Trước bà Angela Merkel, chưa có thủ tướng Đức nào rời chức vụ một cách thanh thản và được lòng dân đến vậy...
Hành trình 16 năm cầm quyền liên tục của Thủ tướng Đức Angela Merkel đang dần khép lại. Nữ Thủ tướng đầu tiên của nước Đức vẫn có tỷ lệ ủng hộ rất cao.
Rời nhiệm sở, vị Thủ tướng đến từ Đông Đức và có bằng tiến sĩ hóa học lượng tử đã để lại một khoảng trống rất lớn. Song dường như, người Đức vẫn chưa nhận thức đầy đủ về điều này, và cả bà cũng vậy.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: TL
Biểu tượng của sự ổn định
Mutti, tên gọi thân mật của bà Angela Merkel, đã trải qua 4 đời tổng thống Mỹ, 4 tổng thống Pháp, 5 thủ tướng Anh và 2 chủ tịch Trung Quốc. Chỉ có Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tiếp tục tại vị sau khi bà kết thúc nhiệm kỳ.
Merkel là hiện thân của những gì người Đức luôn muốn hướng tới kể từ sau Thế chiến II đến nay: sự ổn định. Sự nhẫn nại và xu hướng tìm kiếm sự đồng thuận khiến bà được tôn trọng, kể cả từ các đối thủ chính trị. Ngay cả những người trẻ cũng phải thừa nhận tài thương lượng của bà.
GS. Klaus Hurrelmann, chuyên gia xã hội học của Đại học chính trị Hertie School ở Berlin, nhận định: “Phong cách lãnh đạo của bà luôn sẵn sàng hòa giải, trấn an đã lan sang họ”.
Luôn mặc một kiểu quần áo gần như đồng phục (áo vest cài cúc có màu và quần đen), Thủ tướng Đức là phản đề đích thực của thói xa xỉ. Bà tự đi siêu thị sắm đồ, không có tùy tùng, mỗi năm đều đi nghỉ ở cùng một địa điểm tại vùng núi Nam Tyrol.
Hàng triệu người Đức đã học theo phong cách sống của bà. Giống như Merkel, họ không thích thay đổi.
Bà Angela Merkel được đánh giá là một người chính trực, một kiểu nhà lãnh đạo mới, luôn toát lên sự đồng cảm, ổn định và đáng tin cậy.
“Bà mẹ quốc dân”
Người Đức sẽ giữ mãi một kỷ niệm đẹp về bà, về một thời kỳ vàng son. Trong lịch sử, nước Đức chưa bao giờ giàu có đến thế. Không có nước công nghiệp phát triển nào đạt tỷ lệ tăng trưởng cao đến vậy.
“Phép màu kinh tế thứ hai” đã cho phép các doanh nghiệp phân phối lợi nhuận kỷ lục và làm đầy ngân quỹ nhà nước. Tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh đến mức đất nước hiện nay rơi vào tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng.
“Bà mẹ quốc dân” đã trấn an rất tốt trong các cuộc khủng hoảng lớn. Sau vụ đổ vỡ ngân hàng Lehman Brothers năm 2008, nữ Thủ tướng đã cảnh báo người Đức không nên đổ ra các máy rút tiền: “Tôi tuyên bố với những người gửi tiền trong ngân hàng, khoản tiền tiết kiệm của quý vị an toàn”.
Ngay cả trong cuộc khủng hoảng người tị nạn - được coi là thử thách lớn nhất trong sự nghiệp, bà Merkel cũng tìm được những lời lẽ phù hợp nhất. Câu nói lịch sử "Chúng ta sẽ vượt qua" (Wir schaffen das) vẫn còn nguyên giá trị.
Thế giới sẽ tiếp tục đánh giá cao quyết định không đóng cửa biên giới đối với hơn 1 triệu người tị nạn của bà ngày 4/9/2015. Nỗ lực đó đã giúp tránh để xảy ra một thảm họa nhân đạo ở châu Âu, giúp châu Âu cứu vãn danh dự.
Bất chấp làn sóng phẫn nộ chống lại chính sách nhập cư của bà, người Đức vẫn giữ Mutti trong trái tim họ. Tỷ lệ hài lòng về thành quả của bà ít khi xuống dưới mức 50%, kể cả trong giai đoạn khủng hoảng người tị nạn. Con số này hiện nay là 80%.
