VNHN - Thông tin đối ngoại là nhiệm vụ quan trọng, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên thế giới; đồng thời, giúp đồng bào trong và ngoài nước hiểu biết tình hình thế giới, nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế.
Tổng kết 30 năm đổi mới, trên cơ sở đánh giá sâu sắc những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam, Đại hội XII của Đảng đã nhấn mạnh nhiệm vụ đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Hiện thực hóa mục tiêu trên, bên cạnh các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, Đại hội khẳng định: “thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”(1); “đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền đối ngoại”(2) nhằm phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Ảnh minh họa
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực chuyển biến sâu sắc, có mặt diễn biến phức tạp, toàn cầu hóa, khu vực hóa ngày càng diễn ra mạnh mẽ, hoạt động thông tin đối ngoại có nhiều thuận lợi nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức. Để đẩy mạnh hoạt động thông tin đối ngoại theo tinh thần Đại hội XII, cần tập trung thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với hoạt động thông tin đối ngoại
Xây dựng, củng cố hệ thống các cơ quan, bộ phận chuyên trách hoạt động thông tin đối ngoại; thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và phối hợp giữa các cơ quan chuyên trách về thông tin đối ngoại theo Nghị định số 72/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại.
Xây dựng đầy đủ hệ thống chính sách, văn bản quy phạm pháp luật và kiện toàn tổ chức các văn phòng đại diện thông tấn, báo chí của Việt Nam ở nước ngoài, bảo đảm sự thống nhất; coi trọng tính hiệu quả, sự phối hợp ở các địa bàn trọng điểm, khu vực và quốc gia cần ưu tiên trong hoạt động thông tin đối ngoại.
Chỉ đạo triển khai, đôn đốc thực hiện Nghị định số 72/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại, Quy chế người phát ngôn ở Trung ương và địa phương; các đề án, quy hoạch đã được ban hành, gồm: Quy hoạch phát thanh, truyền hình đối ngoại đến năm 2020 theo Quyết định số 1209/QĐ- TTg ngày 4-9-2012; Đề án cung ứng dịch vụ phát thanh, truyền hình qua mạng Internet phục vụ người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2015-2020 theo Quyết định số 1984/QĐ-TTg ngày 31-12-2014.
Hai là, đổi mới nội dung, hình thức, phương thức và lực lượng thông tin đối ngoại
Nghiên cứu, xem xét việc thành lập một số đơn vị chuyên trách về thông tin đối ngoại; đa dạng các sản phẩm truyền thông quốc tế bằng các thứ tiếng phù hợp, phù hợp với từng địa bàn. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu bằng tiếng Việt và các thứ tiếng nước ngoài, đáp ứng nhu cầu tra cứu, tìm hiểu, nghiên cứu về Việt Nam.
Phát triển và nâng cao chất lượng hệ thống báo điện tử, các kênh truyền hình, phát thanh đối ngoại, báo, tạp chí bằng tiếng nước ngoài. Triển khai thực hiện Đề án quảng bá xuất bản phẩm Việt Nam ra nước ngoài và Đề án Chương trình sách quốc gia giai đoạn 2016-2020 với các xuất bản phẩm phục vụ đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài; xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng ấn phẩm, báo chí đối ngoại bằng tiếng nước ngoài” để tăng cường thông tin phục vụ đồng bào Việt kiều.
Phát huy vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan đại diện thông tấn, báo chí ở nước ngoài trong việc thông tin đối ngoại và quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới; đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, tích cực quảng bá du lịch, tham gia các diễn đàn quốc tế.
Xây dựng đội ngũ cộng tác viên ở nước ngoài, bao gồm các chuyên gia, học giả Việt kiều, người nước ngoài trong các lĩnh vực nhằm tham mưu và tham gia vào các hoạt động thông tin đối ngoại của đất nước.
Ba là, xây dựng và thực hiện hiệu quả cơ chế cung cấp thông tin cho báo chí
Cung cấp thông tin về tình hình Việt Nam, đặc biệt là các vấn đề nóng được dư luận quốc tế quan tâm thông qua các hoạt động thông tin, tuyên truyền thường xuyên, như định kỳ cung cấp bản tin, báo cáo, thông cáo báo chí, cập nhật trên mạng internet, gửi thư điện tử, tổ chức họp báo, tiếp xúc, trả lời phỏng vấn báo chí.
Theo dõi dư luận báo chí nước ngoài về các vấn đề thời sự liên quan đến Việt Nam, chủ động kiến nghị các biện pháp đấu tranh với các thông tin, luận điệu sai trái về tình hình Việt Nam; kịp thời cung cấp thông tin, tài liệu chính thống cho báo chí viết bài đấu tranh, phản bác.
Mở rộng mạng lưới cộng tác viên viết bài trên các báo điện tử nhằm đấu tranh với các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.
