VNHN – Triều Tiên lại phóng tên lửa, căng thẳng leo thang giữa Ấn Độ và Pakistan liên quan đến vấn đề Kashmir, Anh thả tàu chở dầu của Iran... là những tin tức quốc tế đáng chú ý trong tuần.
1. Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa
Quân đội Hàn Quốc ngày 16-8 cho biết, Triều Tiên đã phóng hai vật thể bay được cho là các tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra phía Biển Nhật Bản vào sáng cùng ngày.
Đây là lần thứ sáu kể từ cuối tháng trước Triều Tiên tiến hành phóng các vật thể bay. Nếu tính từ tháng 5 thì đây là vụ phóng thứ 8. Trong các vụ phóng trước, Bình Nhưỡng tuyên bố phóng thử các “vũ khí dẫn đường chiến thuật mới”, trong khi phía Seoul xác định đó là các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và các hệ thống tên lửa dẫn đường phóng loạt cỡ lớn mới phát triển.
Người dân Hàn Quốc theo dõi tin tức về một cuộc phóng tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: AFP.
Vụ phóng mới nhất diễn ra sau khi Triều Tiên cảnh báo sẽ chấm dứt đối thoại với Hàn Quốc, một động thái phản đối cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn đang diễn ra cũng như kế hoạch mua sắm quốc phòng 5 năm của Seoul.
Gần đây, Triều Tiên dường như đang tìm cách hiện đại hóa vũ khí thông thường của mình và động thái này làm dấy lên lo ngại mới trong khu vực, vì loại vũ khí này có thể đặt toàn bộ Bán đảo Triều Tiên trong tầm bắn, và vì độ phức tạp của đường bay, việc sử dụng nhiên liệu lỏng và phóng từ bệ phóng thẳng đứng (TEL) khiến khó phát hiện và đánh chặn hơn.
2. Quan hệ Ấn Độ-Pakistan trên đà tuột dốc
Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan tiếp tục gia tăng nghiêm trọng xoay quanh quyết định gây tranh cãi mới đây của New Delhi đối với khu vực Kashmir đang tranh chấp.
Trước sức ép từ Pakistan khi kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế trong vấn đề Kashmir, Ấn Độ dường như vẫn giữ nguyên lập trường cứng rắn khi bác bỏ những chỉ trích về việc nước này hủy bỏ quy chế đặc biệt đối với bang Jammu và Kashmir. Về phía Pakistan, giới lãnh đạo nước này vừa cực lực chỉ trích những hành động gần đây của Ấn Độ ở Kashmir đã đe dọa đến hòa bình khu vực.
Binh sĩ Ấn Độ tuần tra gần Đường Kiểm soát ở Kashmir. Ảnh: Rediff.
Tình hình càng thêm xấu đi khi đụng độ quân sự tiếp tục nổ ra giữa binh sĩ Ấn Độ và Pakistan tại ranh giới kiểm soát gây nhiều thương vong về cả hai phía trong những ngày qua.
Theo Đạo luật chia tách bang Jammu và Kashmir của Ấn Độ, hai vùng lãnh thổ liên bang là Ladakh (không có cơ quan lập pháp) cùng Jammu và Kashmir (có cơ quan lập pháp) sẽ chính thức được thành lập từ ngày 31-10 tới. Pakistan đã bày tỏ phản đối mạnh mẽ quyết định này, tuyên bố hạ cấp quan hệ ngoại giao, đình chỉ hoạt động thương mại song phương với Ấn Độ và đưa vấn đề này ra Liên hợp quốc.
Hiện dấy lên lo ngại, nếu Ấn Độ và Pakistan không kiềm chế được xung đột, “thùng thuốc súng” trực chờ phát nổ tại hai quốc gia Nam Á này có nguy cơ dẫn tới hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Mâu thuẫn giữa Pakistan và Ấn Độ cần sớm được hóa giải thông qua các kênh ngoại giao và đối thoại, thay vì sử dụng quân sự đang làm tổn hại nặng nề tới mối quan hệ vốn đã sứt mẻ và khó hàn gắn giữa hai nước.
3. Đàm phán thương mại Mỹ-Trung: Dự báo rất khó khăn
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 15-8 cho biết, kế hoạch đàm phán thương mại với Trung Quốc trong tháng 9 vẫn diễn ra như dự định và hai bên sẽ tiếp tục đàm phán qua điện thoại.
Tuyên bố này đã phần nào xóa đi những lo lắng nổi lên từ tuần trước khi ông Trump để ngỏ khả năng hoãn vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung Quốc lần thứ 13 dự định tổ chức ở Washington DC vào tháng 9-2019, trong khi lăm le đánh thuế 10% đối với hơn 300 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc.
Ảnh minh họa. Nguồn: Yahoo News.
Ông chủ Nhà Trắng cho biết, Mỹ đang có các cuộc đàm phán rất tốt với Trung Quốc, nhưng cũng cảnh báo nếu Bắc Kinh có hành động trả đũa thì Washington sẽ lập tức có biện pháp đáp trả.
Tất nhiên, việc đạt được thỏa thuận trong đàm phán thương mại Mỹ và Trung Quốc là vô cùng khó khăn nếu nhìn vào tiến trình 12 vòng đàm phán trong gần một năm qua.
Vòng đàm phán thứ 13 sắp tới dự báo rất khó khăn bởi gồm nhiều vấn đề gai góc như sở hữu trí tuệ, áp đặt chuyển giao công nghệ, các rào cản phi thuế quan, nông nghiệp, dịch vụ, thâm hụt thương mại và thực thi pháp luật. Đây cũng chính là những nội dung mà Washington và Bắc Kinh đã không thể đạt được thỏa thuận dẫn tới sự đổ vỡ tại vòng đàm phán thứ 11.
