VNHN- Sau những hoạt động khủng bố đẫm máu diễn ra tại Sri Lanka tuần trước, thế giới tuần qua lại chứng kiến sự hỗn loạn và bất đồng với việc thủ lĩnh phe đối lập tại Venezuela tiến hành đảo chính; IS tiếp tục đe dọa tấn công khủng bố tại Nam Á; làn sóng biểu tình "Áo vàng" chưa có dấu hiệu suy giảm sau những nhượng bộ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron... Điểm sáng đáng chú ý duy nhất có lẽ là Lễ đăng quang của Hoàng Thái tử Nhật Bản lên ngôi Hoàng đế.
1. Đảo chính bất thành tại Venezuela
Sáng 30-4, tại căn cứ quân sự La Carlota, thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido tuyên bố bắt đầu cuộc nổi dậy mang tên “Chiến dịch Tự do”, kêu gọi người dân và quân đội xuống đường biểu tình đòi chấm dứt sự “tiếm quyền” của chính quyền Maduro. Đụng độ đã xảy ra giữa người biểu tình ủng hộ “Tổng thống” tự phong Juan Guaido và lực lượng trung thành với Tổng thống Nicolas Maduro bên trong căn cứ La Carlota.
Đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh tại Caracas ngày 30-4.
Với việc tấn công vào căn cứ quân sự La Carlota, phe đối lập hy vọng tạo tiếng vang, kích động người dân và binh sĩ quay lưng với chính quyền Maduro. Chính quyền đã điều xe bọc thép xuống phố và sử dụng đạn cao su cùng lựu đạn hơi cay để giải tán đám đông biểu tình. Hơn 100 người đã bị thương trong cuộc đụng độ ngày 30-4, trong đó có một đại tá quân đội. Phe đối lập cáo buộc chính quyền đã sử dụng đạn thật bắn vào dân thường nhưng không đưa ra được bằng chứng thuyết phục.
Trước đó, thủ lĩnh phe đối lập Guaido tuyên bố rằng quân đội và tòa án đã đứng về phía họ, nhưng ngay sau khi cuộc đảo chính bị dập tắt vào chiều cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Padrino Lopez và Chánh án Tòa án Tối cao Maikel Moreno tuyên bố trung thành với Tổng thống Maduro. Tổng thống Maduro cũng lên tiếng bác bỏ thông tin từ phía Mỹ cho rằng ông chuẩn bị rời Venezuela tới Cuba để tị nạn.
Venezuela bắt đầu rơi vào khủng hoảng chính trị từ khi Tổng thống Maduro lên nắm quyền năm 2013. Quốc gia Nam Mỹ này đã lâm vào suy thoái kinh tế trầm trọng, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ tội phạm ngày càng gia tăng với tốc độ phi mã. Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính trong năm nay “siêu lạm phát” tại Venezuela sẽ đạt con số
kỷ lục: 10 triệu phần trăm. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế và khủng hoảng chính trị chưa có hồi kết, người dân Venezuela vẫn sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề.
2. Hoàng Thái tử Nhật Bản Naruhito lên ngôi Hoàng đế
Sáng 1-5, tại Tokyo, một ngày sau khi Nhật hoàng Akihito thoái vị, Hoàng Thái tử Naruhito đã chính thức lên ngôi Hoàng đế Nhật Bản với niên hiệu Reiwa (Lệnh Hòa) sau khi tiếp nhận ba loại thần khí: Kiếm Kusanagi, Gương Yata và Viên đá quý Yasakani, tượng trưng cho lòng dũng cảm, sự sáng suốt và lòng nhân từ.
Nhật hoàng Naruhito phát biểu trước người dân cả nước ngày 1-5.
Sinh năm 1960, Nhật hoàng Naruhito là con trai cả của Thượng hoàng Akihito. Được thụ phong Hoàng Thái tử năm 1991, 28 năm sau, ông chính thức trở thành Hoàng đế thứ 126 của Nhật Bản. Theo Hiến pháp Nhật Bản hiện hành, Nhật hoàng là “biểu tượng của quốc gia và hòa hợp dân tộc”.
