18/11/2024 lúc 01:36 (GMT+7)
Breaking News

Thủ tướng chỉ đạo triển khai chương trình ''Sóng và điện thoại cho em''

Để kịp thời hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến và thúc đẩy phát triển xã hội số, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương xây dựng và triển khai chương trình “Sóng và điện thoại cho em”, hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến, thúc đẩy phát triển xã hội số.

Để kịp thời hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến và thúc đẩy phát triển xã hội số, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương xây dựng và triển khai chương trình “Sóng và điện thoại cho em”, hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến, thúc đẩy phát triển xã hội số.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 6218/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về xây dựng và triển khai chương trình “Sóng và điện thoại cho em”.

Các cấp học đã bước vào học online.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 3-9-2021 về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch Covid-19.

Tại chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu địa phương đang có dịch và thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg và Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trước mắt tổ chức dạy học trực tuyến; ưu tiên nguồn lực hỗ trợ học sinh khó khăn không có phương tiện học tập trực tuyến, bảo đảm công bằng trong tiếp cận phương thức dạy và học mới.  

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các nhà xuất bản cung cấp sách giáo khoa (cả bản điện tử) đầy đủ, thuận lợi cho học sinh khi bước vào năm học mới, nhất là tại các địa phương tổ chức học trực tuyến. Hướng dẫn xây dựng hệ thống đề thi, bài kiểm tra, ngân hàng câu hỏi phục vụ tổ chức thi, kiểm tra đánh giá theo hình thức trực tuyến một cách phù hợp. 

Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành hướng dẫn về sử dụng an toàn các phần mềm, công cụ dạy học trực tuyến; chỉ đạo các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin nghiên cứu, phát triển các giải pháp, nền tảng dạy và học trực tuyến, học liệu số; hỗ trợ các nhà trường, học sinh, giáo viên tiếp cận hạ tầng số, dịch vụ truy cập internet tốc độ cao an toàn, dễ sử dụng; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông xem xét miễn giảm giá cước truy cập internet cho học sinh, sinh viên và giáo viên, giá cước sử dụng giải pháp phục vụ giáo dục, đào tạo và quản lý giáo dục cho các nhà trường, giá dịch vụ thuê máy chủ, băng thông phục vụ đào tạo từ xa cho các trường đại học.

Trước đó, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 6-9, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng, với 20 triệu học sinh, sinh viên, chỉ cần 2 triệu lượt truy cập cùng lúc thì rất khó để đường truyền bảo đảm được.

Trả lời câu hỏi của báo chí về khó khăn trong việc dạy học trực tuyến, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng, 2 khó khăn lớn nhất là thiết bị và đường truyền.  

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng cho rằng, phương án khác trong việc dạy và học được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra là hướng dẫn các trường thực hiện, tận dụng các bài giảng điện tử, bài học điện tử để học sinh học ở nhà. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chuẩn bị một kho học liệu rất lớn. Riêng với lớp 1, đã có video bài học cho môn tiếng Việt và tiếng Anh khá đầy đủ. Các bài giảng video cũng đã phát trên kênh truyền hình quốc gia.  

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, sau dịch bệnh, với những nơi không có học liệu tốt thì cần các giáo viên dạy phụ đạo thêm để có chất lượng tốt nhất. Ông Sơn cũng nhắc lại tinh thần của Bộ Giáo dục và Đào tạo là không lùi năm học. Nơi nào có điều kiện thì cố gắng duy trì năm học. “Cố gắng giai đoạn này tận dụng cái gì đang có để dạy và học thật tốt”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.

Theo phản ánh của các bậc phụ huynh và học sinh, trong sáng 6-9, chỉ sau một ngày khai giảng năm học mới 2021-2022, không chỉ phụ huynh lo lắng về chất lượng dạy mà ngay cả giáo viên cũng cảm thấy khó khăn về đường truyền internet hay bị ngắt quãng. Nhiều phụ huynh cho rằng, đường truyền không ổn định, nghe bập bõm chữ được chữ không. Học sinh liên tục nhắn tin hỏi giáo viên về bài giảng nên giáo viên cũng gặp nhiều khó khăn trong giảng dạy.