VNHN- EVFTA có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Việt Nam, là thời cơ lớn cho Việt Nam có đủ điều kiện hội nhập sâu hơn để tham gia vào thị trường khu vực, toàn cầu.
Đó là nhấn mạnh của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị Phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ tuần qua.
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã có nhiều phân tích, bình luận chuyên sâu về sự kiện Hội đồng châu Âu (EC) thông qua quyết định ký Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam.
EVFTA: Thời cơ lớn để hội nhập sâu vào dòng chảy thị trường toàn cầu.
Ổn định kinh tế vĩ mô rất quan trọng để đàm phán, thực thi cam kết quốc tế
Trước hết, theo TS. Nguyễn Đình Cung, khả năng chống chịu của nền kinh tế là một điểm rất quan trọng khi đánh giá mức độ sẵn sàng trong thực hiện các FTA (Hiệp định thương mại tự do), bởi nó thể hiện khả năng ứng phó với những biến động và cú sốc từ bên ngoài. Điều này không chỉ đòi hỏi môi trường xã hội chính trị mà còn cả chính sách kinh tế vĩ mô ổn định.
TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng có hai câu hỏi được đặt ra. Thứ nhất là thể chế chính trị, xã hội trong thời gian qua được cải thiện như thế nào, có đảm bảo sự ổn định trong tương lai trước những biến động cả về cơ cấu nội bộ cũng như khả năng du nhập các cú sốc do độ mở của nền kinh tế được nới rộng.
Hai là việc ổn định kinh tế vĩ mô có thực sự là bền vững tạo tiền đề cho các doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung tăng trưởng và phát triển hay không, những bất ổn nếu có là gì và Việt Nam cần cải thiện gì.
Về sự đồng thuận của cộng đồng, Việt Nam đã liên tục tham gia đàm phán các hiệp định FTA song phương và đa phương trong những năm gần đây mà không gặp phản đối nào từ trong nước. Việt Nam đạt được sự đồng thuận rộng rãi của cộng đồng rằng hội nhập quốc tế, đặc biệt tham gia FTA với các nước phát triển, sẽ thúc đẩy cải cách thể chế trong nước, từ đó giúp nền kinh tế phát triển.
Đại đa số người dân cũng trông đợi vào các cơ hội kinh tế do FTA mang lại, đặc biệt là việc làm và thu nhập. Thực tế phát triển kinh tế sau khi tham gia BTA với Mỹ và vào WTO cũng giúp củng cố kỳ vọng của người dân vào các FTA lớn như TPP và EVFTA.
Bên cạnh đó, ổn định kinh tế vĩ mô trong một vài năm gần đây là lợi thế lớn của Việt Nam khi tham gia vào EVFTA. Đây không chỉ là điều kiện để thúc đẩy lợi ích của FTA mà còn là nền tảng để ứng phó với các cú sốc từ bên ngoài. Thêm vào đó, ở một chừng mực nhất định, ổn định kinh tế vĩ mô phản ánh khả năng phục hồi của nền kinh tế trước những tác động bất lợi của FTA.
Do đó, không ngạc nhiên khi Chính phủ Việt Nam thường nhấn mạnh ổn định kinh tế vĩ mô là một yếu tố quan trọng để đàm phán và thực thi các cam kết quốc tế. Ổn định kinh tế vĩ mô sẽ đảm bảo môi trường thuận lợi cho các hoạt động đầu tư và kinh doanh, từ đó đóng góp đáng kể vào tăng trưởng dài hạn. Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong một khoảng thời gian tương đối dài được xem là thành tựu lớn nhất của Chính phủ, đóng góp đáng kể vào ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Doanh nghiệp cần tín hiệu từ phía Chính phủ
TS. Nguyễn Đình Cung cho biết ông và các cộng sự đã có những điều tra và phát hiện quan trọng về sự sẵn sàng của doanh nghiệp cho EVFTA.
Nhiều doanh nghiệp biết đến EVFTA, tuy nhiên hầu hết đều không biết cụ thể về Hiệp định. Theo ông Cung, thực tế này một phần do tính chất bảo mật trong quá trình đàm phàn EVFTA. Tuy nhiên, mặt khác, doanh nghiệp cũng không chủ động tìm hiểu và chuẩn bị cho Hiệp định quan trọng này.
