cuộc họp Ban quản trị Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (ACB) lần thứ 26 được tổ chức vào ngày 29 tháng 7 năm 2024 tại Viêng-chăn, CHDCND Lào. Cuộc họp cập nhật về các dự án và hợp tác của ACB với các đối tác và thông qua đề cử 04 khu bảo tồn/công viên gồm: Khu Bảo tồn Quốc gia Phou Xieng Thong (PXT NPA) (Lào); Công viên Tự nhiên Hồ Song Sinh Balinsasayao (BTLNP) (Philippines); Khu Bảo tồn động vật hoang dã Đảo Rùa (TIWS) (Philippines); Công viên Tự nhiên Rạn san hô Apo (ARNP) (Philippines) để Hội nghị ASOEN 35 thông qua là các Vườn di sản ASEAN (AHP) có số thứ tự lần lượt là 58, 59, 60 và 61; phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh: Đồng Nai, Nam Định, Nghệ An xây dựg hồ sơ đề cử công nhận Vườn di sản ASEAN đối với các Vườn quốc gia/Khu bảo tồn: Khu bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai; Vườn quốc gia Xuân Thủy; Vườn quốc gia Pù Mát trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt; chuẩn bị hồ sơ tổ chức Hội nghị Vườn di sản ASEAN lần thứ 8, dự kiến tổ chức vào quý IV năm 2025.

Về các hoạt động trong khuôn khổ Trung tâm Khí tượng chuyên ngành ASEAN (ASMC), thực hiện phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Tổng cục Khí tượng Thủy văn là đầu mối triển khai các hoạt động hợp tác với tổ chức này. Năm 2024, Bộ đã chia sẻ các bản tin cho Tạp chí Khí hậu của Trung tâm Khí tượng chuyên ngành ASEAN (ASMC); tổ chức đoàn công tác tham dự Diễn đàn Khu vực ASMC - WMO năm 2024 do Trung tâm Khí tượng khu vực ASEAN (ASMC) phối hợp với Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) tổ chức từ ngày 04 đến 06 tháng 9 năm 2024 tại Singapore với chủ đề “Hướng tới một khu vực ASEAN sẵn sàng ứng phó thời tiết và chống chịu với khí hậu”. Mục đích chính của Diễn đàn nhằm cung cấp kiến thức, chia sẻ kết quả và hoạt động dịch vụ khí hậu góp phần phục vụ nhu cầu thích ứng, tăng cường khả năng chống chịu thời tiết cực đoan và các mối nguy liên quan đến biến đổi khí hậu; trao đổi về công tác khí hậu phục vụ thích ứng biến đổi khí hậu ở cấp khu vực, quốc gia và địa phương thông qua việc cung cấp thông tin khí hậu chi tiết hơn; thảo luận về vai trò của hệ thống cảnh báo sớm phục vụ giảm thiểu tác động thời tiết và khí hậu cực đoan trong bối cảnh Liên hợp quốc kêu gọi thực thi Sáng kiến toàn cầu Cảnh báo sớm cho tất cả "Early Warnings for All" (EW4All).

Các hoạt động khác, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp đóng góp ý kiến khi có yêu cầu của các cơ quan được phân công là đầu mối của Việt Nam tham gia các cơ quan/tổ chức trong khuôn khổ Trụ cột Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế,…

Hợp tác trong khuôn khổ Trụ cột Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)

Các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng về Khoáng sản (AMMin) và Hội nghị Quan chức cấp cao về khoáng sản (ASOMM), theo phân công tại Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 31 tháng 01 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế làm việc và phối hợp giữa các cơ quan tham gia hợp tác ASEAN của Việt Nam, trong khuôn khổ Trụ cột Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC), Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối của Việt Nam tham gia Hội nghị Bộ trưởng về Khoáng sản (AMMin) và Hội nghị Quan chức cấp cao về khoáng sản (ASOMM).