Trước Merkel, chưa có thủ tướng nào rời chức vụ một cách thanh thản và được lòng dân đến vậy. Những người tiền nhiệm đều bị buộc phải kết thúc nhiệm kỳ do thất bại trong bầu cử, kể cả người thầy của bà, Helmut Kohl.
Giờ đến lúc Merkel ra đi, vì bà đã mệt mỏi chứ không phải không còn ảnh hưởng. Bà luôn nói sẽ lựa chọn “thời điểm phù hợp” để rút lui, không có chuyện “kết thúc như một xác tàu đắm”, như phát biểu năm 1998.
“Vì xem những người tị nạn là nạn nhân cần được giải cứu thay vì coi họ là một đội quân quân xâm lược... người con gái của mục sư đã dùng lòng thương xót như một thứ vũ khí”. (Tổng Biên tập tạp chí Time Nancy Gibbs nhận xét về lý do lựa chọn bà Merkel là Nhân vật của năm 2015)
Muốn duy trì nguyên trạng
Thời điểm chính xác bà Merkel rời quyền lực phụ thuộc vào độ dài của các cuộc đàm phán thành lập liên minh cầm quyền mới sau cuộc tổng tuyển cử ngày 26/9. Nếu vẫn tại vị cho đến sau ngày 17/12, bà sẽ phá vỡ kỷ lục của Thủ tướng bảo thủ Helmout Kohn.
Khi ra đi, nước Đức mà bà để lại như thế nào? Dấu ấn vững chắc nào mà Merkel đã tạo ra trong 16 năm cầm quyền là gì?
Thực tế bản tổng kết của Merkel kém hơn nhiều so với uy tín của bà. Merkel đã bảo vệ sự thịnh vượng của quốc gia. Bà đã giữ được vị trí đứng đầu đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ-Thiên chúa giáo (CDU) bằng cách loại bỏ hết các đối thủ.
Khẩu hiệu về sự ổn định (Quý vị sẽ biết tôi!) vẫn được cả xã hội lắng nghe. Chiến thắng trong các cuộc bầu cử phần lớn do cử tri không quan tâm. Tỷ lệ đi bầu thời Merkel thấp nhất trong lịch sử.
Báo Đức Der Spiegel đánh giá người ta sẽ nhớ phong cách, chứ không phải là những chính sách của bà. Vị thủ tướng muốn duy trì nguyên trạng bằng lòng với việc quản lý đất nước, chứ không cải tổ.
Bà đã được hưởng lợi lớn từ các chương trình cải cách của người tiền nhiệm Gerhard Schroder - thủ tướng thuộc đảng Dân chủ-Xã hội Đức (SPD), người có đóng góp lớn vào “thần kỳ kinh tế”, chứ không tiến hành các cuộc cải tổ của riêng mình để hiện đại hóa đất nước.
Bất chấp tình trạng dân số sụt giảm, Thủ tướng Merkel không cải tổ hệ thống hưu trí đầy lỗ hổng. Ông Marcel Fratzscher, Chủ tịch Viện nghiên cứu kinh tế Đức (DIW) ở Berlin, nhận xét: “Đã rất lâu rồi, không hề có một khế ước xã hội nào giữa các thế hệ. Một đất nước tụt lại phía sau”.Bên cạnh đó, giới trẻ Đức coi bà là một vị thủ tướng phản ứng, chứ không phải là thủ tướng hành động. Đây là lời trách móc nặng nề nhất của giới trẻ Đức, cho rằng bà đã thực hiện một chính sách trên lưng các thế hệ tương lai.
Trong suốt những năm tại vị của bà, xã hội Đức đã hiện đại hóa và cởi mở một cách đáng kinh ngạc. Mặc dù bảo vệ quan điểm bảo thủ, nữ Thủ tướng đã không ngăn cản những bước tiến mới của xã hội, thay vào đó bà khởi xướng, thúc đẩy chúng, như vấn đề giải phóng và việc làm cho phụ nữ, tôn trọng các khác biệt và tự do hóa tình dục.
Bà cũng hiện đại hóa đảng bảo thủ - vốn trước kia rất chống đổi mới – vừa gắn bó chặt chẽ với các giá trị Thiên chúa giáo vừa không chấp nhận xích lại gần với phe cực hữu.