Trong lễ đăng quang ngày 1-5, Nhật hoàng Naruhito đã có bài phát biểu trước toàn thể người dân Nhật Bản. Ông tuyên bố sẽ nối bước Thượng hoàng Akihito hành động theo Hiến pháp, suy nghĩ và phụng sự lợi ích của người dân. Đại diện cho người dân Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định quyết tâm tạo ra một tương lai tươi sáng, đầy tự hào, hy vọng và hòa bình cho Nhật Bản.
Lễ đăng quang chính thức của Nhật hoàng Naruhito dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 22-10 với sự tham dự của khoảng 900 quan khách, trong đó có các nguyên thủ và khách mời đến từ 195 quốc gia. Đây là sự kiện lớn, có ý nghĩa quan trọng và mang tính chất biểu tượng trong đời sống văn hóa, chính trị, xã hội của Nhật Bản.
3. IS tiếp tục đe dọa tấn công khủng bố
Chỉ vài ngày sau khi tiến hành loạt đánh bom khủng bố đẫm máu khiến hơn 250 người thiệt mạng đúng vào dịp lễ Phục sinh tại Sri Lanka (21-4), tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tiếp tục đưa ra lời đe dọa tấn công khủng bố ở Ấn Độ và Bangladesh.
Lực lượng phản ứng nhanh Bangladesh truy quét khủng bố.
Trong lời đe dọa của IS được tung lên mạng có đoạn: “Nếu các người nghĩ đã làm câm lặng những chiến binh của Nhà nước Hồi giáo tại Bengal và Hind, thì chúng ta sẽ không bao giờ câm lặng và niềm khát khao trả thù sẽ không bao giờ lắng xuống”.
Trước đó, thủ lĩnh IS đã tuyên bố loạt đánh bom khủng bố trong ngày lễ Phục sinh ở Sri Lanka là câu trả lời cho những tổn thất mà IS phải hứng chịu tại miền Đông Syria. IS cũng tuyên bố sẽ trả thù cho những tay súng của mình đã bị tiêu diệt và bị bắt giữ. Giới chức Ấn Độ hiện đang theo dõi sát sao các diễn biến ở Bangladesh do lo ngại IS có thể tấn công khủng bố ở bang Tây Bengal (Ấn Độ).
Hoạt động khủng bố gia tăng trở lại trong thời gian gần đây đang gióng lên hồi chuông cảnh báo nguy cơ bạo lực lan tràn do hận thù tôn giáo. Nhiều vụ xả súng đã xảy ra ở các giáo đường Hồi giáo, Cơ Đốc và Do Thái giáo, biến những nơi này thành mục tiêu tấn công cho các phần tử tôn giáo cực đoan. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã phải lên tiếng cảnh báo tình trạng gia tăng bạo lực nguy hiểm này. Ông nhấn mạnh lòng thù hận là mối đe dọa đối với tất cả mọi người và kêu gọi lãnh đạo chính trị và tôn giáo các nước cần nêu cao trách nhiệm trong thúc đẩy xây dựng một thế giới chung sống trong hòa bình.
4. Làn sóng biểu tình “Áo vàng” vẫn tiếp diễn tại Pháp
Các cuộc biểu tình “Áo vàng” vẫn tiếp tục diễn ra tại các thành phố lớn của Pháp bất chấp việc Tổng thống Emmanuel Macron vừa công bố các biện pháp giải quyết bất ổn xã hội, trong đó có giảm thuế thu nhập trị giá 5 tỷ EUR (5,5 tỷ USD) cho lao động thuộc tầng lớp trung lưu.
Đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình “Áo vàng” quá khích tại thủ đô Paris.
Ngày 27-4, hàng nghìn người đã tham gia 2 cuộc biểu tình ôn hòa tại Paris, trong khi cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay ở thành phố Strasbourg để ngăn chặn đám đông. Đụng độ đã xảy ra giữa cảnh sát và một số người biểu tình quá khích. Theo Bộ Nội vụ Pháp, đã có khoảng 23.000 người xuống trong các cuộc biểu tình diễn ra trên cả nước trong tuần thứ 24 liên tiếp diễn ra các cuộc biểu tình “Áo vàng” này. Tuy nhiên, đây là một trong những tuần có số lượng người tham gia ít nhất kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu diễn ra vào cuối tháng 11-2018.
