30/11/2024 lúc 04:40 (GMT+7)
Breaking News

Thời cơ và thách thức của doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

VNHN - Thế giới đang ở giai đoạn khởi phát của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo ra cấu trúc và sự vận hành mới cho nền kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ cao, mạng lưới Internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, robot thông minh, công nghệ blockchain, điện toán đám mây...

VNHN - Thế giới đang ở giai đoạn khởi phát của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo ra cấu trúc và sự vận hành mới cho nền kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ cao, mạng lưới Internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, robot thông minh, công nghệ blockchain, điện toán đám mây...

Ảnh minh họa 

Trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thì việc chủ động chuẩn bị những nền tảng cần thiết để tiếp cận thành tựu công nghệ mới từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam nói chung tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu, là thời cơ để nước ta đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của đất nước.

CMCN 4.0 chắc chắn sẽ tạo ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh chuỗi sản phẩm, tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn và đầy tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ số, Internet, công nghệ sinh học. Đây là những thuận lợi căn bản và là thời cơ cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng phải thấy, nền kinh tế Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam không bắt kịp nhịp độ phát triển kinh tế thế giới và khu vực thì chắc chắn sẽ phải đối mặt với những tác động tiêu cực như: sự lạc hậu về công nghệ, sự suy giảm giá trị sản xuất kinh doanh, tình trạng dư thừa lao động phổ thông, lao động thiếu kĩ năng, trình độ thấp, lao động không được đào tạo, đào tạo lại.

Thị trường lao động truyền thống có thể bị phá vỡ, những sản phẩm có hàm lượng công nghệ thấp hoặc ít sẽ bị đào thải và cơ cấu của nền kinh tế có nguy cơ thay đổi theo hướng tiêu cực.Điều khó tránh khỏi và đáng lo ngại là làn sóng đẩy công nghệ lạc hậu từ các nước phát triển sang Việt Nam.

Có thể nhận thấy: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên qui mô toàn cầu và tác động trực tiếp tới nền kinh tế Việt Nam; trong đó các doanh nghiệp là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp. Doanh nghiệp sẽ tăng trưởng nhanh nếu cập nhật kịp thời xu hướng công nghệ. Ngược lại, nếu “lạc nhịp” về công nghệ, doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp qui mô, thậm chí sẽ bị đào thải khỏi thị trường.

Theo đánh giá ban đầu, các ngành du lịch, thương mại nội địa, công nghệ thông tin, giáo dục, y tế, xây dựng được hưởng lợi từ nền tảng kết nối dữ liệu, số hóa. Trong khi đó, một số ngành như năng lượng, điện, điện tử, công nghiệp chế tạo, dệt may lại phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến chi phí điều chỉnh trong ngắn hạn và trung hạn. Tất nhiên, không phải tất cả các doanh nghiệp trong ngành hàng sẽ cùng tăng trưởng hay cùng gặp khó khăn.

Doanh nghiệp sẽ tăng trưởng nhanh nếu nắm bắt được cơ hội, cập nhật kịp thời xu hướng công nghệ và tạo ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Ngược lại, nếu không nắm bắt và theo kịp công nghệ mới, doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp qui mô kinh doanh, thu hẹp thị trường, thậm chí sẽ bị đào thải khỏi thị trường.

Cập nhật xu hướng công nghệ mới, thay đổi phương thức quản trị doanh nghiệp là vấn đề mấu chốt quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp Việt Nam trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Công nghệ đang làm thay đổi ở nhiều lĩnh vực; trong đó thương mại điện tử đang thay đổi hành vi và thói quen của người dùng.

Đáng lo ngại là, ở Việt Nam cho đến nay nhiều doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang loay hoay với các thiết bị, máy móc có công nghệ đã lạc hậu từ 2 -3 thế hệ. Theo thống kê, hiện có tới 24% doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ ở mức trung bình và chỉ có 1% doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến.

Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ và không thể nằm ngoài xu hướng phát triển chung của thế giới. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam tất yếu phải thay đổi để thích nghi và phát triển.