Doanh nghiệp Việt Nam cho rằng cản trở lớn nhất khi tiếp cận thị trường EU đó là tiêu chuẩn cao về chất lượng sản phẩm, đóng gói, mẫu mã, hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh dịch tễ, thông tin về thị trường và thị hiếu của khách hàng EU. Tuy nhiên những nội dung này lại nằm ngoài cam kết trong EVFTA.
So với các đối thủ cạnh tranh đến từ EU, doanh nghiệp trong nước thừa nhận họ gặp nhiều hạn chế và khả năng cạnh tranh yếu hơn về vốn, tiếp thị, khả năng xây dựng các liên kết, hợp tác, liên doanh liên kết với các đối tác khác.
TS. Nguyễn Đình Cung tiết lộ hai khía cạnh doanh nghiệp Việt Nam tự tin nhất trước các đối thủ cạnh tranh của EU trên thị trường trong nước là hiểu biết về thị trường nội địa và giá cả.
Mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp khi EVFTA có hiệu lực có thể thể hiện qua nhiều yếu tố trong đó có ba yếu tố quan trọng đó là: Hiểu biết của doanh nghiệp về các đối tác từ EU; Nhận thức của doanh nghiệp về những tác động tiềm năng của EVFTA và kế hoạch ứng phó của doanh nghiệp trước những tác động đó.
Những doanh nghiệp tham gia điều tra cũng nêu lên những khó khăn khi kinh doanh với đối tác EU, trong đó chất lượng sản phẩm là khó khăn nhất.
Bên cạnh đó, kỳ vọng của doanh nghiệp với tác động của EVFTA là không rõ ràng. Các doanh nghiệp được điều tra cho rằng EVFTA có thể mang lại những tác động tích cực. Tuy nhiên, tác động được kỳ vọng không phải là cắt giảm thuế quan mà liên quan tới thể chế, ví dụ quy định về cạnh tranh, cải cách doanh nghiệp nhà nước, phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ, môi trường và phát triển bền vững.
Điều đáng chú ý nhất là có một tỷ lệ khá cao doanh nghiệp cho rằng cải cách thể chế, luật pháp, chính sách khó thực chất, phần nhiều chỉ trên giấy tờ. Ông Cung lo lắng kỳ vọng thấp về cải cách trong tương lai sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới hành vi đầu tư của doanh nghiệp.
Mặt khác, phần đông doanh nghiệp không chuẩn bị gì để tận dụng cơ hội và hạn chế tác động bất lợi. Một số doanh nghiệp có chuẩn bị nhưng chỉ ở mức cơ bản, tập trung vào những hoạt động dễ thực hiện hoặc ít tốn kém.
Nguyên nhân của tình trạng này bao gồm cả lý do chủ quan (thiếu nguồn lực) và khách quan (thiếu thông tin và hướng dẫn).
Nhiều doanh nghiệp hy vọng sẽ nhận được hỗ trợ từ Chính phủ khi thực hiện EVFTA. Đáng lưu ý là doanh nghiệp không mong muốn được Chính phủ bảo hộ hoặc trợ cấp. Thay vào đó, muốn được hỗ trợ thông tin nhiều hơn và hướng dẫn để giúp họ nâng cao khả năng cạnh tranh khi cạnh tranh trên trường quốc tế. Tuy nhiên, ông Cung đánh giá, điều quan trọng là doanh nghiệp thiếu niềm tin vào cải cách thực tế. Doanh nghiệp cần tín hiệu từ phía Chính phủ về những nỗ lực thực sự, điều chỉnh hiệu quả và cải thiện thể chế.
Theo TS. Cung, các hình thức hỗ trợ của Chính phủ mà doanh nghiệp cần đó là có một đầu mối cung cấp tất cả các thông tin về EVFTA mà doanh nghiệp cần. Có một cơ quan chịu trách nhiệm hướng dẫn, giải thích, tư vấn về EVFTA. Có các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp để tận dụng tốt nhất các cơ hội từ EVFTA và vượt qua khó khăn từ EVFTA.
Lợi ích từ FTA là có điều kiện
TS. Nguyễn Đình Cung khẳng định tự do hóa thuế quan mang lại cơ hội tăng trưởng lớn cho một số ngành, đồng thời cũng đòi hỏi sự di chuyển của lao động và vốn giữa các ngành, do năng suất của Việt Nam không thể tăng nhanh trong ngắn hạn.