Bốn là, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin đối ngoại trong lĩnh vực truyền thông về các vấn đề liên quan đến chủ quyền biển, đảo
Cung cấp những chứng cứ lịch sử, pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa; phổ biến nội dung Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển, Luật Biển Việt Nam, các văn bản pháp lý về biển, đảo, về nghề cá, giao thông hàng hải, bảo vệ môi trường tài nguyên biển; chủ trương, biện pháp xử lý của Đảng và Nhà nước trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông.
Tuyên truyền hoạt động bảo vệ chủ quyền và phát triển kinh tế biển của Việt Nam; giới thiệu danh lam thắng cảnh, du lịch biển; nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển Việt Nam.
Cập nhật diễn biến tình hình Biển Đông; các hoạt động vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông; thông tin về sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với quan điểm, lập trường chính nghĩa, tôn trọng luật pháp quốc tế của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông; ý kiến của các chuyên gia quốc tế bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò”.
Tăng cường sản xuất các ấn phẩm tuyên truyền đối ngoại về vấn đề Biển Đông; ngoài tiếng Anh và tiếng Trung, cần có thêm nhiều ấn phẩm bằng các ngôn ngữ khác, như Nga, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Trong các hoạt động thông tin, tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo, cần thông tin chính xác, có chọn lọc, có kiểm chứng; tránh sai sót về địa danh, khái niệm, quan điểm, thái độ, lập trường; tránh kích động dư luận và hận thù dân tộc; tránh dùng lời lẽ, từ ngữ, tiêu đề mang tính giật gân; trích dẫn trung thực khách quan thông tin, bài viết của báo chí quốc tế; kết hợp hài hòa giữa thông tin về đấu tranh chủ quyền biển, đảo với thông tin về các mặt hợp tác, phát triển kinh tế, nghiên cứu khoa học và bảo vệ môi trường biển.
Năm là, tăng cường dự báo tình hình; chủ động, tích cực tuyên truyền và vận động dư luận, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc hình ảnh Việt Nam trên lĩnh vực quyền con người
Truyền thông về quyền con người cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, có kế hoạch bài bản, tránh tình trạng lúng túng, bị động trước những báo cáo, nhận định chỉ trích Việt Nam.
Chủ đề về quyền con người có phạm vi rộng. Thể loại bài tuyên truyền nên phong phú, đa dạng, không nên chỉ tập trung vào một vài thể loại như bình luận và bút chiến. Bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cộng tác viên viết bài sắc sảo để phản bác có hiệu quả các luận điệu xuyên tạc, vu cáo về tình hình nhân quyền ở Việt Nam của các thế lực thù địch.
Nội dung thông tin về quyền con người cần được mở rộng, có thể tập trung vào những chủ đề quan trọng: phổ biến, giới thiệu, giải thích các văn bản luật quốc tế và các văn bản luật Việt Nam về quyền con người; giới thiệu những kinh nghiệm hay của các nước trên thế giới trong quá trình thúc đẩy và bảo đảm các quyền con người; thông tin, phản ánh các cam kết quốc tế và nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người; phản ánh, giới thiệu những nỗ lực của Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế, nghĩa vụ quốc tế về quyền con người...
Giới thiệu về kết quả thực hiện các quyền con người ở Việt Nam so với các tiêu chuẩn chung mà Việt Nam đã cam kết, so với các nước để làm rõ những thành tựu.
Sáu là, đẩy mạnh hoạt động thông tin phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài
Xây dựng chính sách hỗ trợ, giúp đỡ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài lập kênh phát thanh, truyền hình tiếng Việt tại nước sở tại, đặc biệt là tại các địa bàn tập trung đông người Việt Nam sinh sống như Mỹ, Lào, Campuchia...; hỗ trợ cung cấp nội dung thông tin và hợp tác sản xuất chương trình với các báo, đài của người Việt Nam ở nước ngoài; tổ chức tập huấn và trao đổi nghiệp vụ báo chí với các phóng viên, biên tập viên là người Việt.
Chủ động mời, tạo điều kiện thuận lợi cho phóng viên Kiều bào về nước tìm hiểu về tình hình Việt Nam với những thành tựu trong công cuộc đổi mới, đưa các đoàn phóng viên tới các địa điểm di tích, danh lam thắng cảnh, ra Trường Sa để hiểu thêm văn hóa, lịch sử và chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Sử dụng hiệu quả một phần kinh phí trong Quỹ hỗ trợ, vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (Quyết định số 990/QĐ-TTg ngày 30-10-2002 của Thủ tướng Chính phủ) để thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ cho báo chí của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin về tình hình cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với Bộ Ngoại giao (đặc biệt là Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành, địa phương theo định hướng của Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tới năm 2020” (Quyết định số 227/QĐ-TTg ngày 8-2-2014 của Thủ tướng Chính phủ) và Chương trình hành động của Chính phủ về thông tin đối ngoại giai đoạn 2013-2020 (Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 28-2-2013 của Thủ tướng Chính phủ).
