VNHN – Thế giới vừa trải qua một tuần đầy căng thẳng, lo âu khi những thách thức, nguy cơ ngày càng trở nên rõ rệt hơn.
1. Quan hệ Mỹ-Iran leo thang căng thẳng, nguy cơ đối đầu quân sự cận kề
Căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Iran sau vụ hai tàu chở dầu nước ngoài bị tấn công trên vịnh Oman tiếp tục có bước leo thang mới với những lời cáo buộc gay gắt cùng những tuyên bố cứng rắn từ cả hai phía. Nhiều chuyên gia quốc tế nhận định, nguy cơ đối đầu quân sự đang cận kề.
Tổng thống Mỹ Trump (trái) và Tổng thống Iran Rouhani. Ảnh: Daily Express.
Tổng thống Donald Trump ngày 18-6 khẳng định Mỹ sẵn sàng đối phó với Iran. Trả lời phỏng vấn tạp chí Time, Tổng thống Mỹ cho biết ông đã chuẩn bị triển khai hành động quân sự để ngăn chặn Iran có được một quả bom hạt nhân, song vẫn để ngỏ khả năng sử dụng vũ lực để bảo vệ những nguồn cung cấp dầu mỏ.
Ngày 17-6, Mỹ tuyên bố đã quyết định tăng cường thêm 1.000 quân tới khu vực Trung Đông, nhằm mục đích “phòng thủ” trước những mối đe dọa trên biển, trên không và trên bộ ở Trung Đông. Tàu khu trục USS Mason của Mỹ cũng đã được điều đến vùng Vịnh ngay sau vụ tàu chở dầu bị tần công ngày 13-6.
Một diễn biến mới nhất khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi ngày 20-6, Iran tuyên bố đã bắn hạ một máy bay do thám không người lái của Mỹ. Trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết: "Iran đã phạm một sai lầm rất lớn". Một kế hoạch tấn công quân sự nhằm trả đũa Iran được Tổng thống Trump thông qua nhưng được hoãn lại vào phút chót, tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng tuyên bố sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt rất khắc nghiệt đối với Tehran.
Về phía Iran, nước này cũng bày tỏ lập trường cứng rắn trước các lời đe dọa quân sự của Mỹ. Chỉ huy lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) khẳng định các lên lửa đạn đạo của nước này có thể đánh trúng “các tàu sân bay trên biển” với độ chính xác cao. Iran cũng tuyên bố nước này đủ khả năng về mặt quân sự để phong tỏa eo biển Hormuz một cách công khai và triệt để.
Bên cạnh đó, ngày 19-6, Iran tuyên bố sẽ khởi động tiến trình làm giàu urani ở cấp độ cao hơn vào tháng 7 tới và sẽ không trao thêm thời gian cho các cường quốc châu Âu để có biện pháp bảo vệ Tehran khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ.
2. Cướp biển gia tăng biến Tây Phi trở thành vùng biển nguy hiểm nhất thế giới
Vùng biển ngoài khơi Tây Phi hiện bị coi là khu vực nguy hiểm nhất thế giới đối với các phương tiện hàng hải do nạn cướp biển hoành hành.
Báo cáo thường niên về tình trạng cướp biển trên thế giới do Tổ chức One Earth Future có trụ sở tại Mỹ công bố ngày 19-6 cho thấy, trong năm 2018, tại Tây Phi xảy ra tổng cộng 112 vụ cướp biển, tăng khoảng 10% so với năm 2017 và 50% so với năm 2015. Trong khi đó, trong giai đoạn 2015-2018, số vụ cướp biển tại châu Á đã giảm 50% xuống còn khoảng 90 vụ và riêng khu vực Đông Á giảm 20% xuống khoảng 10 vụ.
Các nhóm cướp biển ở khu vực Tây Phi giờ đây không chỉ tập trung tấn công các mục tiêu truyền thống như tàu chở dầu và tàu container cỡ lớn mà còn nhắm vào các đội tàu buôn cỡ nhỏ hơn và thậm chí là tàu đánh cá di chuyển qua vùng biển này, đặc biệt tại hải phận ngoài khơi vịnh Guinea. Thậm chí, một số nhóm cướp biển còn tấn công tận vào nơi neo đậu của tàu hàng tại cảng Lagos của Nigeria. Trong khi đó, đa số nạn nhân của cướp biển không phải là các tàu mang cờ châu Phi mà phần lớn đến từ các quốc gia khác như Philippines, Ấn Độ và Ukraine.
Theo One Earth Future, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng gia tăng nạn cướp biển tại khu vực Đông Phi bắt nguồn từ sự thiếu hụt lực lượng thực thi pháp luật trên biển, tình trạng nghèo đói và bất ổn chính trị của các quốc gia ven biển.
3. Hai tỷ người trên thế giới không có nước uống an toàn
Báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 18-6 cho biết có hơn 2 tỷ người trên toàn thế giới không có nước uống đảm bảo an toàn.
