11/01/2025 lúc 11:02 (GMT+7)
Breaking News

Thúc đẩy các cơ chế chính sách mới cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển

Khu vực kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thời gian qua, tuy đã phát triển khá nhanh và phát triển ở nhiều ngành nghề nhưng do xuất phát điểm thấp, từ những khó khăn lịch sử để lại và do điều kiện hoàn cảnh chung của cả nền kinh tế, nên khu vực KTTN nước ta chưa thực sự phát triển tương xứng với vị thế và vai trò vốn có và còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế rất cần được khắc phục, giải quyết.

Từ chủ trương của Đảng, chính sách của Chính phủ

Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10/NQ-TW ngày 03/6/2017 Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trườngđịnh hướng XHCN, đã xác định rõ mục tiêu tổng quát là: Phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, nâng cao tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế, cùng những mục tiêu cụ thể bao gồm:  Phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp. Hình thành và phát triển nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh trong khu vực kinh tế tư nhân. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2025 đạt khoảng 55%; đến năm 2030 khoảng 60 - 65% GDP. Năng suất lao động tăng khoảng 5%/năm; hàng năm, khoảng 35 - 40% doanh nghiệp tư nhân có hoạt động đổi mới sáng tạo; thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp khu vực tư nhân so với nhóm dẫn đầu ASEAN-4; nhiều doanh nghiệp khu vực tư nhân tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Qua các kỳ Đại hội, các Nghị quyết của Đảng đều tiếp tục khẳng định và nhấn mạnh vai trò của khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Nhờ những nỗ lực cải cách chính sách của Chính phủ nên thời gian qua kinh tế tư nhân đã có nhiều điều kiện để phát triển hơn…  

Trong thực tế, khu vực KTTN đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là sử dụng lao động tại chỗ… Loại hình kinh tế này hàng năm thu hút lao động mới và từ các doanh nghiệp nhà nước và kinh tế tập thể chuyển sang.

Đến thực tế phát triển và những khó khăn, hạn chế

Khách quan mà nói, khối doanh nghiệp tư nhân (DNTN) hiện nay còn nhiều khó khăn, từ đó hạn chế vai trò động lực phát triển. Không phải không có lý do khi nhiều ý kiến của doanh nghiệp (DN), của Hiệp hội DN cho rằng, cần có những giải pháp mới, thiết thực hơn để khu vực KTTN thực sự trở thành nền tảng của mô hình phát triển trong giai đoạn mới.

Khó khăn của các DNTN là điều không khó nhận ra, thể hiện ở những vấn đề cụ thể như:  Phần lớn các chủ thể kinh doanh của khu vực này có quy mô nhỏ và vừa, trong đó khu vực có quy mô siêu nhỏ chiếm tỷ lệ khá cao. Cũng vì nhỏ nên hầu hết lại thuộc những ngành có giá trị gia tăng thấp, trình độ công nghệ sản xuất lạc hậu, chủ yếu hoạt động nhằm cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho thị trường địa phương, với sự liên kết rất hạn chế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Mặt khác, các doanh nghiệp này ít có khả năng tiếp cận với công nghệ hiện đại, chủ yếu thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh dựa trên lợi thế về chi phí thấp, hơn là dựa trên các nền tảng về kiến thức, công nghệ, đổi mới và khả năng cạnh tranh. Trong khi khả năng tích tụ vốn của các doanh nghiệp còn hạn chế, do đó rất ít doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ vươn lên để có quy mô lớn hơn, dẫn đến tình trạng thiếu các doanh nghiệp quy mô vừa trong bức tranh tổng thể về các công ty tư nhân trong nước.

Việc phát triển doanh nghiệp trong loại hình kinh tế tư nhân những năm qua, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn còn mang nặng tính hình thức, phát triển bề rộng, chưa quan tâm đến chất lượng và bề sâu. Vì vậy, hàng loạt doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ được hình thành mỗi năm thực chất là từ các hộ gia đình (các khách sạn nhà hàng, cửa hàng kinh doanh vàng bạc, cửa hàng buôn bán thực phẩm bằng sử dụng công nghệ...), dẫn đến kết quả số lượng đơn vị thành lập thì nhiều, nhưng thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh thiếu ổn định, tính bền vững, hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao.
Do tiếp cận nguồn vốn tín dụng gặp khó khăn nên việc mở rộng sản xuất kinh doanh và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất còn hạn chế dẫn đến năng suất lao động và năng lực sản xuất còn thấp. Mặt khác, thành phần chủ yếu của khu vực tư nhân là các doanh nghiệp nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể nên vẫn yếu thế trong cạnh tranh cả về chất lượng và giá cả xuất khẩu sang thị trường nước ngoài và tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu. Chất lượng nguồn nhân lực còn yếu kém nhiều mặt. Lao động phần lớn chưa được đào tạo bài bản hoặc chỉ được đào tạo chứng chỉ ngắn hạn nên tiếp cận tiến bộ khoa học không dễ dàng…  