Và những "điểm mờ"
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng Covid-19 đã khiến người Đức phát hiện rằng họ đã ngủ quên trên cành nguyệt quế. Trong khi các trung tâm y tế vẫn chuyển dữ liệu thống kê của Viện giám sát y tế Robert Koch (RKI) bằng máy fax, các nhà trường không đủ khả năng tiến hành giảng dạy từ xa trong điều kiện tốt nhất.
Chủ tịch Viện nghiên cứu kinh tế Munich (Ifo) Clemens Fuest nhận xét: “Trong lĩnh vực kỹ thuật số, nước Đức đang bị tụt hậu”. Theo Trung tâm châu Âu theo dõi sức cạnh tranh trong lĩnh vực kỹ thuật số (ECDC) tại Berlin, nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã rơi xuống gần cuối bảng xếp hạng của họ, chỉ xếp trên Albania.
Cả nước đang ở trong tình trạng phải chạy đua để bắt kịp xung quanh. Đức chậm trễ trong đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông. Việc ban hành lệnh cấm lưu thông xe trọng tải lớn năm 2016 trên cầu Rheinbrücke tại bang Nordrhein-Westfalen là một cú sốc cho người Đức.
Việc cải tạo tuyến đường này, một trong những huyết mạch quan trọng nhất châu Âu, đến nay vẫn chưa được lên kế hoạch. Còn tuyến tàu cao tốc nối Berlin và Munich, khánh thành năm 2017, phải mất 26 năm xây dựng.
Hay vụ bê bối động cơ diesel của Volkswagen cho thấy Phủ thủ tướng Đức đã phụ thuộc vào ngành công nghiệp ô tô vốn từ trước đến nay ngăn cản quá trình chuyển đổi sang thân thiện với môi trường. Bà Merkel đã bảo vệ quyết liệt các nhà sản xuất ô tô trước Ủy ban châu Âu bằng cách phong tỏa các chỉ thị về khí thải carbon.
Trong 16 năm, bà không đụng chạm đến việc phải hạn chế vận tốc trên xa lộ, trong khi dư luận Đức ủng hộ mạnh mẽ điều này. Hậu quả là các nhà sản xuất ô tô, quá gắn bó với động cơ đốt trong, đã rất chậm trễ so với các đối thủ trong lĩnh vực phát triển xe điện.
Sự bất mãn chính của người Đức đối với nữ Thủ tướng liên quan đến môi trường. Lúc đầu, bà Merkel tự nhận là “thủ tướng vì khí hậu”, với việc xuất hiện tại Greonland năm 2007 bên cạnh một núi băng bị hiện tượng ấm lên toàn cầu đe dọa, đến nay bảng tổng kết của bà rất đáng thất vọng.
Những người trẻ bãi khóa vì khí hậu (phong trào Fridays for Future) đã đệ đơn kiện kế hoạch khí hậu của bà Merkel đưa ra năm 2019. Và họ đã thắng tại Tòa án Hiến pháp, với kết luận cho rằng các biện pháp đưa ra không đủ để đạt mục tiêu của Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu.
Cuối cùng, Merkel đã quá lơ là vấn đề kế vị. Bà để lại sau lưng một đảng suy yếu về chính trị và bị đe dọa bởi đảng cực hữu “Lựa chọn thay thế cho nước Đức” - AfD, lực lượng chính trị lớn thứ ba trong nghị viện từ năm 2017.
Trong chiến dịch tranh cử, lực lượng bảo thủ đã không dám nhận một phần di sản của bà: những cải cách thời Merkel (hôn nhân đồng giới, từ bỏ điện hạt nhân, mức lương tối thiểu…) chủ yếu là thành quả của cánh tả, đã tham gia liên minh cầm quyền trong 12 năm.
Do đó, ứng cử viên bảo thủ được lựa chọn Armin Laschet có thể sẽ thất bại trong cuộc tổng tuyển cử ngày 26/9 trước đối thủ thuộc SPD Olaf Scholz.
Bà Angela Merkel, người muốn nói lời giã biệt bằng chiến thắng bầu cử, cuối cùng có thể sẽ phải rời khỏi sân khấu một cách lặng lẽ, qua cánh cửa hẹp. Để rồi, bình dị thực hiện ước mơ thời trẻ của một thanh niên Đông Đức mà bà chưa có thời gian để hoàn thành sau khi Bức tường Berlin sụp đổ: một chuyến đi đến vùng núi Rockies tại Mỹ và thưởng thức nhạc Bruce Springsteen.
theo Libération, Reuters, TGVN