03/12/2024 lúc 06:23 (GMT+7)
Breaking News

Thế giới tuần qua: Hợp tác, đối đầu đan xen

VNHN - Vẫn còn nhiều bất đồng, mâu thuẫn bởi những đòn trừng phạt, những cáo buộc được đưa ra trên các lĩnh vực từ kinh tế đến chính trị, xã hội. Song song với đó là xu thế dịch chuyển, tìm kiếm đối tác hợp tác nhằm cân bằng lợi ích, tạo nên những gam màu sáng, tối trong bức tranh toàn cảnh thế giới tuần qua.

VNHN - Vẫn còn nhiều bất đồng, mâu thuẫn bởi những đòn trừng phạt, những cáo buộc được đưa ra trên các lĩnh vực từ kinh tế đến chính trị, xã hội. Song song với đó là xu thế dịch chuyển, tìm kiếm đối tác hợp tác nhằm cân bằng lợi ích, tạo nên những gam màu sáng, tối trong bức tranh toàn cảnh thế giới tuần qua.

1. Trung-Nhật-Hàn nỗ lực tăng cường hợp tác ba bên

Bất chấp quan hệ giữa Seoul và Tokyo đang trở nên căng thẳng do những bất đồng thương mại và lịch sử, tại Hội nghị Ngoại trưởng Trung-Nhật-Hàn lần thứ 9, diễn ra tại Bắc Kinh ngày 21-8, ngoại trưởng ba nước đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc hợp tác ba bên.

Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono trong cuộc họp báo chung sau hội đàm ba bên tại Bắc Kinh ngày 21-8-2019. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Phát biểu tại hội nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng, ba nước cần thúc đẩy hợp tác theo quỹ đạo đúng đắn, bảo vệ tốt quan hệ song phương, quy hoạch và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và mạng 5G. Ông Vương Nghị cũng đề nghị ba nước bảo vệ tự do thương mại, nỗ lực kết thúc đàm phán về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong năm nay.

Về phần mình, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono nhấn mạnh dù có những bất đồng nảy sinh song quan hệ song phương là nền tảng cho hợp tác ba bên.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha cho rằng, không nên để các mối quan hệ song phương ảnh hưởng đến việc hợp tác ba bên. Theo bà, hợp tác Trung - Nhật - Hàn đóng vai trò quan trọng đối với hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên cũng như củng cố thương mại tự do.   

Mặc dù Bắc Kinh, Tokyo và Seoul nhất trí gia tăng đối thoại nhằm đạt được các thỏa thuận thương mại tự do khu vực, song giới chuyên gia cho rằng bất đồng thương mại hiện nay giữa Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ khiến các bên khó có thể hiện thực hóa điều này. Không chỉ vậy, các ngoại trưởng cũng chưa đưa ra thời gian cụ thể cho việc tổ chức hội nghị cấp cao 3 bên, dự kiến diễn ra vào cuối năm này tại Trung Quốc. Hội nghị cấp cao này được tổ chức theo cơ chế luân phiên giữa 3 nước, song thường bị hoãn do bất đồng giữa các nước trong vấn đề lịch sử và tranh chấp lãnh thổ.

2. Indonesia: Bạo loạn bùng phát tại tỉnh Papua

Ngày 19-8, làn sóng biểu tình đã lan rộng tại tỉnh Papua, sau khi hàng nghìn người dân, trong đó chủ yếu là sinh viên đại học, xuống đường phản đối nạn phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử.

Bạo loạn tại Papua. Ảnh: AP

Đám đông người biểu tình đã chặn các tuyến đường, xông vào một sân bay và đốt phá trụ sở Hội đồng Lập pháp khu vực, cũng như tấn công một nhà tù ở Sorong. Bên cạnh đó, những người biểu tình quá khích đã phóng hỏa các cửa hàng và nhiều phương tiện giao thông trong khu vực, phá các cột đèn giao thông và ném đá vào các tòa nhà chính quyền. Nhiều địa điểm như chợ, cảng và cửa hàng đã bị ảnh hưởng, mọi hoạt động trong khu vực hầu như đều bị đình trệ.