Trước hết, Về kinh tế vĩ mô, đây là cơ hội và thời cơ để Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, tăng năng suất lao động xã hội và nâng cao hiệu quả tăng trưởng của nền kinh tế.

Đây cũng là cơ hội thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, trong đó tái cơ cấu ngành, vùng, lãnh thổ theo hướng giảm thâm dụng lao động phổ thông, tăng thâm dụng công nghệ và thâm dụng lao động có chất lượng, có kĩ năng chuyên môn cao.

Trong thu hút đầu tư, cần có cơ chế ràng buộc các doanh nghiệp FDI và khuyến khích doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng nội địa

Thứ hai, Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hướng tới tất cả ứng dụng công nghệ mà thời đại 4.0 đang phát triển, không chỉ là công nghệ số, kĩ thuật dữ liệu hay kĩ thuật vật lí, mà cả công nghệ sinh học và các công nghệ mới khác.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và chế biến thực phẩm thì công nghệ sinh học rất quan trọng, có thể ứng dụng trong suốt chuỗi giá trị từ khi sản xuất nguyên liệu, thu hoạch trường trong việc thu hút người tiêu dùng, chế biến, bảo quản, phân phối…

Nếu biết kết hợp nhiều công nghệ mới để tạo ra những sản phẩm khác biệt, có giá trị độc đáo thì doanh nghiệp mới cạnh tranh được trên thị trường.

Thứ ba, tốc độ phát triển công nghệ kĩ thuật hay công nghệ thông tin đưa vào quản lí sản xuất, kinh doanh đều rất nhanh, nếu không sớm thích nghi, doanh nghiệp sẽ không thể phát triển.

Các doanh nhân cần tập trung mọi nỗ lực tạo nên những chuyển biến tích cực trong doanh nghiệp thông qua việc đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong môi trường 4.0, công nghệ, cần phải thay đổi căn bản trên cơ sở lấy sản phẩm làm trung tâm và sự ứng dụng công nghệ trong dây chuyền sản xuất. Đối với khoa học- công nghệ, người lãnh đạo, cán bộ quản lí cần:

- Đầu tư, tạo điều kiện cho những nhà khoa học, kĩ sư sáng chế, biến ý tưởng triển vọng thành sản phẩm 4.0 thực tế; Đầu tư đặc biệt cho những ý tưởng mang tính đột phá. Áp dụng thực sự các kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất kinh doanh và quản trị kinh doanh.

- Quan tâm và lấy tính sáng tạo của sản phẩm khoa học, công nghệ làm tiêu chí cao nhất để đánh giá chất lượng sản phẩm, cũng như đánh giá hiệu quả công việc và xác định mức thu nhập của các nhà khoa học, các kĩ sư sáng chế.

Thứ tư, không chỉ chú trọng đầu tư công nghệ sản xuất, các doanh nghiệp cần phải thay đổi công nghệ quản trị. Với hệ thống quản trị doanh nghiệp mới, lãnh đạo doanh nghiệp có thể theo dõi, nắm bắt hàng ngày, hàng giờ tình hình sản xuất từ khâu mua, đưa nguyên liệu, vật liệu vào sản xuất đến khi đưa sản phẩm ra thị trường, tình hình thị trường và những biến động của giá cả để có thể có biện pháp giải quyết nhanh khắc phục những tình huống và sự cố bất lợi. Đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lí kinh tế; Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lí kinh doanh.

Thứ năm, chú trọng và tăng cường quản lí an ninh mạng. Các doanh nghiệp, đặc biêt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, lĩnh vực tài chính, ngân hàng cần quan tâm đến việc xây dựng trung tâm Dự phòng dữ liệu (Disaster Recovery); Nâng cấp hệ thống an ninh, bảo mật ở mức cao, đảm bảo việc mở rộng phạm vi hoạt động (nếu có) được ổn định, an toàn, mang lại hiệu quả lâu dài.

Thứ sáu, Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, trong đó chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao; tăng khả năng ứng dụng công nghệ thông tin.