Phong trào biểu tình “Áo vàng” nổ ra tại Pháp từ tháng 11-2018, bắt đầu từ làn sóng phản đối chính sách tăng giá nhiên liệu. Phong trào này nhanh chóng lan rộng và trở thành một chiến dịch biểu tình hằng tuần nhằm phản đối các chính sách của chính phủ. Người biểu tình “Áo vàng” chỉ trích Tổng thống Emmanuel Macron thiên vị người giàu và đòi hỏi chính quyền tăng tiền lương và lương hưu. Các cuộc biểu tình thường kết thúc trong đụng độ và nhiều tài sản công bị phá hoại bất chấp việc Chính phủ Pháp đã thực hiện một số biện pháp nhằm xoa dịu tình hình.
5. Hàn Quốc không từ bỏ nỗ lực tiếp tục tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều
Ngày 29-4, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết nước này sẽ tiếp tục nỗ lực tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 4. Tuyên bố này được đưa sau khi có thông tin cho rằng Hàn Quốc có thể sẽ từ bỏ nỗ lực tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng bày tỏ hy vọng cải thiện quan hệ liên Triều và thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa vốn đang bị đình trệ giữa Mỹ và Triều Tiên thông qua việc sớm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 4 với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại cuộc gặp lịch sử ngày 27-4.
Tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngày 27-4-2018, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã ký Tuyên bố Panmunjom, hướng tới nỗ lực phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên và cải thiện quan hệ liên Triều.
Trong một diễn biến liên quan, chỉ một ngày sau tuyên bố của phía Hàn Quốc, truyền thông Triều Tiên đã yêu cầu Hàn Quốc có những “hành động thiết thực”, thể hiện “sự chân thành” để cải thiện quan hệ liên Triều. Yêu cầu từ phía Triều Tiên đòi hỏi Hàn Quốc phải có quan điểm riêng, không phụ thuộc vào ảnh hưởng từ bên ngoài trong các vấn đề liên Triều, kêu gọi Seoul đừng bận tâm đến Mỹ và phải tích cực hơn trong việc thực hiện các thỏa thuận thượng đỉnh liên Triều đã ký năm 2018.
Những động thái này từ hai phía đang nhen lên hy vọng về một viễn cảnh khả quan hơn cho tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên và một mối quan hệ liên Triều nồng ấm hơn.
6. Mỹ đe dọa rút khỏi Hiệp ước Buôn bán vũ khí quốc tế
Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây tuyên bố nước Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước Buôn bán vũ khí quốc tế của Liên hiệp quốc (UNATT). Ông cho rằng việc tham gia UNATT là một “sai lầm tồi tệ’ và điều này đe dọa sự tự do của nước Mỹ. Việc rút khỏi UNATT sẽ giúp chính quyền Donald Trump cải tổ chính sách xuất khẩu vũ khí, củng cố ngành công nghiệp quốc phòng vốn thống trị hoạt động mua bán vũ khí toàn cầu.
Tổng thống Mỹ trưng ra chữ ký trên lệnh rút khỏi UNATT.
Tuyên bố này của ông Trump ngay lập tức bị Liên minh châu Âu (EU) lên án. Ngày 27-4, EU cảnh báo việc Mỹ rút khỏi UNATT sẽ cản trở cuộc chiến chống buôn bán vũ khí bất hợp pháp trên thế giới và EU sẽ tiếp tục kêu gọi tất cả các quốc gia, đặc biệt là những nước xuất khẩu và nhập khẩu vũ khí lớn, nhanh chóng tham gia UNATT.
Hiệp ước UNATT được Đại hội hồng LHQ bỏ phiếu thông qua vào năm 2013. Với tư cách nước sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới, dưới thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã tham gia UNATT bất chấp sự phản đối quyết liệt từ Hiệp hội Súng trường quốc gia (NRA).