Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE), ông Nguyễn Văn Trung, chồng bà Thái Hà Linh - Người công bố thông tin kiêm Giám đốc Kế toán ngân hàng đăng kí bán toàn bộ 868.500 cổ phiếu sở hữu nhằm phục vụ nhu cầu cá nhân.
Giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 21/4 đến ngày 20/5 theo phương thức khớp lệnh trên sàn và thỏa thuận.
Nếu thành công, ông Trung sẽ không còn nắm giữ cổ phiếu TCB. Trong khi bà Linh hiện sở hữu gần 1,05 triệu cổ phần, tương đương 0,0298% vốn điều lệ Techcombank.
Đóng cửa ngày 19/4, thị giá TCB giảm hơn 2,56% xuống còn 43.7 đồng/cp. Ước tính theo mức giá này, ông Trung sẽ thu về khoảng 38 tỷ đồng từ bán cổ phiếu TCB.
Trước đó, Bà Phùng Thị Thu Hồng - chị gái ông Phùng Quang Hưng, Phó Tổng Giám đốc thường trực Techcombank - đã thông báo bán xong 150.000 cổ phiếu TCB, hoàn thành 100% lượng đăng ký. Giao dịch được thực hiện trong thời gian 22/3 – 30/3 theo phương thức thỏa thuận.
Trước đó, ông Phan Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Techcombank đã bán xong 200.000 cổ phiếu TCB, hoàn thành 100% lượng đăng ký.
Giao dịch được thực hiện theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh trong thời gian 24/2/2022 - 18/3/2022. Sau giao dịch, lượng cổ phiếu TCB do ông Sơn nắm giữ giảm từ mức hơn 2,3 triệu đơn vị hiện tại xuống còn hơn 2,1 triệu đơn vị, tương đương 0,0612% vốn điều lệ Techcombank.
Trong thời gian Phó tổng Techcombank bán cổ phiếu, thị giá TCB dao động trong vùng 52.000 - 49.000 đồng/cp. Ước tính theo giá trung bình 50.500 đồng/cp, ông Sơn đã thu về khoảng 10 tỷ đồng.
Ông Phan Thanh Sơn cũng đã bán 150.000 và 300.000 cổ phiếu TCB trong năm 2021 và 2020.
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, HoSE: TCB) vừa công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông năm 2022. Theo đó, Techcombank đặt kế hoạch dư nợ tín dụng đạt 446 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 15% hoặc cao hơn theo hạn mức tín dụng được cấp từ Ngân hàng Nhà nước.
Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế mục tiêu năm 2022 đạt 27.000 tỷ đồng, tăng 16,2% so với năm 2021. Tuy nhiên, thống kê cho thấy Techcombank đã vượt kế hoạch lợi nhuận trung bình 14% trong 4 năm qua, theo Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC).
Lợi nhuận sau thuế của riêng ngân hàng mẹ thu về năm ngoái hơn 15.800 tỷ đồng. Nhà băng này dự kiến trích 5% quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ (tương đương 790 tỷ đồng) và 10% quỹ dự phòng tài chính (tương đương 1.580 tỷ đồng) và 38 tỷ đồng được đưa vào quỹ phúc lợi.
" Sau các khoản trích quỹ, lợi nhuận còn lại của năm ngoái hơn 13.390 tỷ đồng. Lũy kế các khoản lợi nhuận chưa sử dụng các năm trước, Techcombank hiện có hơn 40.100 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối.
Nếu được thông qua, đây sẽ là năm thứ 11 ngân hàng này không chia cổ tức bằng tiền mặt. Lần gần nhất, Techcombank chia cổ tức với hình thức cổ phiếu là năm 2018. Lúc bấy giờ, mỗi cổ đông sở hữu một cổ phiếu sẽ nhận thêm 2 cổ phiếu mới. Nguồn chia cổ phiếu lấy từ lợi nhuận chưa phân phối và thặng dư vốn từ việc bán cổ phiếu quỹ.
Techcombank cũng đề xuất tăng vốn thông qua phát hành ESOP. Theo đó, số lượng cổ phiếu phát hành là 6,3 triệu cổ phiếu (tương đương 0,18% số lượng cổ phiếu đang lưu hành). Giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian hạn chế chuyển nhượng là 1 năm.
Ngoài các kế hoạch trên, Techcombank cũng trình cổ đông thông qua đơn xin từ nhiệm Thành viên HĐQT của ông Đỗ Tuấn Anh với lý do cá nhân và tránh các xung đột lợi ích không cần thiết đối với ngân hàng.
Trước đó, ông Tuấn Anh đã có đơn từ nhiệm vị trí phó chủ tịch HĐQT ngân hàng. Hiện ông đang là tổng giám đốc Tập đoàn KDI Holdings, doanh nghiệp do cựu chủ tịch Sacombank Kiều Hữu Dũng thành lập và làm chủ tịch. KDI Holdings gần đây cũng chuyển hướng sang lĩnh vực bất động sản với 2 dự án du lịch nghỉ dưỡng tại Nha Trang và Quảng Ninh.