VNHN - Thiệu Hóa là huyện đồng bằng vùng châu thổ sông Mã, sông Chu của tỉnh Thanh Hóa. Địa hình tương đối bằng phẳng, hệ thống giao thông thuận lợi cả đường thủy (sông Chu, sông Mã) và đường bộ (Quốc lộ 45, các tuyến đường tỉnh, đường huyện) là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, khang trang.
Là miền đất non nước hữu tình gắn với địa danh núi Đọ, nơi ghi dấu tích của người Việt cổ cách đây khoảng 40 vạn năm; một vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi sản sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt, các bậc khai quốc công thần, danh nhân văn hóa của dân tộc, tiêu biểu như: Dương Đình nghệ, Đinh Lễ, Lê Văn Hưu, Nguyễn Quán Nho, Trần Lựu. Nhiều địa danh như: Thiệu Toán, Thiệu Minh, Thiệu Ngọc, Thiệu Vũ, Thiệu Tiến với nhiều lão thành cách mạng, là những cán bộ tiền khởi nghĩa. Nơi có Chi bộ Phúc Lộc là 1 trong 3 Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa, đã ghi dấu nhiều chiến công oanh liệt trong lịch sử đấu tranh cách mạng của tỉnh nói chung, huyện Thiệu Hóa nói riêng.
Trên địa bàn huyện có nhiều làng nghề truyền thống như nghề đúc đồng (làng Chè Đông), nghề ươm tơ dệt nhiễu (làng Hồng Đô); những điệu chèo cổ, những câu hát Chèo Chải hê (xã Thiệu Nguyên) hay điệu múa đèn xếp chữ (xã Thiệu Quang) đã có từ lâu đời, là di sản văn hóa giàu giá trị, được kết tinh từ sức lao động, tình yêu quê hương đất nước góp phần làm phong phú, giàu có hơn đời sống tinh thần của nhân dân trên địa bàn huyện; đồng thời, tạo nên những nét văn hóa rất riêng cho vùng đất Thiệu Hóa.
Mặc dù có truyền thống văn hóa lâu đời và lợi thế về giao thông, song với số dân đông, kinh tế chủ yếu là thuần nông, diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người thấp, hiệu quả sản xuất phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, sản xuất nông nghiệp phân tán, nhỏ lẻ ở quy mô hộ gia đình là những khó khăn cho quá trình xây dựng NTM.
Năm 2011, khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Thiệu Hóa mới đạt bình quân 5,7 tiêu chí/xã; phần lớn các tiêu chí chưa đạt là các tiêu chí thuộc nhóm hạ tầng kinh tế - xã hội, cần nhiều vốn. Với xuất phát điểm thấp, ngành nghề chưa thực sự phát triển; tỉ lệ hộ nghèo cao (22,84%), lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp nhiều, thu nhập bình quân khu vực nông thôn thấp (13,4 triệu đồng/người/năm); cơ sở vật chất, giáo dục cơ bản chưa đạt chuẩn, nhà văn hóa, khu thể thao còn thiếu, công sở làm việc chưa đáp ứng nhu cầu; hệ thống giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng phục vụ cho sản xuất và đi lại chưa đáp ứng yêu cầu.
