Theo tờ Financial Times (Anh), có 5 nhân tố đã xuất hiện trước Covid-19, sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến thế giới, bao gồm công nghệ, bất bình đẳng, nợ nần, căng thẳng chính trị và xu hướng phi toàn cầu hóa.
Ảnh minh họa
1. Công nghệ
Sự phát triển của công nghệ máy tính và thông tin liên lạc tiếp tục định hình cuộc sống và nền kinh tế. Giờ đây, truyền thông băng thông rộng, cùng với ứng dụng Zoom và các phần mềm hội nghị trực tuyến đã tạo điều kiện để nhiều người có thể làm việc tại nhà.
Đến năm 2025, hầu hết nhân viên văn phòng có thể được phép làm việc từ xa.
2. Bất bình đẳng
Nhiều nhân viên văn phòng, vốn được trả lương cao hơn, có thể làm việc tại nhà, trong khi những người khác thì không.
Những dân tộc thiểu số là một trong những nhóm người bị ảnh hưởng bất lợi nhất. Trong khi đó, những người thành công và quyền lực lại tiếp tục đà thành công.
Khả năng là tình trạng bất bình đẳng, đã trở nên trầm trọng hơn trong đại dịch, sẽ không suy giảm vào năm 2025.
Các yếu tố thúc đẩy sự bất bình đẳng quá lớn, khiến chúng ta không mấy hy vọng tình trạng này sẽ được cải thiện.
3. Nợ nần
Nợ nần đã tăng lên ở gần như tất cả mọi nơi trong 4 thập kỷ qua, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và kỳ đại dịch Covid-19. Đại dịch đã làm gia tăng đáng kể các khoản vay nợ của khu vực tư nhân và nhà nước.
Theo Viện Tài chính Quốc tế, tỷ lệ tổng nợ toàn cầu trên tổng sản lượng đã tăng từ mức 321% hồi cuối năm 2019 lên 362% vào cuối tháng 6/2020. Đây là điều chưa từng xảy ra trước đây trong thời bình.
Nợ chính phủ quá lớn có thể làm tê liệt nhiều phần của khu vực tư nhân trong những năm tới.
4. Phi toàn cầu hóa
Trong tương lai, các trao đổi quốc tế nhiều khả năng sẽ co cụm lại theo khu vực và dưới hình thức trực tuyến nhiều hơn.
Có một xu hướng chung là nhiều nhà đầu tư mong muốn chuyển chuỗi cung ứng về nước, hoặc ít nhất là ra khỏi Trung Quốc.
5. Căng thẳng chính trị
Căng thẳng bắt nguồn tự sự suy giảm uy tín của nền dân chủ tự do, sự nổi lên của chủ nghĩa chuyên chế ở nhiều quốc gia và sự gia tăng quyền lực của chính quyền Trung Quốc.
Căng thẳng cũng bắt nguồn từ sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy ở các nước nòng cốt của phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Mặc dù chiến thắng của ứng cử viên Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua cho thấy chủ nghĩa dân túy đã thất bại, nhưng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump giành được một lượng lớn phiếu bầu cho thấy chủ nghĩa dân túy chưa mất đi.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất trong những diễn biến địa chính trị là căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng, buộc các nước phải chọn bên.
Một lần nữa, Covid-19 đã đẩy nhanh sự chia tách này. Tổng thống Trump đổ lỗi cho Trung Quốc về đại dịch. Ngay cả khi ông Trump rời nhiệm sở, nhiều người Mỹ vẫn sẽ ủng hộ quan điểm này.
Với tất cả những điều nói trên, thế giới sẽ đi về đâu vào năm 2025?
Nếu may mắn, các nền kinh tế nhìn chung sẽ phục hồi sau đại dịch, nhưng hầu hết sẽ bị suy giảm mạnh vì đại dịch Covid-19.
Việc duy trì một nền kinh tế thế giới năng động, cùng với việc gìn giữ hòa bình và quản lý cộng đồng toàn cầu luôn là điều khó khăn. Một kỷ nguyên của chủ nghĩa dân túy và xung đột giữa các cường quốc sẽ khiến cho điều này trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Cho đến năm 2025, các thách thức trên vẫn tồn tại và thậm chí còn nghiêm trọng hơn.