Tăng trưởng xuất khẩu sang EU tăng sẽ phải đi kèm nhập khẩu cao hơn do những vấn đề về các nhà cung cấp và ngành công nghiệp phụ trợ.
Ngoài ra, tác động tới tăng trưởng xuất khẩu có thể sẽ sớm mất đi khi EU ký FTA với các đối tác khác. Trong bối cảnh đó, nhu cầu cải cách thể chế nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế là quan trọng để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng dài hạn.
Theo TS. Cung, ngoài tác động trực tiếp do nội luật hóa các cam kết quốc tế của EVFTA, nhiều vấn đề vẫn còn tồn tại trong các tác động gián tiếp, do vậy Việt Nam cần cải thiện các thể chế và chính sách nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp dành được nhiều lợi ích và loại bỏ tác động tiêu cực từ Hiệp định này.
Các vấn đề chính liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh, cải cách doanh nghiệp nhà nước - là những điểm cốt lõi đối với Việt Nam hiện nay không chỉ để thu được lợi ích từ FTA mà còn nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế dài hạn.
Các giải pháp nhằm cải thiện chính sách và thể chế đầu tư
TS. Nguyễn Đình Cung phân tích, để đảm bảo thực hiện EVFTA trong lĩnh vực đầu tư, cần thực hiện nhiều giải pháp.
Đó là xây dựng cơ chế để triển khai thống nhất, đồng bộ và hiệu quả cam kết của EVFTA, bao gồm nội luật hóa, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực thi cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ...
Tiếp đó, rà soát, công bố và kiểm soát chặt chẽ các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư, đẩy mạnh công tác phổ biến, hướng dẫn và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước để bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán các quy định của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp về đầu tư kinh doanh.
Xây dựng kế hoạch thu hút đầu tư và văn bản hướng dẫn để thực thi có hiệu quả chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng, tập trung vào các ngành sử dụng công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại, dự án sản xuất có quy mô lớn, dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng nhiều lao động, dự án sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, dự án thực hiện trong các lĩnh vực xã hội hóa đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.
Chúng ta cũng không thể thiếu xây dựng chính sách hỗ trợ (như Luật hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ; kế hoạch, chương trình phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ ...) nhằm khuyến khích sự phát triển của loại hình doanh nghiệp này và các doanh nghiệp dễ bị tổn thương trong quá trình hội nhập, hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập và phát triển thị trường thông qua các kênh hợp tác kinh tế, xúc tiến thương mại và đầu tư, bao gồm hỗ trợ giải quyết vướng mắc, khó khăn phát sinh tại các thị trường xuất khẩu...
TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng việc hoàn thiện các quy định của pháp luật nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo hướng xóa bỏ và thu hẹp các ưu đãi, hỗ trợ dành riêng cho doanh nghiệp nhà nước. Đẩy mạnh cổ phẩn hóa, hoàn thiện mô hình đại diện chủ sở hữu và cơ chế giám sát, công bố thông tin đối với doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường và cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác.
Thêm vào đó, cần nghiên cứu hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư theo hướng công khai, minh bạch thủ tục tranh chấp và tạo cơ chế công nhận và bảo đảm thực thi phán quyết của tòa án, trọng tài nước ngoài, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Để khai thác tối đa tiềm năng thu hút FDI của EVFTA, Việt Nam cần nhanh chóng xem xét và đơn giản hóa các quy định hiện hành về đầu tư và kinh doanh. Các thủ tục hành chính phức tạp, không cần thiết và chưa rõ ràng đã làm nản lòng nhiều doanh nghiệp đến tìm cơ hội đầu tư. Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng điều này đòi hỏi một ý chí chính trị lớn và nhiều nguồn lực nhằm tạo ra những thay đổi cơ bản và thực tiễn trong thời gian tới để tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế và thu hút thêm FDI.
“Chính phủ cũng nên tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ tư pháp liên quan đến giải quyết tranh chấp hợp đồng và thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ giải quyết tranh chấp ngoài tòa án để các nhà đầu tư có thể tin tưởng hơn vào môi trường đầu tư của Việt Nam”, TS. Nguyễn Đình Cung nói.