Để quá trình xây dựng NTM trở nên hiệu quả, trong hơn 10 năm, huyện đã ban hành 32 Nghị quyết về kích cầu hỗ trợ xây dựng NTM, là một trong những huyện có nhiều chính sách kích cầu NTM nhất được tỉnh đánh giá cao như: Thưởng 01 tỉ đồng cho các xã điểm của huyện khi hoàn thành xã NTM trong giai đoạn 2011 - 2014, 500 triệu đồng cho các xã hoàn thành trong giai đoạn 2015 - 2020; hỗ trợ kích cầu 200 triệu đồng/trường đạt chuẩn Quốc gia; 100 triệu đồng/nhà văn hóa thôn, tiểu khu xây dựng mới; 150 triệu đồng/1km kiên cố hóa đường giao thông, kênh mương nội đồng; hỗ trợ 600 triệu đồng mua xi măng cho xã xây dựng NTM nâng cao; 60 triệu đồng mua xi măng và 100 triệu đồng/thôn NTM kiểu mẫu; 100 triệu đồng/sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 200 triệu đồng/sản phẩm OCOP đạt 4 sao; 40 triệu đồng/xã cho các xã thực hiện chuyển đổi, tích tụ ruộng đất theo nhóm hộ theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/HU ngày 30/8/2016 của BCH Huyện ủy về tục vận động nhân dân chuyển đổi ruộng đất và chuyển đổi theo nhóm hộ, để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ngoài ra còn có các cơ chế hỗ trợ kích cầu phát triển sản xuất như hỗ trợ mua máy cấy, máy gặt đập liên hợp, hỗ trợ sản xuất vùng rau an toàn, xây dựng nhà màng, nhà lưới, hỗ trợ tích tụ tập trung đất đai quy mô lớn sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tổng số tiền hỗ trợ theo cơ chế chính sách giai đoạn (2011 - 2021) trên địa bàn huyện đạt hơn 100 tỉ đồng, góp phần quan trọng vào xây dựng NTM và phát triển kinh tế - xã hội. Những chính sách hỗ trợ của huyện đã trở thành động lực thu hút đầu tư và huy động nguồn lực đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp, tạo khí thế thi đua sôi nổi, thúc đẩy phong trào phát triển sản xuất và xây dựng NTM trong toàn huyện.
Tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm giai đoạn 2012 - 2021 đạt gần 13%, trong đó tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021 đạt 14,32%, đến hết năm 2021 ước đạt 13,2%, cao hơn 0,72% so với giai đoạn 2005 - 2010. Cơ cấu các ngành kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỉ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản giảm từ 41,4% năm 2011 còn 23,5% năm 2020; ngành công nghiệp, xây dựng tăng từ 34,3% lên 44,2%; ngành dịch vụ tăng từ 24,3% lên 32,3%. Năm 2020, giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất trồng trọt và mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt 130 triệu đồng, tăng 1,54 lần so với năm 2011; tổng giá trị sản xuất đến 31/12/2021 ước đạt 11.494 tỉ đồng. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện tính đến 30/6/2021 đạt 46,5 triệu đồng, gấp 3,47 lần năm 2011.
Từ hiệu quả phát triển kinh tế, số hộ nghèo cũng giảm nhanh. Tổng số hộ nghèo toàn huyện là 566/45.718 hộ bằng 1,24%, giảm 21,6% so với năm 2011, trong đó có 246 hộ nghèo bảo trợ xã hội, số hộ nghèo không thuộc bảo trợ xã hội là 320 hộ, tỉ lệ hộ nghèo NTM toàn huyện (không tính hộ nghèo bảo trợ xã hội) đến nay là 0,7%. Tỉ lệ hộ nghèo ở các xã về đích NTM là 1,25%, tỉ lệ hộ nghèo NTM (không tính 219 hộ nghèo bảo trợ xã hội) đến nay là 0,72%. Năm 2021, huyện tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo trong nhân dân, ước tính đến 31/12/2021 tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 0,86%. Tỉ lệ hộ nghèo đa chiều theo kết quả rà soát cuối năm 2020 toàn huyện còn 1,24% thấp hơn tỉ lệ hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh và nhiều huyện trong khu vực (toàn tỉnh chiếm 2,2%). Huyện Thiệu Hóa có tỉ lệ hộ nghèo thấp thứ 4 khu vực đồng bằng, ven biển (sau các huyện Đồng Sơn, huyện Yên Định và huyện Triệu Sơn) và thấp thứ 9 toàn tỉnh (sau TP Thanh Hóa 0,11%; TX Bỉm Sơn 0,61%; huyện Đông Sơn 0,62%; huyện Yên Định 0,9%; huyện Nga Sơn 0,95%; huyện Triệu Sơn 1,1%, huyện Quảng Xương 1,14%; huyện Cẩm Thủy 1,19%).
Sau hơn 10 năm triển khai xây dựng NTM, huyện Thiệu Hóa đã có bước đột phá rõ rệt về hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội; đời sống vật chất và tinh thần, dân trí của người dân ngày càng được nâng cao; môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn trong sạch vững mạnh; quốc phòng an ninh và trật tự an sinh xã hội được giữ vững; diện mạo làng xã khang trang, khởi sắc; nhân dân phấn khởi và tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước./.