Một khó khăn nữa là các cơ chế chính sách đặc biệt cho khu vực KTTN còn nhiều rào cản, chính sách chưa đi được vào thực tiễn. Cho nên việc thúc đẩy các cơ chế chính sách nhằm tạo ra các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế là cực kỳ cần thiết. Theo đó, cần có chính sách thực sự kích cầu đầu tư đặc biệt đầu tư tư nhân, nhìn nhận thẳng thắn chính sách cho đầu tư tư nhân và cả khu vực nhà nước. Cần có những giải pháp mới, thiết thực hơn để khu vực KTTN thực sự trở thành nền tảng của mô hình phát triển trong giai đoạn mới.

Các số liệu thống kê cho thấy, tăng trưởng GDP thời gian qua của nước ta có sự đóng góp rất quan trọng của đầu tư công là chính, trong khi đó đầu tư tư nhân còn rất thấp, chỉ chiếm tỷ lệ 2,7% - đây là mức thấp so với giai đoạn từ 2019-2023. Vì vậy mà tại diễn đàn “Thúc đẩy cơ chế chính sách, thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức ngày 11/01/2024, các đại biểu cho rằng, trong thời gian tới việc có thêm các nguồn động lực thúc đẩy đầu tư kinh tế tư nhân thông qua hoạt động kích cầu đầu tư là vô cùng quan trọng…

Thúc đẩy các cơ chế chính sách mới cho khu vực kinh tế tư nhân

Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều nghị quyết, chính sách về xây dựng, nhìn nhận vai trò, vị trí của khối DNTN. Tuy nhiên, việc tổ chức thực thi các nghị quyết này còn chưa quyết liệt, cần phải cụ thể mạnh mẽ hơn nữa bằng luật hóa để tạo điều kiện cho KTTN phát triển. Trong quá trình đó, có hai nội dung lớn cần giải quyết tốt: (1) Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, minh bạch nhằm giúp DN tư nhân có cơ hội nhiều hơn để phát triển. (2) Cần giúp các DNTN thuận lợi hơn khi gia nhập thị trường, nhất là vấn đề về chi phí hoạt động phải thấp hơn nữa nhằm tăng sức cạnh tranh ở thị trường trong và ngoài nước; tháo gỡ bớt những ràng buộc về thể chế để kích thích DN, doanh nhân đổi mới, sáng tạo, nhất là với khối DN siêu nhỏ, cơ hội tiếp cận vốn, đất đai rất khó khăn nên cần hỗ trợ họ tốt hơn để tiếp cận được; thay đổi chính sách thuế...

Cùng với đó là việc thúc đẩy các cơ chế chính sách mới cho khu vực KTTN. Cụ thể là:

+ Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân bảo đảm thực hiện nghiêm minh quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản của các chủ thể kinh tế tư nhân. Tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng và tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực của kinh tế tư nhân. Các Bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia thực hiện các hợp đồng mua sắm công theo quy định của pháp luật đấu thầu về ưu đãi cho các gói thầu quy mô nhỏ.
+ Để doanh nghiệp phát triển bền vững, các DNTN cần phải xây dựng mô hình quản trị hiện đại, phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế, tập trung nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Phát triển nhân lực, khoa học công nghệ để có thể cạnh tranh và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời nâng cao trình độ, kỹ năng của người lao động, để từ đó có thể đáp ứng yêu cầu của quá trình sản xuất trong bối cảnh mới.

+ Tăng cường hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các DNTN được tiếp cận các nguồn lực (đất đai, tài chính, lao động, khoa học công nghệ...) để phát triển sản xuất kinh doanh. Cùng với đó là hỗ trợ xây dựng chiến lược phát triển và có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để khuyến khích; hỗ trợ nhóm DNTN lớn có tiềm năng phát triển kinh doanh ra thị trường khu vực và thế giới, xây dựng được sản phẩm uy tín, thương hiệu tầm quốc tế; hỗ trợ xây dựng chiến lược phát triển và có chương trình kế hoạch hành động cụ thể trong việc khuyến khích, hỗ trợ các nhóm lập nghiệp, khởi nghiệp đổi mới và sáng tạo để phát triển cộng đồng doanh nhân tư nhân cả về số lượng và chất lượng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của các DN, doanh nhân. Mặt khác, để KTTN thực sự phát triển, phát huy nội lực trong nhân dân, cần thay đổi nhận thức, nhất là trong bộ máy Nhà nước về vai trò, đóng góp của khối KTTN. Chính vì nhận thức chưa đúng nên nguồn lực dành cho KTTN chưa phù hợp./.

Ths. Hoàng Đình Nam

...