VNHN - “Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế”, đó là phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khi đề cập tuyên bố của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo ngày 13-7, về lập trường của Hoa Kỳ đối với các yêu sách biển ở Biển Đông – động thái thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế tuần qua.
1. Mỹ bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông
Ngày 13-7, trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ đã đăng tải tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo về “lập trường của Mỹ với các yêu sách hàng hải ở Biển Đông”, trong đó bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển này.
Ông Pompeo cho biết Mỹ bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại các vùng biển xung quanh bãi Tư Chính của Việt Nam, bãi cạn Luconia ở ngoài khơi Malaysia, các vùng biển được coi là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Brunei và đảo Natuna Lớn thuộc quần đảo Natuna ở ngoài khơi Indonesia.Ông Pompeo khẳng định: "Các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các tài nguyên ở ngoài khơi trên hầu khắp Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, do Bắc Kinh đang thực thi chiến dịch hăm dọa nhằm kiểm soát các nguồn tài nguyên này".
Ông Pompeo nhấn mạnh bất kỳ hành động nào của Trung Quốc nhằm quấy nhiễu hoạt động đánh bắt cá hay khai thác dầu mỏ của các nước khác tại các vùng biển này, hoặc tiến hành các hành động như vậy một cách đơn phương, đều bất hợp pháp.
Ngày 15-7, liên quan đến tuyên bố trên của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
Hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông là nguyện vọng và mục tiêu chung của các nước ở Biển Đông, khu vực và cộng đồng quốc tế. Việc tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, thiện chí, trách nhiệm Công ước của Liên hợp quốc (LHQ) về Luật Biển năm 1982 có ý nghĩa quan trọng để thực hiện các mục tiêu đó.
Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm, như đã nêu trong tuyên bố dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN 36, rằng Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương.
Việt Nam mong rằng các nước sẽ nỗ lực đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hòa bình khác theo luật pháp quốc tế vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào quá trình này.
Cũng liên quan vấn đề Biển Đông, Indonesia, Malaysia đã kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế; Ấn Độ, Australia tuyên bố ủng hộ tự do hàng hải và thương mại không bị cản trở; Philippines kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của PCA về Biển Đông.
2. WHO: Nhiều nước đang đi sai hướng trong đối phó Covid-19
Ngày 13-7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo rằng có quá nhiều nước đang hành động tùy tiện trong đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, đồng nghĩa với khả năng sẽ không thể sớm quay trở lại trạng thái bình thường.
Về tình hình đại dịch trên thế giới, tính đến 22 giờ ngày 17-7, toàn thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 14 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trong đó có 593.899 ca tử vong và 8.322.654 ca phục hồi. Hiện vẫn còn 5.087.639 bệnh nhân đang được điều trị, trong đó có 59.960 bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch. WHO cho rằng đại dịch sẽ chỉ diễn biến tồi tệ hơn trừ phi người dân tuân thủ các nguyên tắc cơ bản như giãn cách xã hội, rửa tay, đeo khẩu trang và ở nhà nếu bị ốm. Theo Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, sẽ không có việc quay trở lại trạng thái "bình thường như cũ" trong tương lai gần, có quá nhiều nước đang đi sai hướng.
Với 3.698.392 triệu ca mắc và 141.150 ca tử vong vì dịch bệnh, Mỹ hiện là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất. Tiếp đó là Brazil với 2.015.382 ca nhiễm và 76.846 ca tử vong; Ấn Độ với 1.017.116 ca nhiễm và 25.777 ca tử vong.
TikTok trước hàng loạt rắc rối từ động thái của chính phủ nhiều nước. Ảnh: Reuters
3. TikTok đối mặt nguy cơ bị tẩy chay tại nhiều nước
Đang là ứng dụng có tốc độ phát triển đáng kinh ngạc, nhưng TikTok có nguy cơ bị tẩy chay tại một số nước do những quan ngại về vấn đề bảo mật của dịch vụ truyền thông xã hội này
KCC nêu rõ ứng dụng TikTok đã vi phạm các luật viễn thông của Hàn Quốc khi thu thập thông tin của trẻ dưới 14 tuổi mà không có sự đồng ý của cha mẹ, và không thông báo cụ thể cho những người dùng về việc chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài. Theo KCC, TikTok đã thu thập trái phép 6.000 hồ sơ cá nhân của những người dùng dưới 14 tuổi, trong khi dữ liệu người dùng trong nước đã bị chuyển đến các máy chủ của nền tảng này tại Mỹ và Singapore mà không có thông báo trước.Ngày 15-7, Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc (KCC) cho biết đã phạt nền tảng chia sẻ video trực tuyến TikTok 186 triệu won (155.000 USD) do sai phạm trong xử lý thông tin người dùng.
Quyết định của KCC là động thái mới nhất nhằm vào nền tảng Tiktok. Tháng 6 vừa qua, Ấn Độ đã quyết định cấm ứng dụng này. Hiện Mỹ đang cân nhắc cấm các ứng dụng truyền thông xã hội của Trung Quốc, trong đó có TikTok. Washington lo ngại rằng nền tảng trực tuyến này có thể chia sẻ thông tin với Chính phủ Trung Quốc - một cáo buộc mà phía TikTok kiên quyết phủ nhận. Ủy ban Thương mại Liên bang và Bộ Tư pháp Mỹ cũng đang xem xét các cáo buộc cho rằng ứng dụng TikTok đã không tuân thủ thỏa thuận năm 2019 về bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em.
