06/11/2024 lúc 02:48 (GMT+7)
Breaking News

Thị trường vốn tăng ấn tượng, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế Việt Nam tăng tốc

VNHN - Trong năm 2019, thị trường dịch vụ tài chính Việt Nam đã có bước chuyển biến tích cực, thể chế được hoàn thiện, chất lượng dịch vụ được tăng cường, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.

VNHN - Trong năm 2019, thị trường dịch vụ tài chính Việt Nam đã có bước chuyển biến tích cực, thể chế được hoàn thiện, chất lượng dịch vụ được tăng cường, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.

Ảnh minh họa

Phát triển về quy mô, cải thiện về chất lượng và hiệu quả hoạt động

Năm 2019, thị trường vốn ngày càng phát triển về quy mô, cải thiện về chất lượng và hiệu quả hoạt động; đóng góp tích cực vào việc huy động các nguồn lực cho hoạt động đầu tư phát triển kinh tế. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến hết năm 2019, với việc huy động vốn từ nhiều kênh khác nhau, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2019 đạt mức tăng 10,2% so với năm 2018.

Trong đó, thị trường trái phiếu đã hoàn thành tốt các mục tiêu và kế hoạch đề ra. Tái cơ cấu danh mục nợ trái phiếu Chính phủ (TPCP) được thực hiện hiệu quả thông qua việc tập trung phát hành các trái phiếu kỳ hạn dài trong điều kiện thị trường thuận lợi, thực hiện các nghiệp vụ hoán đổi, mua lại TPCP một cách chủ động, tăng tính bền vững của danh mục nợ TPCP.

Đến cuối tháng 11/2019, quy mô thị trường TPCP đạt 25,6% GDP. Thị trường TPCP tiếp tục có sự cải thiện tích cực theo hướng kéo dài kỳ hạn phát hành bình quân trong khi lãi suất phát hành giảm, góp phần tái cơ cấu danh mục nợ chính phủ cả về kỳ hạn và chi phí huy động. Tính đến ngày 12/12/2019, Bộ Tài chính đã huy động được 192.919 tỷ đồng thông qua phát hành TPCP, đạt 65,1% kế hoạch phát hành năm 2019.

Về kỳ hạn phát hành, toàn bộ TPCP phát hành có kỳ hạn từ 5 năm trở lên, trong đó 93,12% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 10 năm trở lên. Kỳ hạn phát hành bình quân TPCP đạt mức kỷ lục là 13,47  năm (tăng 0,78 năm so với cuối năm 2018 và tăng 4,76 năm so với cuối năm 2016). Việc huy động TPCP kỳ hạn dài góp phần kéo dài kỳ hạn còn lại bình quân, đảm bảo tính bền vững của danh mục nợ TPCP. Theo đó, kỳ hạn còn lại của danh mục nợ TPCP đạt mức kỷ lục 7,35 năm, tăng 1,37 năm so với mức 5,98 năm của năm 2016, góp phần tái cơ cấu ngân sách nhà nước và nợ công theo hướng bền vững. Trong khi kỳ hạn phát hành bình quân đạt mức cao nhất từ trước đến nay, thì chi phí huy động TPCP tiếp tục giảm, lãi suất bình quân 11 tháng đầu năm 2019 đạt 4,68%năm, giảm từ 1,2 - 1,6%/năm so với thời điểm đầu năm 2019, tiết kiệm chi phí huy động vốn cho NSNN, trong đó lãi suất các kỳ hạn từ 10 năm đến 30 năm đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay. 

Cùng với đó, về cơ sở nhà đầu tư, năm 2019 đã tiếp tục có sự thay đổi tích cực theo hướng tăng tỷ lệ nắm giữ TPCP của nhà đầu tư dài hạn, giảm tỷ lệ nắm giữ TPCP của các ngân hàng thương mại. Tính đến cuối tháng 11/2019, tỷ lệ nắm giữ TPCP của các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm xuống mức 45% (giảm 31,7% so với đầu năm 2016), tỷ lệ nắm giữ của khối bảo hiểm và các nhà đầu tư dài hạn khác đạt 55% (tăng 31,7% so với đầu năm 2016).

