Cùng đi với Thủ tướng có các đồng chí: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải; đại diện các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, của tỉnh.
Thủ tướng và đoàn công tác đã dự Lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình, đoạn từ cầu ngang S1 đến đường Chu Văn An kéo dài.
Tuyến đường được đầu tư xây dựng nhằm kết nối với các tuyến đường nội đô trong thành phố, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông trên địa bàn; tạo trục trung tâm cửa ngõ của thành phố, nối tỉnh Thái Bình với các tỉnh trong cả nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Với tổng chiều dài 8,4km, điểm đầu giao với quốc lộ 10 tại Km59+950 (lý trình quốc lộ 10), thuộc địa phận xã Tự Tân (Vũ Thư); điểm cuối tại nút giao với đường Chu Văn An, thuộc địa phận xã Vũ Chính (thành phố Thái Bình). Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 1.039 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác. Thời gian thực hiện dự án không quá 4 năm .
Cũng trong sáng nay, Thủ tướng và đoàn công tác đã đi kiểm tra tình hình đầu tư, xây dựng và hoạt động của Khu kinh tế (KKT) Thái Bình. Thủ tướng nghe báo cáo về phương án quy hoạch tỉnh Thái Bình tới năm 2030. Khu kinh tế Thái Bình có diện tích 30.583 ha, là Khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, bao gồm các khu chức năng: 25 phân khu công nghiệp tổng diện tích 8.020 ha; Khu cảng biển Thái Bình 500 ha, Trung tâm điện lực Thái Bình 853 ha tổng công suất quy hoạch 7.000 MW; Khu du lịch - dịch vụ 3.110 ha; các khu nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản 4.715 ha; các khu đô thị 3.000 ha…
Những dự lớn, trọng điểm (Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1 và 2, Nhà máy Amon Nitrat, dự án khí mỏ Hàm Rồng...) được tỉnh tạo điều kiện thuận lợi triển khai; một số dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo bước đột phá về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Tỉnh Thái Bình báo cáo phấn đấu đến năm 2025 thu hút được khoảng 25 dự án lớn với tổng mức đầu tư khoảng 500.000 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế theo các ngành: công nghiệp - xây dựng chiếm 55 - 60%, thương mại - dịch vụ chiếm 28 - 30%, nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 10 - 17%; tạo việc làm mới cho 30.000 – 40.000 lao động.
Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã tới kiểm tra, làm việc tại Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 tại huyện Thái Thụy do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) làm chủ đầu tư.
Trong chuyến làm việc, Thủ tướng và đoàn công tác đã dự Lễ Kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm huyện Tiền Hải (26/3/1962 – 26/3/2022); Khánh thành khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; Phát động thực hiện chuyên đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2022.