Thực hiện phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Cục Khoáng sản Việt Nam là đầu mối triển khai các hoạt động hợp tác với các tổ chức này. Sau đây là các hoạt động hợp tác với các cơ quan/tổ chức này trong năm 2024: Tiếp tục tham gia Kế hoạch hành động hợp tác ASEAN về khoáng sản (AMCAP) III, giai đoạn 2021 - 2025. Sau khi được thành lập, căn cứ chức năng nhiệm vụ mới, Cục Khoáng sản Việt Nam bắt đầu tham gia AMCAP về nội dung cơ sở dữ liệu khoáng sản, hiện đang tiếp tục nắm bắt các nội dung liên quan về khoáng sản và các nội dung liên quan cho phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao. Tham gia họp trực tuyến Chuỗi Hội nghị các nhóm công tác chung ASOMM lần thứ 12 (JWG) và các Nhóm công tác ASEAN về khoáng sản lần thứ 25 từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 8 năm 2024 nhằm thảo luận các hoạt động đang thực hiện của AMCAP III, cụ thể 04 Nhóm công tác: Họp Nhóm công tác về Thương mại và Đầu tư khoáng sản lần thứ 25 (WGTIM); Họp Nhóm Công tác về Phát triển khoáng sản bền vững lần thứ 25 (WGSMD); Họp Nhóm Công tác về Thông tin và Cơ sở dữ liệu khoáng sản lần thứ 25 (WGMID); Họp Nhóm Công tác về Tăng cường năng lực khoáng sản lần thứ 25 (WGCBM).

Đồng thời, tổ chức các đoàn công tác tham dự Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về khoáng sản lần thứ 24 (ASOMM 24) được tổ chức từ ngày 19 đến ngày 20 tháng 11 năm 2024 tại Indonesia và Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về khoáng sản với các nước đối thoại lần thứ 17 (ASOMM+3, 17) được tổ chức vào ngày 21 tháng 11 năm 2024 tại Indonesia.

Nội dung của các Hội nghị này gồm đánh giá kết quả hoạt động hợp tác khoáng sản ASEAN trong thời gian qua; thảo luận về hợp tác phát triển ngành khai khoáng của ASEAN, ASEAN với ba nước đối thoại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và với các tổ chức quốc tế liên quan khác như CCOP, IGF, UNESCAP, AFMA, ….; kế hoạch công tác của 04 nhóm công tác: Nhóm công tác ASOMM về Thương mại và Đầu tư khoáng sản; Nhóm công tác ASOMM về Xây dựng năng lực khoáng sản; Nhóm công tác ASOMM về Thông tin và cơ sở dữ liệu khoáng sản ASEAN; Nhóm công tác ASOMM về Phát triển khoáng sản bền vững và các nội dung liên quan.

Các hoạt động khác, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp đóng góp ý kiến khi có yêu cầu của các cơ quan được phân công là đầu mối của Việt Nam tham gia các cơ quan/tổ chức trong khuôn khổ Trụ cột Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư,…

Hợp tác trong khuôn khổ Trụ cột Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC)

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp đóng góp ý kiến khi có yêu cầu của các cơ quan được phân công là đầu mối của Việt Nam tham gia các cơ quan/tổ chức trong khuôn khổ Trụ cột Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC) như Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư,…

Những vấn đề đang nổi lên và được quan tâm trong các cơ chế hợp tác của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác

Các vấn đề môi trường liên ngành và đang nổi lên được các quốc gia thành viên ASEAN hết sức quan tâm như kinh tế biển xanh, kinh tế tuần hoàn, trung hoà các-bon và các vấn đề liên quan đến Chương trình Một sức khỏe. Các vấn đề đang được thảo luận/triển khai trong khuôn khổ ASEAN gồm:

Khung Kinh tế biển xanh ASEAN: được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 vào tháng 9 năm 2023. Nhóm Đặc trách điều phối ASEAN về Kinh tế Biển xanh (ACTF-BE) đã được thành lập để đảm bảo triển khai ABEF hiệu quả và kịp thời. ASEAN hiện đang xây dựng Kế hoạch triển khai ABEF (2026-2030), dự kiến tập trung vào một số lĩnh vực hợp tác như tài nguyên khoáng sản, năng lượng, khai thác nuôi trồng thủy sản bền vững, tàu cảng xanh, du lịch, sinh thái. Kế hoạch dự kiến sẽ được Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) thông qua vào giữa năm 2025.

