VNHN - Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị WEF ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, để duy trì sự phát triển năng động và sức cạnh tranh, ASEAN không thể chỉ dựa vào tài nguyên và lao động trẻ, kỹ năng thấp. Các nước ASEAN cần tạo động lực tăng trưởng mới mạnh mẽ hơn từ đổi mới sáng tạo…
Ngày 11/5, tại Thủ đô Phnom Penh, Campuchia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bắt đầu tham dự các hoạt động tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) lần thứ 26.
Tham dự hội nghị có hơn 600 đại biểu, bao gồm lãnh đạo cấp cao của nhiều nước như Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, nhiều bộ trưởng của các nước ASEAN và các nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc…, lãnh đạo nhiều tổ chức quốc tế, tập đoàn lớn của khu vực và thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên khai mạc
Tại phiên khai mạc toàn thể với chủ đề “ASEAN 50 tuổi trẻ”, các nhà lãnh đạo các nước ASEAN đánh giá sau 50 năm hình thành và phát triển, ASEAN đã trở thành một mô hình hội nhập khu vực thành công trên thế giới; đóng vai trò quan trọng vào củng cố hòa bình, ổn định trong khu vực. Các nhà lãnh đạo cho rằng ASEAN còn nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển nhờ có lực lượng lao động trẻ dồi dào thứ 3 thế giới, có thị trường ngày càng mở rộng với quy mô GDP đứng thứ 6 thế giới và dự báo sẽ vươn lên thứ 5 vào năm 2020.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến đánh giá ASEAN gặp không ít thách thức, khó khăn trước những biến chuyển nhanh và sâu sắc về chính trị, kinh tế, xã hội và công nghệ trên thế giới; trong đó các chuyển dịch địa-chính trị trong khu vực, xu hướng bảo hộ gia tăng và sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động ngày càng sâu sắc đến tiến trình hội nhập ASEAN cũng như sự phát triển của các nước thành viên.
Bên cạnh đó, các nước ASEAN cũng gặp những khó khăn trong phát triển như gia tăng khoảng cách phát triển, bất bình đẳng xã hội, suy thoái môi trường… Nhiều ý kiến tại hội nghị khuyến nghị các nước ASEAN cần đẩy mạnh hơn nữa liên kết nội khối, đẩy nhanh xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, thúc đẩy thực hiện Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN đến năm 2025, chú trọng củng cố các nền tảng cho phát triển bao trùm và bền vững như thể chế, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, cải cách cơ cấu, tăng cường kết nối và hội nhập kinh tế trong ASEAN.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ với các nhà lãnh đạo các nước ASEAN về những thành tựu phát triển và hội nhập khu vực mà ASEAN đã đạt được trong 50 năm qua.
Thủ tướng nhấn mạnh sự phát triển năng động của ASEAN đang mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp, trong đó Việt Nam là một trong những nền kinh tế năng động nhất với GDP tăng bình quân 6% trong 30 năm qua và dự kiến tăng 6,5-7% trong 2017-2020.
Thủ tướng đánh giá, cũng như các nước ASEAN khác, Việt Nam có thị trường tiềm năng lớn về đổi mới sáng tạo với dân số trẻ dồi dào, trong đó 60% dân số dưới 35 tuổi và khoảng 52% dân số sử dụng internet; đẩy mạnh hội nhập quốc tế thông qua ký nhiều FTA có tiêu chuẩn cao và cùng các nước ASEAN tiến tới thị trường ASEAN thống nhất…
Chia sẻ về phát triển của ASEAN trong bối cảnh mới, Thủ tướng cho rằng, để duy trì sự phát triển năng động và sức cạnh tranh, ASEAN không thể chỉ dựa vào tài nguyên và lao động trẻ, kỹ năng thấp. Thủ tướng nhấn mạnh, các nước ASEAN cần tạo động lực tăng trưởng mới mạnh mẽ hơn từ đổi mới sáng tạo; chú trọng giáo dục, đào tạo để người dân, nhất là lao động trẻ, bắt kịp các tiến bộ công nghệ, đáp ứng các yêu cầu việc làm mới.
Thủ tướng đã nêu sáng kiến về việc Diễn đàn WEF-ASEAN xem xét thành lập một nhóm công tác để nghiên cứu, khuyến nghị chính sách giáo dục, đào tạo nghề, thúc đẩy hình thành ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo (start-up).
“Là một thành viên năng động của ASEAN, Việt Nam đang nỗ lực hướng tới tăng trưởng bền vững trên cơ sở nâng cao chất lượng tăng trưởng và tranh thủ thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh và tiến lên các nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu”, Thủ tướng nêu rõ, “Việt Nam đang quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, chấn hưng giáo dục, phát huy tinh thần khởi nghiệp, khả năng sáng tạo và sự năng động của quốc gia”.
Thủ tướng cho rằng, trải qua 50 năm hình thành và phát triển, ASEAN có thể tự hào là một hình mẫu liên kết khu vực thành công với một cộng đồng ASEAN ngày càng gắn kết và có vai trò quan trọng trong khu vực và toàn cầu. Những thành quả đạt được là rất đáng trân trọng và là cơ sở cho niềm tin lạc quan về tương lai phát triển mạnh mẽ của ASEAN vì hòa bình, ổn định, hướng đến người dân, thượng tôn pháp luật và cùng phát triển thịnh vượng.
“Việt Nam sẽ làm hết sức mình cùng ASEAN và các đối tác thực hiện thành công mục tiêu cao cả này”, Thủ tướng nói.
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Giám đốc điều hành WEF Philipp Roesler, Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) Kim Lập Quần và Chủ tịch Tập đoàn Cisco (Mỹ) khu vực ASEAN Naveen Menon.
Với WEF, hai bên nhất trí tăng cường phối hợp trong các hoạt động của WEF; thúc đẩy triển khai thỏa thuận hợp tác đã ký tại Hội nghị WEF Davos tháng 1/2017 vừa qua. Thủ tướng đánh giá cao WEF đã chọn Việt Nam để tổ chức Hội nghị WEF ASEAN năm 2018 và đề nghị hai bên phối hợp chặt chẽ để chuẩn bị tốt hội nghị này.
Với ngân hàng AIIB, Thủ tướng hoan nghênh AIIB tích cực góp phần thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực thông qua hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng; mong muốn AIIB tăng cường hợp tác với Việt Nam nghiên cứu, đề xuất các dự án hợp tác khả thi, cùng có lợi. Với tập đoàn Cisco, Thủ tướng hoanh nghênh Cisco đang hoạt động hiệu quả tại Việt Nam; đề nghị tập đoàn tiếp tục đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng công nghệ thông tin, thành phố thông minh, đào tạo nghề…
Cũng trong chiều ngày, Thủ tướng đã cùng lãnh đạo các nước ASEAN nghe Nhóm Chiến lược khu vực ASEAN (RSG) của WEF trình bày báo cáo nghiên cứu về những vấn đề phát triển và hội nhập của ASEAN.
Tin từ Cổng TTĐT Chính phủ