03/12/2024 lúc 04:04 (GMT+7)
Breaking News

Thúc đẩy các hoạt động thương mại trong phát triển kinh tế tỉnh Phú Thọ

Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, quan tâm xây dựng thương hiệu hàng hóa các sản phẩm nông nghiệp,... là hướng phát triển đúng đắn của tỉnh Phú Thọ thời gian qua. Trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Phú Thọ quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, đặc biệt là chú trọng phát triển thương mại khu vực nông thôn, miền núi tương xứng với tiềm năng và lợi thế, góp phần hoàn thành kế hoạch xây dựng nông thôn mới của tỉnh và cả nước.
Diện mạo mới của thành phố Việt Trì. Nguồn ảnh: Đỗ Thành

Những kết quả tích cực

Nằm ở vị trí trung tâm vùng trung du và miền núi phía Bắc, tỉnh Phú Thọ có 13 đơn vị hành chính, gồm thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ và 11 huyện; nhiều tuyến giao thông quốc gia chạy qua kết nối giữa các tỉnh Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong vùng. Những năm qua, kết cấu hạ tầng giao thông từ thành thị tới nông thôn được đầu tư khá đồng bộ, tạo thuận lợi về giao thương giữa các vùng, miền. Lĩnh vực công - thương được tăng cường chỉ đạo, thu hút đầu tư phát triển với dự kiến quy hoạch đến năm 2030 có 15 khu công nghiệp, 50 cụm công nghiệp; trong đó, 5 khu công nghiệp, 15 cụm công nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh tăng cường phát triển kinh tế - xã hội nói chung và thương mại nói riêng; thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại dịch vụ theo hướng hiện đại; tạo chuyển biến tích cực theo hướng đa dạng hóa, hiện đại hóa các loại hình thương mại, đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi. 

Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 trong bối cảnh trong nước và khu vực có những yếu tố thuận lợi và khó khăn đan xen, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy Phú Thọ đã xác định mục tiêu xây dựng Phú Thọ trở thành một trong những tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và xác định 4 khâu đột phá; Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành các nghị quyết chuyên đề để tập trung lãnh đạo, triển khai thực hiện. Trong nhiệm kỳ, kinh tế - xã hội đạt kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực, cơ bản các chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt mục tiêu nghị quyết. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2016 - 2020 đạt 7,58%; trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,68%; công nghiệp - xây dựng tăng 10,84%; thương mại - dịch vụ tăng 6,79%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng của công nghiệp và thương mại - dịch vụ.

Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng đạt 6,28% (trong đó nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,23%; công nghiệp - xây dựng tăng 10,59%; thương mại - dịch vụ tăng 3,04%); cơ cấu GRDP ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 38,98%; thương mại - dịch vụ: 39,41%; nông - lâm nghiệp: 21,62%.

Những kết quả quan trọng đó giúp tỉnh Phú Thọ duy trì “tốp” đầu về trình độ phát triển trong các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc; đứng thứ hai về các chỉ tiêu số lượng doanh nghiệp, lực lượng lao động và số xã đạt chuẩn nông thôn mới; đứng thứ ba về các chỉ tiêu quy mô GRDP theo giá hiện hành, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ hộ nghèo và đứng thứ tư về thu ngân sách nhà nước.

Ngành dịch vụ có tỷ lệ đóng góp cao trong GRDP của tỉnh Phú Thọ; tốc độ tăng bình quân hằng năm duy trì 6,5% - 7%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng liên tục tăng nhanh qua các năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng bình quân 11,42%/năm, trong đó trao đổi qua các cơ sở bán lẻ hiện đại (như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi...) chiếm khoảng 28% - 30% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội của tỉnh; khu vực dịch vụ bán buôn, bán lẻ hàng hóa chiếm tỷ trọng 84% tổng mức bán buôn, bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội (năm 2020 - mặc dù ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng tổng doanh thu vẫn tiếp tục xu hướng tăng, đạt 35.507,2 tỷ đồng, gấp 1,55 lần năm 2016).

Kết cấu hạ tầng thương mại bán buôn, bán lẻ được đầu tư khá đồng bộ theo hướng hiện đại với 4 trung tâm thương mại, 15 siêu thị, 197 chợ truyền thống đang hoạt động ổn định; hệ thống bán lẻ với trên 20.000 cửa hàng tiện ích nằm trong các khu dân cư, phủ kín tới tận các thôn, bản vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả quan trọng, là một trong những tỉnh dẫn đầu khu vực trung du và miền núi phía Bắc về xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 114/196 xã (chiếm 58,2% số xã) đạt chuẩn nông thôn mới, có 1 xã (xã Thanh Minh - thị xã Phú Thọ) đạt nông thôn mới nâng cao; bình quân tiêu chí toàn tỉnh đạt 15,9 tiêu chí/xã, không có xã đạt dưới 8 tiêu chí; 4 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới. Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc; thu nhập, đời sống người dân nông thôn được cải thiện, nâng lên rõ rệt, các vấn đề an sinh xã hội được bảo đảm. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được triển khai tích cực, đến hết năm 2021 đã có 78 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cấp tỉnh với 30 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 48 sản phẩm đạt hạng 3 sao.

