Vào cuối năm 2019, giới chuyên gia đã từng đưa ra dự báo về những gam màu lạc quan trong bức tranh triển vọng thế giới năm 2020, như sự thịnh vượng toàn cầu đang tăng lên, các quốc gia đều cải thiện điều kiện sống, xung đột bạo lực giảm bớt…, nhưng một cú sốc không thể lường trước đã ập đến.
Do đại dịch COVID-19, năm 2020 trở thành một năm không giống bất kỳ năm nào trong lịch sử hiện đại - Ảnh minh họa (Nguồn: Getty Images)
Cuối tháng 12 năm ngoái (chính xác là ngày 31/12/2019), giới chức y tế Trung Quốc báo cáo với văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Trung Quốc về việc phát hiện một chủng virus mới chưa từng biết tới, gây ra căn bệnh giống như viêm phổi, ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Lúc đó họ gọi là bệnh "viêm phổi lạ".
Thoạt đầu, virus này dường như cũng chỉ như một trong số rất nhiều loại virus, nhưng không lâu sau đó, ngày 23/1, thành phố 11 triệu dân này bị phong tỏa. Ngày 16/2, tỉnh Hồ Bắc tăng cường kiểm soát giao thông toàn diện ở mỗi thành phố, giảm bớt việc đi lại của xe cộ...
Ngay cả thủ đô Bắc Kinh và trung tâm tài chính Thượng Hải - 2 thành phố lớn nhất Trung Quốc - cũng công bố các biện pháp hạn chế để chống dịch như kiểm soát nghiêm ngặt hơn việc đi lại của người dân và xe cộ, bắt buộc đeo khẩu trang, dừng các hoạt động giải trí đông người... Hai thành phố này rơi vào tình trạng bán phong tỏa hồi tháng 2.
Theo báo South China Morning Post, tình trạng bán phong tỏa đã được áp dụng tại hơn 80 thành phố ở khoảng 20 tỉnh và khu tự trị của Trung Quốc kể từ khi chính quyền trung ương quyết định phong tỏa thành phố Vũ Hán cùng các thành phố lân cận của tỉnh Hồ Bắc.
Từ tâm dịch Vũ Hán, virus SARS-CoV-2 đã nhanh chóng lây lan và đến nay đã xuất hiện ở ở 218 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 83 triệu ca nhiễm và hơn 1,8 triệu trường hợp tử vong. Cú sốc COVID-19 đã buộc WHO phải ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu ngày 30/1. Ngày 11/2, WHO công bố tên chính thức cho căn bệnh gây ra bởi virus mới. Tên của bệnh này "coronavirus 2019", viết tắt là COVID-19. Trong đó, "CO" là viết tắt của gốc "corona", "VI" viết tắt cho virus và "D" có nghĩa là "disease" – "dịch bệnh".
Đến cuối tháng 2/2020, dịch COVID-19 đã tấn công ít nhất 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, cướp đi sinh mạng của ít nhất 2.468 người. Ngày 11/3, WHO xác nhận đây là đại dịch toàn cầu.
Mất hơn 3 tháng từ khi dịch xuất hiện đến khi thế giới ghi nhận 1 triệu ca (ngày 3/4), nhưng chỉ gần 3 tháng sau tốc độ lây lan tăng gấp 10, lên 10 triệu ca (ngày 28/6). Từ mốc 10 triệu lên 20 triệu là 6 tuần (ngày 10/8), nhưng từ mốc 50 triệu ca (ngày 8/11) lên 60 triệu ca chưa đến 3 tuần (ngày 25/11) và từ 60 triệu lên 70 triệu chỉ còn 15 ngày (ngày 11/12).
Trong báo cáo “Viễn cảnh toàn cầu” đưa ra hồi cuối tháng 10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gọi điều đang xảy ra do tác động của dịch bệnh COVID-19 là “Đại phong tỏa”. Cụm từ này nói đến một thực tế là nền kinh tế toàn cầu đang lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà thế giới phải đối mặt kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai và là thảm họa kinh tế lớn nhất kể từ cuộc Đại suy thoái năm 1930.
Các biện pháp phong tỏa và đóng cửa biên giới để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát khiến hoạt động mua bán ở mọi nơi đều giảm xuống mức tối thiểu, cuộc khủng hoảng được so sánh với thời kỳ Đại suy thoái. Nhưng ngay cả khi so sánh trực tiếp các chỉ số kinh tế cũng cho thấy cuộc khủng hoảng này lớn hơn nhiều và ảnh hưởng đến toàn bộ hành tinh. Thương mại toàn cầu đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, dẫn tới làn sóng phá sản của doanh nghiệp khắp thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực hàng không, du lịch, bán lẻ...
Đối với ngành du lịch và hàng không năm nay, dịch bệnh trở thành thảm họa, các ngành này bị thiệt hại hơn bao giờ hết. Thói quen của chúng ta đã thay đổi, cách chúng ta sống và đại dịch đã thúc đẩy những thay đổi trong văn hóa, y học, công nghệ. Qua một đêm, thế giới đã hoàn toàn khác.