Nghiên cứu cho thấy có khoảng 1,8 tỷ người đã được tiếp cận với nước uống đảm bảo tiêu chuẩn an toàn từ năm 2000, nhưng đối với nhiều người, việc tiếp cận nước uống đảm bảo chất lượng và sẵn có vẫn còn bị hạn chế. Theo ước tính, 1/10 dân số thế giới, tức là khoảng 785 triệu người vẫn thiếu các dịch vụ cơ bản, trong đó có 114 triệu người vẫn phải uống nước không sạch.
Hơn 4 tỷ người đang phải sống ở những nơi không có nhà vệ sinh an toàn hoặc nước thải được quản lý không đúng cách. Trong khi 3 tỷ người khác không có điều kiện để rửa tay đúng cách bằng xà phòng.
Đáng chú ý, một nửa số người uống nước từ các nguồn không được bảo vệ trên toàn thế giới là người dân ở châu Phi. Thống kê cho thấy chỉ có 24% dân số ở khu vực châu Phi cận Sahara được sử dụng nguồn nước uống an toàn.
Theo dự báo của Liên hợp quốc, đến năm 2025 sẽ có 30 quốc gia rơi vào tình trạng khan hiếm nước.
4. Vấn đề Brexit: EU duy trì quan điểm cứng rắn về Brexit
Trong khi việc lựa chọn nhà lãnh đạo tiếp theo của Anh chưa ngã ngũ thì ngày 21-6, các nhà lãnh đạo hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra cảnh báo rằng thỏa thuận đưa Londonh rời khỏi EU, còn gọi là Brexit, sẽ không thể thay đổi.
Phát biểu với báo giới sau hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk khẳng định quan điểm của EU vẫn không thay đổi, ngay cả khi "một số quyết định cá nhân ở London" có thể sẽ ảnh hưởng tới tiến trình Brexit. Ông Tusk nêu rõ 27 nước thành viên còn lại của EU nhất trí rằng sẽ không có bất kỳ sự thay đổi nào đối với thỏa thuận Brexit dài gần 600 trang đạt được giữa Anh và EU hồi tháng 11 năm ngoái.
Chủ tịch Tusk cho biết EU mong muốn hợp tác với thủ tướng tiếp theo của Anh và để ngỏ khả năng đàm phán, song nhấn mạnh "thỏa thuận về việc Anh rời khỏi EU sẽ không được thương lượng lại".
Chung quan điểm trên, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker - trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, cho rằng không có gì để bổ sung bởi các nhà lãnh đạo EU "nhiều lần nhất trí rằng sẽ không tái đàm phán thỏa thuận Anh rút khỏi EU".
Những tuyên bố trên được đưa ra sau khi cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson - nhật vật được cho có nhiều khả năng trở thành người kế nhiệm Thủ tướng Theresa May, ngày 8-6 tuyên bố sẽ từ chối thanh toán khoản phí Anh "chia tay" EU cho đến khi khối này đồng ý những điều khoản tốt hơn đưa nước Anh rời EU.
5. Các nước nghèo đang hứng chịu gánh nặng người tị nạn
Ngày 19-6, Liên hợp quốc (LHQ) công bố báo cáo thường niên "Các xu hướng toàn cầu" cho biết, các nước đang phát triển, chứ không phải là các nước phương Tây giàu có, đang gánh vác cuộc khủng hoảng người di cư trên thế giới khi đang tiếp nhận phần lớn trong số 70,8 triệu người phải đi tha hương tính đến cuối năm 2018 do chiến tranh và bị ngược đãi ở quê nhà, một nửa trong số đó là trẻ em. Hơn 2/3 số người tị nạn trên thế giới từ 5 nước gồm Syria, Afghanistan, Nam Sudan, Myanmar và Somalia.
Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi cho biết nếu tình hình chính trị tại Venezuela không được giải quyết, làn sóng người Venezuela chạy ra nước ngoài có thể lên tới 5 triệu người tính đến cuối năm nay và trở thành làn sóng di cư ra nước ngoài lớn thứ hai sau làn sóng người Syria sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Grandi nhấn mạnh thực tế rằng phần lớn người tị nạn hay di cư chạy sang nước láng giềng và điều đó có nghĩa là phần lớn họ đang tị nạn tại những nước nghèo hoặc những nước có mức thu nhập trung bình.
Theo báo cáo, với 254.3000 đơn xin tị nạn trong năm 2018, Mỹ là nước tiếp nhận số đơn tị nạn nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, nước này vẫn còn chưa xử lý 800.000 đơn xin tị nạn còn tồn đọng. Trong khi đó, tại châu Âu, vấn đề người di cư đã bị chính trị hóa, khiến một số chính phủ không dám cam kết tiếp nhận người di cư gặp nạn trên biển trong hành trình chạy khỏi Libya hoặc các khu vực xung đột khác.