Việc tổ chức lại sản xuất, dịch vụ nông nghiệp, nông thôn của tỉnh có nhiều đổi mới. Hoạt động liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất tập trung ngày càng được mở rộng. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất dưới hình thức hợp tác và liên kết đạt 20,61%. Xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nông sản được chú trọng với nhiều hình thức tổ chức, như tham gia hội chợ làng nghề Việt Nam, lễ hội bưởi Đoan Hùng, hội chợ nông sản, hội chợ kết nối giao thương sản phẩm OCOP và nông sản tại tỉnh Phú Thọ, mở các gian hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm bưởi, rau an toàn, sản phẩm OCOP, bước đầu ứng dụng, chuyển đổi số trong quản lý sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp,... góp phần quảng bá các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối giữa các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm với người sản xuất khu vực nông thôn, miền núi.

Hoạt động xuất, nhập khẩu có bước phát triển nhanh, thị trường xuất khẩu được mở rộng. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu được cải thiện, tăng sản phẩm chế biến, giảm dần tỷ trọng hàng gia công sơ chế. Giá trị xuất khẩu tăng bình quân 38,1%/năm (tăng nhiều so với mục tiêu là 12%); năm 2021 đạt 7,8 tỷ USD tăng gần 8 lần so với năm 2015 (đứng thứ 12 của cả nước).

Mặc dù đã khai thác, tận dụng được thế mạnh và đạt được những kết quả đáng kể, song lĩnh vực thương mại - dịch vụ còn một số hạn chế, như khu vực dịch vụ phát triển chưa đồng đều, thị trường hàng hóa và quy mô kinh doanh còn nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế chưa cao; sự gắn kết giữa sản xuất và dịch vụ chưa tương xứng, việc đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng thương mại tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế do nguồn lực và hiệu quả đầu tư thấp. Thương mại nội tỉnh chưa thiết lập được mối liên kết bền chặt giữa các cơ sở sản xuất với các nhà kinh doanh và giữa các nhà kinh doanh với nhau để hình thành hệ thống phân phối ổn định, theo chuỗi giá trị; việc ứng dụng thương mại điện tử khu vực nông thôn, miền núi còn hạn chế. Các ngành dịch vụ (như vận tải, bến bãi, lao động...) chưa đáp ứng được yêu cầu; chưa phát huy được lợi thế phát triển logistics.

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do xuất phát điểm của nền kinh tế còn thấp, thu nhập, tích lũy nội bộ chưa cao, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới và suy giảm kinh tế trong nước; thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội. Kết nối giao thương gặp khó khăn, mức lưu chuyển hàng hóa, doanh thu thấp. Việc thu hút đầu tư, các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển hạ tầng thương mại rất hạn chế. Tại các xã vùng sâu, vùng xa điều kiện kết cấu hạ tầng kém phát triển, giao thông khó khăn, nhất là kết cấu hạ tầng thương mại, đặc biệt chợ truyền thống.

Định hướng phát triển trong thời gian tới

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2020 - 2025 là tập trung phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ngành dịch vụ. Đồng thời, tỉnh quyết tâm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa hiện đại, bền vững, nền tảng là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, sản xuất theo chuỗi liên kết; nâng cao thu nhập cho người dân gắn với xây dựng nông thôn mới. Tập trung phát triển nông nghiệp đa dạng phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong tỉnh; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, thúc đẩy phát triển các sản phẩm đặc sản theo hướng OCOP; phát triển nông nghiệp gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp, liên kết sản xuất; xây dựng các mô hình sản xuất thâm canh theo hướng an toàn sinh học, tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP,... Tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực thành ngành hàng chủ lực (chè, bưởi, chăn nuôi, lâm nghiệp), phát triển các sản phẩm đặc sản của các địa phương; phát triển chăn nuôi, thủy sản vào một số giống có giá trị, hiệu quả kinh tế cao. Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu hàng hóa, quảng bá kết nối cung - cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức liên kết sản xuất, quản lý theo chuỗi giá trị. Tăng cường phối hợp với các tỉnh trong vùng Tây Bắc và vùng Thủ đô để định hướng sản xuất sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững.