Thời đại 4.0 đòi hỏi người lãnh đạo, quản lí kinh tế, các doanh nhân phải là những chuyên gia, vững về kiến thức chuyên môn có năng lực tư duy và sáng tạo, đổi mới, có kĩ năng phân tích và tổng hợp thông tin, có khả năng làm việc độc lập và ra quyết định dựa trên cơ sở phân tích các chứng cứ và dữ liệu.

Các doanh nhân phải giải quyết bài toán về nguồn nhân lực, về huy động nguồn tài chính, về sử dụng nguồn vốn và chi phí có hiệu quả, cải thiện mô hình doanh nghiệp (DN)… nhưng không phải bằng cách đã làm trước đây mà phải bằng tư duy mới công nghệ mới trong chuỗi giá trị mới.

Trước làn sóng của cuộc CMCN 4.0, các doanh nhân, người lãnh đạo, cán bộ quản lí kinh doanh có sứ mệnh trở thành động cơ đổi mới mô hình của doanh nghiệp mà các doanh nhân đang vận hành nhằm đáp ứng những thay đổi của cuộc CMCN 4.0.

Các doanh nhân cần phải được đào tạo lại, cần thay đổi bản thân và doanh nghiệp của mình thành nơi sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao, nhiều hàm lượng trí tuệ, hàm lượng công nghệ nhằm đáp ứng với thời đại mới.

Đào tạo, bồi dưỡng các doanh nhân theo các chuyên đề người lãnh đạo 4.0; Kết hợp học tập công nghệ 4.0 với chia sẻ kinh nghiệm giữa đồng nghiệp qua giao lưu, kiểm tra chéo, tham quan doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Duy trì và đẩy mạnh hoạt động của Câu lạc bộ Các nhà công thương Việt Nam để tạo môi trường sinh hoạt nghiệp vụ quản lí, tạo diễn đàn giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm, kết nối thông tin…

Việc đào tạo, quan tâm tới chất lượng nguồn nhân lực công nghệ cao được thực hiện trên toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp. Nâng cao tính chuyên nghiệp, khả năng làm chủ các hệ thống công nghệ hiện đại của đội ngũ nhân lực.

Thứ bảy, Về phía Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị số 16/CT-Ttg ngày 4-5-2017 về tăng cường năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó yêu cầu các cấp các ngành tập trung thúc đẩy phát triển, tạo sự bứt phá thực sự về hạ tầng, ứng dụng và nhân lực công nghệ thông tin-truyền thông, phát triển hạ tầng kết nối số và đảm bảo an toàn, an ninh mạng, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng, bình đẳng trong tiếp cận cơ hội phát triển nội dung số.

Để thực hiện chỉ thị trên, Nhà nước cần hỗ trợ các hoạt động nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy thiết lập các cụm liên kết ngành, đào tạo liên ngành.

Ngân sách đầu tư công cần ưu tiên cho phát triển kết cấu hạ tầng gắn với việc cải thiện khả năng kết nối thông tin (mở rộng độ bao phủ, tăng tốc độ truy cập và hạ giá sử dụng Internet), phát triển thị trường vốn dài hạn cũng như thúc đẩy sự phát triển của các quỹ đầu tư mạo hiểm gắn với phát triển công nghệ và sáng tạo.

Tóm lại: Trong giai đoạn hiện nay, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đã và đang diễn ra trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực ngày càng sâu và rộng, trong giai đoạn khởi phát của cách mạng công nghiệp 4.0, cần có sự nhận thức đầy đủ và có những biện pháp chủ động để các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, tranh thủ các lợi ích và hạn chế những tác động bất lợi từ cách mạng công nghiệp 4.0. Sự thành công của doanh nghiệp phụ thuộc vào ý thức, vào trách nhiệm và trí tuệ để đón bắt thời cơ, chủ động vượt qua thách thức

 PGS. TS Đặng Văn Thanh

 Chủ tịch Câu lạc bộ Các nhà công thương Việt Nam