22/11/2024 lúc 13:19 (GMT+7)
Breaking News

Thuận Thành tăng cường quản lý, trùng tu và phát triển các di tích

Thời gian qua, huyện Thuận Thành đã chú trọng, quan tâm tới công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và phát triển các di tích. Từ đó nhằm giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.

Theo đó, hiện nay huyện Thuận Thành có 97 ngôi chùa, 35 di tích được xếp hạng; trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 11 di tích quốc gia và 22 di tích cấp tỉnh. Thuận Thành cũng là địa phương có nhiều bảo vật quốc gia, với 6 bảo vật và nhóm bảo vật. Những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích luôn được huyện quan tâm, đầu tư. Góp phần bảo tồn di sản văn hóa, giáo dục truyền thống, quảng bá hình ảnh, thu hút đông đảo du khách đến tham quan.

Dự án tu bổ, tôn tạo chùa Phi Tướng, chùa Dàn, thuộc địa phận xã Thanh Khương và Trí Qủa được khởi công từ tháng 1/2022, tổng kinh phí thực hiện là hơn 75 tỷ đồng. Bao gồm các hạng mục như: Nhà tiền thất, bảo hậu, hành lang tả, hành lang hữu, nhà khách, tam quan và các công trình phụ trợ. Đến nay, đã hoàn thành 70% khối lượng công việc, đơn vị thi công đang nỗ lực để hoàn thiện, đưa công trình vào sử dụng trong mùa lễ hội Vùng Dâu năm 2023.

Còn tại khu di tích Đình Mão Điền Đoài, một trong những di tích được xếp hạng là di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Nơi thờ 3 vị tướng họ Chu đã có công phù Lê Diệt Mạc. Để gìn giữ và phát huy giá trị của di tích, năm 2019, được sự quan tâm của chính quyền các cấp, sự chung sức đồng lòng của nhân dân địa phương, ngôi đình được khởi công tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí 4,5 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 1,2 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn xã hội hóa do nhân dân đóng góp. Đến nay công trình tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia đình Mão Điền Đoài đã hoàn tu bổ Tòa đại đình, ống muốn, hậu cung; nâng nền, cải tạo và nâng sân, xây lại tường bao… đảm bảo đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của người dân địa phương.

Công trình trùng tu chùa Phi Tướng, xã Thanh khương

Riêng trong năm 2022, toàn huyện có 11 di tích được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí tu bổ, chống xuống cấp với tổng kinh phí là 7,2 tỷ đồng. Nhiều di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo đã khắc phục được tình trạng xuống cấp, đảm bảo an toàn lâu dài cho công trình, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân, trở thành các điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan tiêu biểu như Lăng và đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ; Chùa Dâu, Chùa Bút Tháp. Hoạt động du lịch trên địa bàn huyện đang phục hồi tích cực, lượng khách du lịch năm nay tăng 60% so với năm 2021.

Theo ông Nguyễn Đăng Quản, huyện ủy viên, Trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện Thuận Thành cho biết: “Việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh phải luôn gắn liền với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Việc bảo tồn, gìn giữ phải đi đôi với việc khai thác di tích lịch sử để phục vụ cho phát triển du lịch - dịch vụ. Đây không chỉ là một cách để quảng bá, mà còn là tài liệu để truyền dạy cho con cháu sau này, giáo dục truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Được biết, trong thời gian tới phòng Văn hóa, thông tin huyện Thuận Thành tiếp tục tham mưu cho huyện ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong thực hiện các chế độ chính sách, công tác quản lý, tu bổ tôn tạo, phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn. Đẩy mạnh tuyên truyền Luật Di sản cho người dân biết; tích cực kêu gọi đầu tư kết cấu hạ tầng, giao thông, khuyến khích hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích từ nguồn kinh phí ngoài ngân sách Nhà nước. Đồng thời, tạo sự gắn kết giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch của địa phương.

Ngọc Anh