Từ những kết quả đạt được trong thời gian qua, trên cơ sở xác định rõ nguyên nhân của các hạn chế, tỉnh Phú Thọ đã đúc rút được những bài học kinh nghiệm quan trọng nhằm phát triển thương mại của tỉnh nói chung, địa bàn khu vực nông thôn, miền núi nói riêng tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Trước hết, cần chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho chính quyền các cấp về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về phát triển thương mại trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ, công chức đối với nhiệm vụ phát triển thương mại trên địa bàn tỉnh.

Về nguồn lực đầu tư, cần tập trung huy động tốt nhất mọi nguồn lực để đầu tư phát triển thương mại trên địa bàn tỉnh; chú trọng đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại. Bố trí ngân sách lồng ghép với các chương trình, dự án trong và ngoài nước để xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại. Phát triển nguồn nhân lực; đồng thời, khẩn trương rà soát, xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách cần thiết hỗ trợ phát triển thương mại, như hỗ trợ về đất đai, tích tụ ruộng đất, điều kiện kết cấu hạ tầng, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, vốn cho các doanh nghiệp ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại, tham gia phát triển xuất khẩu, phát triển chuỗi liên kết hàng hóa, nhất là đối với các sản phẩm đặc thù của tỉnh.

Nghiên cứu, triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, có lợi thế đặc thù của tỉnh; hỗ trợ phát triển thương mại miền núi, bao gồm phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, sản phẩm chủ lực, đặc trưng, có lợi thế phát triển của khu vực trung du, miền núi. Tăng cường liên kết, hợp tác vùng, hợp tác giữa các tỉnh và hợp tác với các cơ sở nghiên cứu khoa học trong việc phát triển sản phẩm mới, nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm và tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là đối với các sản phẩm đặc thù, có thế mạnh của tỉnh.

Bước sang giai đoạn mới, Đảng bộ tỉnh Phú Thọ phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân khu vực dịch vụ đạt 7,4%/năm, nâng tỷ trọng dịch vụ đến năm 2025 đạt 41% - 42%; giá trị tăng thêm thương mại trên địa bàn đạt tốc độ tăng bình quân 8,5% - 9%/năm; đến năm 2025 tỷ trọng đóng góp của thương mại từ 9% - 10% vào GRDP của tỉnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt mức tăng trưởng bình quân 11,5% - 12%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025; trong đó, trao đổi qua các cơ sở bán lẻ hiện đại (như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi...) chiếm khoảng 30% - 35%. Khuyến khích thương nhân, doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh, mỗi năm tăng trung bình 8% - 10%; tỷ lệ dân số tham gia mua sắm trực tuyến đạt 55%; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng; 50% số xã, phường, thị trấn có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến; phấn đấu 20% - 25% số các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước. Toàn tỉnh phấn đấu có 7/13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 70% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 28 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí. Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình OCOP; đến năm 2025, có từ 228 đến 282 sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn OCOP từ hạng 3 sao trở lên.

Tăng cường thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, nhất là tại vùng nông thôn, miền núi từ các nguồn lực trong xã hội; tập trung phát triển các loại hình dịch vụ mới, xây dựng hệ sinh thái dịch vụ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, pháp lý, y tế, giáo dục - đào tạo, viễn thông và công nghệ thông tin, logistics, vận tải và phân phối. Khuyến khích chuyển dần hình thức thương mại nhỏ lẻ (truyền thống) sang thương mại hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, thương mại điện tử...).

Phát triển nhãn hiệu, thương hiệu, sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông sản, sản phẩm làng nghề, đặc biệt là các sản phẩm đặc trưng của vùng đất Tổ trên cơ sở đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP. Xây dựng hệ thống cung ứng nông sản theo hướng hiện đại, kết nối được sản xuất với phân phối, tiêu dùng nông sản thành chuỗi giá trị, ổn định và bền vững.

Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử, mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm chủ yếu, như chè, dệt may, giấy, sản phẩm từ gỗ,...; xây dựng kết cấu hạ tầng hệ thống phân phối hàng hóa bán buôn, bán lẻ đồng bộ từ thành thị đến nông thôn. Đồng thời, chú trọng công tác quản lý nhà nước lĩnh vực thương mại, tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về các hoạt động thương mại đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh. Các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát trong việc chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa.

Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung và đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh; kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo đảm ổn định nhằm phát triển thị trường lành mạnh, cung cấp hàng hóa bảo đảm sản xuất và tiêu dùng của người dân./.

BÙI MINH CHÂU
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,
Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh,
Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ
...