Chiến lược Trung hòa các-bon của ASEAN: Chiến lược Trung hòa các-bon của ASEAN đã được Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) thông qua vào tháng 8 năm 2023 và việc thực hiện Chiến lược này hiện đang được tiến hành. Để đảm bảo thực hiện Chiến lược một cách hiệu quả và kịp thời, Nhóm Đặc trách ASEAN về trung hòa các-bon sẽ được thành lập để hướng dẫn, thực hiện, giám sát, điều phối và thu hút các bên liên quan tham gia vào các sáng kiến trung hòa các-bon.

Kế hoạch hành động chung về Sáng kiến Một sức khỏe ASEAN và Mạng lưới Một sức khỏe ASEAN: Tuyên bố của các nhà Lãnh đạo ASEAN về Sáng kiến Một sức khỏe được thông qua vào tháng 5 năm 2023 nhằm mục đích kêu gọi cam kết cấp cao nhằm tập hợp các lĩnh vực chưa được tách biệt trước đây như thực phẩm, nông nghiệp và lâm nghiệp, môi trường và sức khỏe con người thành một khối tổng thể và toàn diện. ưu tiên bền vững. Trong Tuyên bố này, các nhà Lãnh đạo ASEAN cam kết thành lập Mạng lưới Một sức khỏe ASEAN (AOHN) để phát triển và tăng cường sự hợp tác và phối hợp đa ngành trong khối theo Sáng kiến Một sức khỏe giữa các quốc gia thành viên ASEAN và xây dựng Kế hoạch hành động chung Một sức khỏe ASEAN (OH JPA) để nâng cao năng lực của khu vực và quốc gia, kêu gọi thúc đẩy hợp tác liên ngành, song phương và đa phương liên quan đến sức khỏe con người, động vật, thực vật và môi trường, cũng như an toàn thực phẩm giữa các quốc gia thành viên ASEAN.

Khung khu vực về quyền môi trường trong ASEAN: Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) dẫn đầu việc xây dựng một tuyên bố khu vực về quyền có một môi trường an toàn, sạch sẽ, lành mạnh và bền vững trong ASEAN, phù hợp với cam kết của các quốc gia thành viên ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền như được quy định trong Tuyên bố Nhân quyền ASEAN (AHRD). Nhóm công tác ASEAN về quyền môi trường (AER-WG) đã được thành lập vào năm 2023 để hỗ trợ xây dựng Tuyên bố. Đến nay Nhóm công tác đã họp 05 lần, gần nhất là lần thứ 5 được tổ chức trong các ngày 01-03 tháng 7 năm 2024 tại Malaysia.

Khuôn khổ Kinh tế tuần hoàn cho Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Kế hoạch thực hiện và thành lập Nhóm đầu mối về kinh tế tuần hoàn (FG-CE): Khuôn khổ Kinh tế tuần hoàn cho Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã được Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN thông qua vào tháng 10 năm 2021. Khuôn khổ này nhằm hướng dẫn ASEAN đạt được các mục tiêu dài hạn về một nền kinh tế có khả năng phục hồi, sử dụng hiệu quả nguồn lực và tăng trưởng bền vững và bao trùm. Kế hoạch thực hiện Khuôn khổ này đã được Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN thông qua vào tháng 02 năm 2023 và triển khai từ năm 2023 đến năm 2030. Các hoạt động trong Kế hoạch thực hiện chủ yếu nằm trong bốn hạng mục chính liên quan đến tiêu chuẩn, tạo thuận lợi thương mại, tiếp cận nguồn tài chính bền vững và tăng cường năng lực. Nhóm đầu mối về kinh tế tuần hoàn (FG-CE) được thành lập để kiểm tra và giám sát việc thực hiện Khuôn khổ Kinh tế tuần hoàn.