Ứng dụng TikTok hiện có khoảng 1 tỷ người dùng trên toàn thế giới. Theo công ty nghiên cứu eMarketer, tại Mỹ, số người dùng TikTok là hơn 52 triệu người, tăng 12 triệu người dùng trong thời gian dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Ứng dụng này đặc biệt phổ biến với người dùng smartphone trẻ tuổi. Trong khi đó, Wechat - thuộc sở hữu của công ty Tencent, là ứng dụng nhắn tin phổ biến ở Trung Quốc với hơn 1 tỷ người dùng.
4. Indonesia, Malaysia tăng cường xử lý cứng rắn ngư dân nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép
Trong bối cảnh tình trạng ngư dân nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép tại các vùng biển của Indonesia và Malaysia diễn biến phức tạp, hai quốc gia Đông Nam Á này mới đây đã có sự điều chỉnh hình thức xử lý theo hướng cứng rắn hơn đối với những trường hợp vi phạm.
Về phía Malaysia, nước này sẽ tăng hình phạt tối đa đối với chủ tàu hoặc thuyền trưởng tàu nước ngoài bị bắt vì xâm phạm vùng biển Malaysia từ mức 1 triệu ringgit (khoảng 230.000 USD) trước đây lên thành 6 triệu ringgit, trong khi mỗi thuyền viên bị phạt 600.000 ringgit. Bên cạnh đó, Malaysia cũng áp dụng mức phạt tối đa 2 năm tù giam đối với ngư dân vi phạm. Theo đó, thay bằng việc đánh chìm các tàu cá nước ngoài vi phạm như trước, Indonesia sẽ tiến hành các thủ tục để trao tặng các tàu cá vi phạm cho các hợp tác xã địa phương cũng như cho các cơ sở giáo dục. Trong trường hợp đặc biệt, việc đánh chìm tàu cá nước ngoài chỉ được thực hiện nếu tàu cá đó chống cự khi bị các Cơ quan Giám sát tài nguyên hàng hải Indonesia bắt giữ.
Cơ quan Thực thi Hàng Hải Malaysia (MMEA) đã nghiên cứu và đề xuất lên Cục Thủy sản Malaysia một số biện pháp cứng rắn, trong đó có biện pháp phạt đánh roi đối với các ngư dân vi phạm. Biện pháp này đang được Indonesia áp dụng và tỏ ra rất có hiệu quả.
5. Lũ lụt tiếp tục hoành hành tại Trung Quốc và một số nước châu Á
Ngày 17-7, nhiều khu vực rộng lớn tại miền Trung và miền Đông Trung Quốc phải hứng chịu các trận lũ lụt nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua giữa bối cảnh tình trạng gián đoạn các chuỗi cung ứng then chốt ngày càng gia tăng và thiệt hại về kinh tế ngày càng nặng nề. Thành phố Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc và các tỉnh An Huy, Giang Tây, Chiết Giang đã phải ban bố cảnh báo đỏ do mưa lớn khiến mực nước các sông hồ tràn bờ.
Kể từ tháng 6 vừa qua, mưa liên tục trút xuống phần lớn các khu vực ở miền Nam Trung Quốc khiến mực nước ở nhiều sông hồ trong các khu vực bị ảnh hưởng đã vượt quá mức cảnh báo. Mưa lớn đã phá hủy hơn 17.000 ngôi nhà, gây thiệt hại kinh tế gần 6 tỷ USD, khiến hàng trăm người thiệt mạng hoặc mất tích, ảnh hưởng gần 20 triệu người sinh sống tại các tỉnh dọc theo sông Trường Giang, trong đó có hàng chục nghìn người phải di dời chỗ ở khẩn cấp. Hiện mực nước tại hơn 400 con sông đã vượt mức báo động, thậm chí một số còn tăng lên mốc cao chưa từng có kể từ năm 1961.Với việc chứa lượng nước lớn hơn nhằm giảm nguy cơ lũ lụt, mực nước tại đập Tam Hiệp đang cao vượt mức báo động 10m với vận tốc dòng chảy trên 50.000m3/giây. Trong khi đó, mực nước hồ Bà Dương tại tỉnh Giang Tây hiện cao vượt mức báo động 2,5m. Ở miền Đông, hồ Thái Hồ gần Thượng Hải cũng ban bố cảnh báo đỏ sau khi mực nước tại đây dâng cao trên mức báo động gần 1m.
Không chỉ tại Trung Quốc, mưa lũ, lở đất cũng đang khiến hàng nghìn người dân tại một số nước châu Á như: Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia lâm vào cảnh màn trời chiếu đất.
Tại Nhật Bản, mưa lớn bất thường kéo dài đã phá hủy gần 15.000 ngôi nhà ở các khu vực từ Tây Nam đến Đông Bắc Nhật Bản. Tính đến chiều 14-7, các đợt mưa lớn trong tháng 7 tại Nhật Bản đã có ít nhất 74 người thiệt mạng.
Tại Indonesia, nhà chức trách ngày 16-7 cho biết tổng số người thiệt mạng do lũ tại huyện Luwu Utara ở tỉnh Nam Sulawesi tăng lên 24, ngoài ra còn 69 người mất tích.
Tại Ấn Độ, nước lũ khiến 71 người thiệt mạng, khoảng 3,9 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tại 27 huyện, cuốn trôi hơn 13 triệu hecta đất canh tác, làm hư hại nhiều nhà cửa, công viên... Khoảng 49.000 người đã được chuyển tới các trại sơ tán tại những khu vực bị ảnh hưởng.
THANH SƠN (tổng hợp)