Trên thị trường thứ cấp, giá trị giao dịch bình quân TPCP, TPCP bảo lãnh 11 tháng của năm đạt 9.004 tỷ đồng/phiên, tăng 1,9% so với bình quân năm 2018. 

Bên cạnh đó, quy mô thị trường cổ phiếu giữ vững đà tăng trưởng. Năm 2019, quy mô vốn hóa của thị trường cổ phiếu niêm yết tại Việt Nam đạt 4.384 nghìn tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2018, tương đương 73% GDP năm 2019.

Những kết quả mà công tác phát triển thị trường vốn đạt được trong năm qua đã thể hiện những nỗ lực, quyết tâm cao rất đáng ghi nhận. Cụ thể, năm 2019, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tiếp tục đẩy mạnh công tác tái cấu trúc các công ty quản lý quỹ (QLQ), theo đó, đã chấp thuận giải thể, đình chỉ hoạt động 02 công ty quản lý quỹ trong năm 2019. Thông qua công tác tái cấu trúc, các công ty QLQ đã nâng cao năng lực tài chính, trình độ quản lý, chất lượng quản lý tài sản, kiểm soát nội bộ và quản lý rủi ro từ đó tăng khả năng cạnh tranh trong hoạt động.

Về hoạt động chào bán chứng khoán, UBCKNN đã xem xét và chấp thuận cho hơn 370 hồ sơ phát hành chứng khoán cho các doanh nghiệp; có thông báo về việc đăng ký công ty đại chúng (CTĐC) đối với 35 công ty và hủy đăng ký CTĐC cho 23 công ty, nâng tổng số CTĐC là 1.974 công ty. Trong năm 2019, đã có 17 CTĐC được niêm yết mới và 63 CTĐC đăng ký giao dịch mới. Ngoài ra, UBCKNN đã tích cực đôn đốc các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa và các công ty cổ phần đăng ký, lưu ký chứng khoán tại VSD, ĐKGD/niêm yết trên các Sở GDCK.

Công tác thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm tiếp tục được tăng cường và được triển khai toàn diện trên TTCK. UBCKNN đã tăng cường thanh tra, giám sát và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật nhằm hạn chế các hành vi trục lợi, thao túng thị trường. Các hành vi vi phạm pháp luật trên TTCK đã được xử lý nghiêm minh, kịp thời và được công bố công khai theo quy định…

Định hướng phát triển thị trường vốn năm 2020

Nhằm đáp ứng yêu cầu huy động vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là vốn trung và dài hạn, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể tham gia huy động vốn, năm 2020, Bộ Tài chính nêu rõ 04 định hướng phát triển thị trường vốn, cụ thể:

Một là, tiếp tục cơ cấu lại toàn diện để TTCK trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế; xây dựng cơ cấu hợp lý, cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu; giữa TPCP và TPDN; hỗ trợ tích cực quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân; tăng cường mở cửa và hội nhập với thị trường khu vực và thế giới.

Hai là, phối hợp hiệu quả chính sách tiền tệ và tài khóa nhằm điều hành linh hoạt lãi suất phát hành TPCP để vừa huy động vốn cho ngân sách nhà nước, vừa phát triển thị trường TPCP là thị trường chuẩn của toàn thị trường tài chính.

 Ba là, phấn đấu tăng quy mô và giá trị huy động vốn qua thị trường trái phiếu để đáp ứng nhu cầu vốn của các các tổ chức phát hành; mở rộng hệ thống các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức, tạo cầu bền vững cho toàn thị trường.

 Bốn là, tăng cường quản lý giám sát, cơ chế thông tin, minh bạch hóa thị trường; thực hiện định kỳ công tác kiểm tra, giám sát tình hình phát hành, giao dịch trái phiếu, cổ phiếu.