VNHN - Ngày 23/11, tại TP. Sơn La, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp UBND tỉnh Sơn La tổ chức Hội thảo xúc tiến đầu tư nhằm thu hút doanh nghiệp (DN) phát triển kinh tế rừng và chuỗi giá trị cây dược liệu khu vực Tây Bắc.
Toàn cảnh buổi Hội thảo
Dự Hội thảo có lãnh đạo các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT; các nhà khoa học; đại diện các hiệp hội, DN sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, dược liệu các tỉnh: Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng; lãnh đạo các huyện, thành phố của tỉnh Sơn La.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe và tham gia ý kiến đối với báo cáo của Bộ NN&PTNT về cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ DN của Bộ giai đoạn 2015-2018; những điểm mới về cơ chế chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp theo tinh thần Nghị định 57/2018/CN-CP; báo cáo của Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) về tổng quan và giải pháp phát triển kinh tế rừng Việt Nam; tổng quan và giải pháp phát triển chuỗi giá trị cây dược liệu ở khu vực Tây Bắc; báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La về tiềm năng và các chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp của tỉnh.
Tây Bắc là vùng có nhiều tiềm năng lợi thế về rừng và cây dược liệu. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng, giao thông còn kém, đời sống sản xuất của đồng bào các dân tộc còn nghèo nên thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là kinh tế rừng, trồng cây dược liệu chưa phát triển.
Bên cạnh đó, các DN, nhà khoa học đã nêu những khó khăn, bất cập trong việc áp dụng cơ chế đặc thù của địa phương về tập trung tích tụ đất đai; tháo gỡ khó khăn về ưu đãi tín dụng trong đầu tư phát triển nông, lâm nghiệp; giảm thiểu thủ tục hành chính, đặc biệt là một số chính sách cần tiếp tục phải sửa đổi…
Tính đến nay, tỉnh Sơn La có hơn 540.200 ha đất có rừng, 13.100 ha cây dược liệu với sản lượng hơn 19.440 tấn. Đặc biệt, các loại cây thuốc quý được trồng dưới tán rừng có chất lượng khá tốt, cho thu nhập kinh tế cao như: ba kích, giảo cổ lam, gừng, hà thủ ô, đương quy, khoai nưa, nghệ vàng, sa nhân tím, sả, sơn tra, thảo quả…
Theo thống kê, mỗi năm nước ta cần tới 60 nghìn tấn cây dược liệu để sản xuất dược phẩm, trong đó nguồn dược liệu trong nước chỉ cung cấp được 30%, còn lại phải nhập khẩu.
Thông qua Hội thảo, các DN và địa phương có nhiều cơ hội hợp tác đầu tư phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững./.