Người phát ngôn cảnh sát quốc gia, Tướng Dedi Prasetyo, cho biết hầu hết những người biểu tình bị kích động sau khi 43 sinh viên người Papua bị bắt giữ với cáo buộc không tôn trọng quốc kỳ của Indonesia treo trước ký túc xá trong lễ kỷ niệm Ngày Độc lập hôm 17-8. Từ tối 21-8, Indonesia đã cắt dịch vụ Internet tại tỉnh miền Đông Papua nhằm ngăn chặn việc phát tán các bài viết có nội dung kích động bạo lực.

Papua từng là thuộc địa của Hà Lan, nằm ở phía Tây của đảo New Guinea, Indonesia. Người dân địa phương này có tập quán và văn hóa khác biệt với phần còn lại của Indonesia. Năm 1969, Papua sáp nhập vào Indonesia sau một cuộc bỏ phiếu do Liên hợp quốc bảo trợ.

3. Căng thẳng quan hệ Mỹ-Trung tiếp tục leo thang

Ngày 23-8, Ủy ban Chính sách thuế quan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc thông báo Bắc Kinh sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa trị giá 75 tỷ USD của Mỹ. Theo đó, từ ngày 1-9 tới, sẽ có 5.078 loại hàng hóa Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc, trong đó nông sản, dầu thô, máy bay cỡ nhỏ... sẽ phải chịu mức thuế bổ sung từ 5% đến 10%. Ngoài ra, Trung Quốc quyết định sẽ nối lại việc áp thuế bổ sung 25% hoặc 5% đối với ô tô và linh liện nhập khẩu từ Mỹ. Việc áp thuế bổ sung đối với ô tô và linh kiện này có hiệu lực từ 00h01 ngày 15-12 tới.

Ảnh minh họa. Ảnh: Reuters

Tổng thống Trump đã chỉ trích quyết định mới nhất của Bắc Kinh, đồng thời khẳng định Washington sẽ có hành động mạnh mẽ. Theo đó, các quyết định đánh thuế của Mỹ nhằm vào hàng hóa Trung Quốc thời gian tới sẽ tăng thêm 5%. Cụ thể, Mỹ sẽ nâng thuế từ 25% lên 30% nhằm vào số hàng hóa trị giá 250 tỷ USD của Trung Quốc từ ngày 1-10 tới. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ nâng mức thuế từ 10% lên 15% nhằm vào số hàng hóa Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD từ ngày 1-9. Trên Twitter, Tổng thống Trump cũng kêu gọi các doanh nghiệp Mỹ dừng các hoạt động sản xuất tại Trung Quốc để chuyển về nước hoặc tính sang các phương án khác.

Do lo ngại về căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, thị trường chứng khoán Mỹ đã lao dốc trong phiên giao dịch ngày 23-8 khi các chỉ số chính đều mất điểm. Chốt phiên giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 600 điểm, tương đương 2,4%, xuống còn 25.629,90 điểm. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 giảm 2,6% xuống còn 2.847,11 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 3% xuống còn 7.751,11 điểm.

Trong một diễn biến khác, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã cáo buộc việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan "vi phạm nghiêm trọng" các thỏa thuận giữa Washington và Bắc Kinh, cho thấy sự "can thiệp nghiêm trọng vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc"; khẳng định Bắc Kinh sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo các lợi ích của nước này. Tuyên bố trên một ngày sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ thông qua kế hoạch bán cho Đài Loan (Trung Quốc) 66 máy bay chiến đấu F-16C/D Block 70, trị giá 8 tỷ USD.