Bảy là, tranh thủ sự ủng hộ của phóng viên, chính giới, giới học giả và văn nghệ sỹ nước ngoài để thông tin và quảng bá về Việt Nam
Chủ động mời phóng viên nước ngoài vào Việt Nam làm phóng sự, viết bài về Việt Nam theo chủ đề có lợi cho đất nước; phối hợp ra phụ trương về Việt Nam trên các báo nước ngoài; tổ chức cho phóng viên nước ngoài thường trú tại Việt Nam đi thăm các địa phương... theo tinh thần Nghị định số 88/2012/NĐ-CP, ngày 23-10-2012 của Chính phủ quy định về hoạt động thông tin, báo chí của báo chí nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam.
Thường xuyên theo dõi dư luận báo chí nước ngoài về Việt Nam để đánh giá thái độ và mối quan tâm của từng phóng viên hay rộng hơn là của hãng báo chí nước ngoài, từ đó có các biện pháp đấu tranh thích hợp.
Phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành và địa phương trong việc quản lý và tranh thủ phóng viên nước ngoài, như đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực, cấp phép, thu xếp hoạt động; lãnh đạo tăng cường tiếp xúc với báo chí nước ngoài và gửi bài đăng trên báo chí, truyền thông quốc tế.
Duy trì tiếp xúc và thường xuyên cung cấp thông tin về Việt Nam cho chính giới và giới học giả nước ngoài. Nghiên cứu áp dụng các hình thức tranh thủ văn nghệ sỹ để đưa hình ảnh Việt Nam đến với công chúng nước ngoài.
Tám là, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực thông tin đối ngoại
Cần tiến hành nghiên cứu, khảo sát và đánh giá hiện trạng đội ngũ cán bộ chuyên trách thông tin đối ngoại tại các cơ quan, tổ chức của Việt Nam cả ở trong nước và nước ngoài, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch đội ngũ cán bộ thông tin đối ngoại.
Xây dựng các tiêu chuẩn, yêu cầu về trình độ chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ ngoại ngữ và năng lực, kỹ năng chuyên môn của đội ngũ cán bộ thông tin đối ngoại. Người làm thông tin đối ngoại phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, phải thạo về nghiệp vụ, giỏi ngoại ngữ, nắm vững các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, hiểu biết khá toàn diện về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, tuyệt đối trung thành với Đảng, chủ động phản bác, đấu tranh với các âm mưu của các thế lực thù địch.
Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; trao đổi kinh nghiệm với các nước về quản lý nhà nước trên lĩnh vực báo chí, xuất bản phục vụ hoạt động thông tin đối ngoại. Xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo cử nhân, sau đại học chuyên ngành thông tin đối ngoại; tập huấn ngắn hạn, hội thảo, biên soạn tài liệu... nhằm bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực này.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, khen thưởng, động viên kịp thời trongcác hoạt động thông tin đối ngoại. Nghiên cứu đề xuất Chính phủ tăng mức phạt hành chính trong lĩnh vực này để đảm bảo tính răn đe, hiệu quả trong quản lý.
Chín là, tăng cường đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho các cơ quan phục vụ thông tin đối ngoại
Đầu tư ngân sách thỏa đáng, có trọng tâm, trọng điểm nhằm hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật cho các cơ quan chuyên trách thông tin đối ngoại, phục vụ các chương trình, hoạt động cả ở trong nước và ngoài nước.
Xây dựng chính sách xã hội hóa hoạt động thông tin đối ngoại trên cơ sở quy định rõ về trách nhiệm, quyền lợi của các chủ thể (trong và ngoài nước) tham gia. Xây dựng cơ chế, chính sách để từng bước chuyển từ việc giao cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ phát thanh truyền hình đối ngoại sang hình thức đặt hàng dịch vụ công của Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chi tiêu ngân sách cho phát thanh, truyền hình đối ngoại.
Xây dựng đơn giá sản xuất các chương trình truyền hình, các sản phẩm thông tin và truyền thông đối ngoại phù hợp với thực tiễn; hỗ trợ cước phí đối với việc đưa các sản phẩm thông tin đối ngoại ra nước ngoài. Xây dựng cơ chế, chính sách về tài chính để mời phóng viên báo chí, cơ quan thông tấn nước ngoàivào Việt Nam để viết bài, làm các chương trình để tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra nước ngoài.Hiện nay, vấn đề quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, sức mạnh mềm của quốc gia là thước đo quan trọng trong việc khẳng định vị trí của quốc gia đó trong cộng đồng quốc tế; thông tin đối ngoại trở thành một phương thức nhằm thực thi “sức mạnh mềm”. Trong bối cảnh đó, thông tin đối ngoại của Việt Namphải đối diện với những vấn đề hết sức phức tạp, khó khăn, cần tập trung tăng cường hơn nữa mới có thể đáp ứng được những biến đổi nhanh chóng, đa dạng của tình hình khu vực và thế giới, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển và hội nhập của đất nước theo tinh thần Đại hội XII của Đảng.
---------------------
(1), (2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.153, 156.