Trong báo cáo đưa ra hồi tháng 4, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho hay, đại dịch COVID-19 đã tác động đến khoảng 2,7 tỷ người lao động, chiếm 81% số lao động trên thế giới; 1,25 tỷ người lao động đang làm việc trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 và có nguy cơ cao bị mất việc làm. ILO cho rằng đây là cuộc khủng hoảng việc làm nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II.
Đại dịch COVID-19 cũng tạo ra sự gián đoạn hệ thống giáo dục lớn nhất trong lịch sử, ảnh hưởng đến gần 1,6 tỷ người học, tương đương 94% người học trên toàn thế giới, ở tất cả các cấp học tại hơn 190 quốc gia. UNESCO ước tính khoảng 23,8 triệu trẻ em và thanh thiếu niên khác ở tất cả các cấp học có thể bỏ học hoặc không được đến trường vào năm 2021 do chỉ riêng tác động kinh tế của đại dịch.
Yếu tố đại dịch đã thay đổi nhận thức của chúng ta về thế giới xung quanh, chúng ta buộc phải dành nhiều thời gian hơn sau màn hình, và ngôi nhà biến thành văn phòng làm việc, lớp học… do sự cách ly.
Trực tuyến, trực tuyến và trực tuyến
Trong đại dịch, một lĩnh vực đã có thay đổi mạnh mẽ là cách thức khách hàng thanh toán hàng hóa và dịch vụ khi mua sắm cả trực tiếp lẫn trực tuyến. Không mất quá nhiều thời gian để mọi người thay đổi thói quen chi tiêu. Các nhà cung cấp dịch vụ trên toàn thế giới đã tăng cường áp dụng các giao dịch không dùng tiền mặt để bảo đảm sức khỏe cũng như sự an toàn của cả khách hàng lẫn nhân viên của họ. Hơn 11.000 nhà bán lẻ tại Thụy Sĩ đã tham gia hệ thống thanh toán không tiếp xúc để cho phép khách hàng thực hiện giao dịch thông qua NFC (kết nối không dây trong phạm vi tầm ngắn thông qua từ trường giữa các thiết bị) cũng như các thẻ tín dụng 'chạm để thanh toán'.
COVID-19 cũng làm thay đổi hoàn toàn phương thức làm việc tại nhiều nơi. Nhiều doanh nghiệp khuyến khích nhân viên làm việc tại nhà và gửi các văn bản hay dự án của họ thông qua dịch vụ đám mây. Một số công ty như Twitter thậm chí còn tuyên bố rằng nhân viên có thể làm việc tại nhà vô thời hạn nếu họ muốn.
Nhu cầu về các công cụ hội họp trực tuyến như Zoom và Slack đều tăng trưởng chưa từng có. Các công cụ chuyên về công việc văn phòng truyền thống hơn như Microsoft 365 cũng ghi nhận nhu cầu tăng cao.
Nhằm hạn chế khả năng lây lan của dịch bệnh, nhiều quốc gia đã đẩy nhanh quá trình số hóa các hoạt động hành chính, xây dựng các cổng thông tin và hỗ trợ phát triển các nền tảng kỹ thuật số cấp quốc gia, chẳng hạn như ứng dụng thông tin sức khỏe và giáo dục trực tuyến để bảo đảm người dân vẫn có thể tiếp cận các dịch vụ công trong thời gian đại dịch.
Báo cáo công bố hồi tháng 6 của McKinsey cho thấy đại dịch đã thúc đẩy việc áp dụng kỹ thuật số phục vụ cho cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp đạt được tiến độ tương đương 5 năm chỉ trong khoảng 8 tuần.
Và ngay cả trong thế giới ngoại giao hiện nay đã giảm hẳn các hội nghị, gặp gỡ song phương hay các cuộc gặp thượng đỉnh quốc tế quy tụ một nhóm các nhà lãnh đạo, quan chức ngoại giao thế giới để thảo luận những vấn đề của thời cuộc. Thay vào đó là những cuộc họp trực tuyến với các lãnh đạo cấp cao ngồi trước màn hình máy tính.
Đánh giá về sự đảo lộn cuộc sống do COVID-19 gây ra trong năm qua, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ của trang từ điển nổi tiếng thế giới Collins đã lựa chọn từ khóa "lockdown" (tạm dịch là “phong tỏa” hoặc “đóng cửa”) làm từ khóa tiêu biểu nhất của năm 2020. Danh từ này được coi là ‘đã định nghĩa lại rất nhiều mặt của đời sống trên khắp thế giới’ trong năm vừa qua.
Số liệu Collins ghi nhận cho thấy đã có hơn 250.000 lượt từ "phong tỏa" được sử dụng từ đầu năm, chủ yếu trên các website, sách báo, đài phát thanh, truyền hình. Trong khi đó, năm ngoái chỉ ghi nhận sử dụng 4.000 lượt từ này.
Theo CNN, từ “phong tỏa” bắt đầu xuất hiện trên các bản tin thời sự vào tháng 1 năm nay, khi chính quyền thành phố Vũ Hán của Trung Quốc áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt để phòng, chống một loại virus mới lây lan. Kể từ đó, rất nhiều quốc gia đã ban hành lệnh phong tỏa với những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt chưa từng có nhằm tránh sự tiếp xúc trực tiếp giữa con người với con người, biến năm 2020 trở thành một năm không giống bất kỳ năm nào trong lịch sử hiện đại.