4. Anh tháo gỡ căng thẳng với Iran
Gibraltar - vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh - đã trả tự do tàu Grace 1, mà Anh đã tịch thu từ Iran vào tháng 7, nhưng không cung cấp chi tiết. Bước đi này có thể sẽ mở đường cho một cuộc trao đổi với tàu chở dầu Stena Impero mà Iran đang giữ.
Trước đó, chính quyền và Tòa án Tối cao Gibraltar đã quyết định dỡ bỏ lệnh bắt giữ và thả tàu Grace 1 bất chấp đề nghị tiếp tục tạm giữ tàu này từ phía Mỹ.
Tàu Grace 1. Ảnh: The Star.
Đại sứ Iran tại Anh Hamid Baeidinejad nhấn mạnh, trong hơn 40 ngày qua, các quan chức Iran đã tiến hành các cuộc đàm phán liên tục với Anh về chính trị, pháp lý liên quan đến việc thả con tàu trên.
Quan hệ giữa Anh và Iran rơi vào tình trạng căng thẳng liên quan đến việc hai nước bắt giữ tàu chở dầu của nhau gần đây. Ngày 4-7 vừa qua, Anh đã bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 của Iran ở ngoài khơi Gibraltar do nghi ngờ tàu này vi phạm các lệnh trừng phạt của EU khi chở dầu tới Syria. Hai tuần sau đó, Iran đáp trả bằng cách bắt giữ tàu chở dầu treo cờ Anh Stena Impero gần eo biển Hormuz, cáo buộc tàu này vi phạm quy định hàng hải.
Các vụ bắt tàu chở dầu của Anh và Iran đã khiến căng thẳng vùng Vịnh leo thang đáng kể. Tuyến giao thông trên eo biển Homuz đã trở thành điểm nóng ở Vùng Vịnh do mối quan hệ vốn không tốt đẹp Mỹ - Iran ngày càng trầm trọng hơn kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với quốc gia Hồi giáo.
5. Mỹ đe dọa rút khỏi WTO nếu lâm vào tình thế bắt buộc
Ngày 14-8, phát biểu trước đám đông công nhân ủng hộ tại một nhà máy hóa chất ở bang Pennsylvania, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, WTO đã “gây khó dễ cho Mỹ suốt nhiều năm qua và điều đó sẽ không xảy ra nữa” và khẳng định ta sẽ ra đi nếu buộc phải làm vậy.
Đây không phải lần đầu tiên Tổng thống Donald Trump dọa rút Mỹ khỏi WTO nếu cơ quan này. Nhà lãnh đạo Mỹ từng gọi WTO là một “thảm họa”, đồng thời cáo buộc tổ chức này đã đối xử với Washington “rất tệ suốt nhiều năm” và “Mỹ ở trong tình thế bất lợi trước WTO”.
Ảnh minh họa. Nguồn: Foreign Brief.
Trong gần 1/4 thế kỷ tồn tại của WTO, Mỹ được đánh giá đã làm tốt vai trò lãnh đạo và là “công dân kiểu mẫu” của tổ chức này. Thế nhưng, kể từ khi bước chân vào Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đã “phớt lờ” WTO sau khi Washington thực thi chính sách bảo hộ thương mại và áp đặt hàng loạt mức thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu từ các nước như Trung Quốc, Mexico, Canada hay Liên minh châu Âu (EU)-động thái được nhìn nhận là đi ngược lại những quy tắc của WTO mà chính Mỹ từng ủng hộ.
Mặc dù vậy, việc Mỹ rời khỏi WTO không phải là điều dễ dàng, bởi quyết định này phải được Quốc hội Mỹ thông qua. Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng, tham gia WTO, không phải lúc nào Mỹ cũng bị thua thiệt như Tổng thống Donald Trump tuyên bố. Trên thực tế, theo Bloomberg, Mỹ cho đến nay vẫn là quốc gia khởi kiện nhiều nhất trong các thành viên WTO và thắng đến 91% vụ kiện do mình khởi xướng.
6. Thúc đẩy ngừng bắn vĩnh viễn ở Libya
Phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) đang thúc đẩy kế hoạch biến thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo giữa Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) và lực lượng tự xưng Quân đội quốc gia Libya (LNA) thành một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn.
Dưới sự trung gian của Liên hợp quốc, các bên liên quan tại Libya đã đạt thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo nhân dịp lễ Eid Al-Adha của người Hồi giáo, kéo dài từ ngày 11 đến 15-8 vừa qua. Mặc dù vẫn còn một số vi phạm, nhưng nhìn chung các bên đã nghiêm túc chấp hành thỏa thuận. UNSMIL cho biết, sẵn sàng hỗ trợ GNA và LNA tiến tới ký kết một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn.
Các thành viên thuộc lực lượng tự xưng Quân đội quốc gia Libya (LNA). Ảnh: Time.
Kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Muammar al-Gaddafi, Libya vẫn đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang. Hiện ở nước này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng. Trong bốn tháng qua, các cuộc xung đột vũ trang tại Libya đã làm hơn 1.000 người chết, hơn 5.700 người bị thương và khoảng 120.000 người phải rời bỏ nhà cửa. Dư luận lo ngại về khả năng nổ ra một cuộc nội chiến mới cũng như thảm họa nhân đạo tại quốc gia Bắc Phi này.
Cộng đồng quốc tế hy vọng, với sự trung gian của Liên hợp quốc, tất cả các bên liên quan tại Libya sớm đạt được một thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn, nhằm kiến tạo một giải pháp chính trị lâu dài, vì một nền hòa bình bền vững và cuộc sống phồn vinh cho nhân dân Libya.