4. Biểu tình bùng phát, Ấn Độ siết chặt an ninh tại khu vực Kashmir

Trong bối cảnh các phần tử ly khai tiếp tục kêu gọi biểu tình bạo lực nhằm phản đối quyết định của Chính phủ Ấn Độ hủy bỏ quyền tự trị của bang Jammu và Kashmir, lực lượng chức năng Ấn Độ đã phải tiến hành các biện pháp thắt chặt an ninh tại khu vực Kashmir. Lực lượng cảnh sát cũng đã phong tỏa hoạt động đi lại xung quanh khu vực này, đặt chốt chặn tại nhiều tuyến đường, lối vào khu phố cổ, nơi người biểu tình thường tập trung. Ô tô của cảnh sát liên tục tuần tra khắp đường phố, thông báo lệnh giới nghiêm và khuyến cáo người dân nên ở trong nhà.

Binh sĩ Ấn Độ tuần tra dọc Ranh giới kiểm soát ở Kashmir. Ảnh: AP/TTXVN

Trước đó, biểu tình bạo lực bùng phát tại nhiều nơi ở Srinagar trong vòng 2 tuần qua với sự tham gia của hàng trăm người. Chỉ trong đêm 17 và ngày 18-8, đã xảy ra gần 70 vụ tấn công ném đá vào lực lượng an ninh tại thung lũng Kashmir và ngày càng có nhiều đối tượng quá khích, kích động bạo loạn  trước văn phòng của Tổ chức giám sát viên quân sự Liên hợp quốc (UNMOGIP). Ba mươi người biểu tình quá khích đã bị bắt giữ.

Vùng từ lâu đã là điểm nóng trong mối quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan. Ngày 5-8, Ấn Độ công bố sắc lệnh bãi bỏ Điều 370 trong Hiến pháp quy định quy chế đặc biệt đối với bang Jammu và Kashmir, đồng thời trình dự luật tách bang này thành hai vùng lãnh thổ liên bang gồm Ladakh cùng Jammu và Kashmir từ ngày 31-10 tới. Pakistan đã bày tỏ phản đối mạnh mẽ quyết định này, tuyên bố hạ cấp quan hệ ngoại giao, đình chỉ hoạt động thương mại song phương với Ấn Độ và đưa vấn đề này ra Liên hợp quốc. Trong một diễn biến mới nhất, ngày 20-8, Pakistan tuyên bố sẽ đưa vấn đề Kashmir ra Tòa án Công lý quốc tế (ICJ).

5. Tổng thống Nga thăm Pháp: Cú hích quan trọng thúc đẩy quan hệ song phương

Trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga với phương Tây đang bị “đóng băng” sau các sự kiện ở miền Đông Ukraine năm 2014, ngày 19-8, Tổng thống Putin đã có chuyến thăm Pháp và hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Emmanuel Macron.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp gỡ người đồng cấp Nga Vladimir Putin trước thềm Hội nghị G7. Ảnh: Getty.

Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận các vấn đề quan hệ song phương và nhiều vấn đề quốc tế quan trọng như bảo đảm an ninh tại châu Âu, hợp tác giữa Nga và EU, Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), cuộc khủng hoảng tại Syria, Ukraine, Libya… cũng như cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, khủng bố và an ninh mạng.

Mặc dù không đưa ra tuyên bố chung sau hội đàm, song lãnh đạo Nga - Pháp thể hiện mong muốn, quyết tâm đẩy mạnh phát triển hợp tác song phương, đồng thời phối hợp giải quyết các mối đe dọa, thách thức truyền thống và phi truyền thống, cũng như những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trên thế giới.

Quan hệ giữa Moskva và Paris đang dần nồng ấm trở lại khi các cuộc tiếp xúc giữa hai bên, đặc biệt ở cấp cao, ngày càng thường xuyên hơn. Nhiều cơ chế hợp tác quan trọng giữa hai nước đã được khôi phục, trong đó đáng chú ý là Ủy ban hợp tác an ninh với sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao, tức là cơ chế “2+2”, và Ủy ban hợp tác kinh tế, tài chính, công nghiệp và thương mại.

Trong bối cảnh đó, chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Pháp không chỉ tạo được cú hích quan trọng thúc đẩy quan hệ song phương phát triển, mà còn làm dấy lên hy vọng hợp tác giữa Nga và EU để giải quyết các thách thức chung cũng sẽ sớm được tái khởi động.