Một số thuận lợi, khó khăn trong quá trình hợp tác

Về thuận lợi, công tác hợp tác và hội nhập quốc tế về tài nguyên và môi trường luôn được Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm, chỉ đạo thường xuyên và trực tiếp. Ngoài ra, các cơ chế, chính sách về hợp tác và hội nhập quốc tế ngày càng hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc thúc đẩy các hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế về tài nguyên và môi trường; Năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại từng bước được nâng cao, nhiều cán bộ có trình độ chuyên môn tốt, nhiệt tình, chủ động trong công tác; có tinh thần trách nhiệm, tích cực rèn luyện, phấn đấu, trau dồi kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc.

Bên cạnh các thuận lợi, các khó khăn chủ yếu về nguồn nhân lực, hiện nay số lượng và trình độ cán bộ chuyên trách về ASOEN còn có nhiều hạn chế. Các cán bộ chịu trách nhiệm về ASOEN là kiêm nhiệm và chưa có quy định về trách nhiệm, điều khoản tham chiếu (TOR); thiếu cán bộ chuyên trách giỏi, thành thạo tiếng Anh cũng như các kỹ năng đối ngoại. Đây là một trở ngại rất lớn của đầu mối ASOEN Việt Nam trong quá trình tham gia các hoạt động ASEAN. Ngoài ra, việc bố trí nhân lực cũng như chỉ đạo triển khai các hoạt động của ASOEN tại Việt Nam cũng còn gặp nhiều khó khăn. Các cán bộ giữ vai trò là Trưởng nhóm thường là các chuyên gia giỏi trong từng lĩnh vực hợp tác, hoạt động kiêm nhiệm và thuộc các cơ quan khác nhau trong và ngoài Bộ. Để tăng cường hiệu quả, hiện nay các Trưởng Nhóm công tác của ASOEN Việt Nam đã được kiện toàn lại theo hướng lựa chọn các Trưởng Nhóm là các lãnh đạo của các đơn vị để có khả năng ra quyết định và triển khai nhanh chóng các kết luận tại các hội nghị của khu vực và tận dụng nguồn nhân lực của đơn vị đó khi triển khai các hoạt động đối ứng và thực hiện trách nhiệm của Việt Nam trong vai trò nước thành viên.

Một yếu điểm hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động hợp tác ASEAN là do tính chất đặc thù của hoạt động hợp tác ASEAN là sự hợp tác của cộng đồng để chung tay giải quyết các vấn đề mang tính khu vực và hỗ trợ lẫn nhau trong việc thực hiện các cam kết toàn cầu. Hoạt động dựa trên cơ sở tự nguyện tham gia và phải tự chi phí cho các hoạt động tham gia hợp tác chứ không được tài trợ hoàn toàn nên hoạt động hợp tác tác ASEAN đôi khi được nhìn nhận là rất tốn kém và hiệu quả thì mơ hồ vì vậy nếu không được sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo các cấp thì sẽ rất khó khăn. Trong bối cảnh công việc bận rộn và đảm nhiệm nhiều chức năng của Bộ, hoạt động ASEAN sẽ dễ bị chìm lấp vào trong các hoạt động thường xuyên của Bộ và không dành được ưu tiên đúng mức. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và hiệu quả tham gia.

Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn còn giữ quan niệm cho rằng việc hợp tác ASEAN cũng như các hoạt động hợp tác quốc tế khác là sẽ tìm kiếm được nguồn lợi về hỗ trợ tài chính mà chưa nhận ra rõ ràng đặc thù của hoạt động này là bình đẳng về sự đóng góp và trước mắt nguồn lợi chỉ hầu như dừng lại ở dạng định tính là sự trao đổi học hỏi kinh nghiệm và mục tiêu lớn nhất là bảo vệ môi trường trong khu vực trong đó có bản thân quốc gia. Do đó vấn đề kinh phí luôn là vấn đề ngần ngại và băn khoăn nhiều khi phải đóng góp. Cũng chính vì điều này, kinh phí nhà nước dành cho các hoạt động đối ứng trong nước hàng năm rất hạn hẹp trong khi rất nhiều hoạt động đòi hỏi các quốc gia phải thực thi ở phạm vi trong nước và khu vực. Đây cũng là một trở ngại lớn cho việc thực hiện tốt hơn nữa các hoạt động đối ứng ASOEN của Việt Nam.

Cổng TT ĐT Bộ TN&MT

...