Công tác xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An đã thực sự trở thành sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, được cả hệ thống chính trị trong tỉnh đồng lòng, chung sức vào cuộc. Nhờ vậy, 10 năm qua Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Nghệ An đã đạt được kết quả khá toàn diện, ngày càng đi vào chiều sâu với nhiều dấu ấn rõ nét, tạo nên một diện mạo mới khang trang, văn minh hơn cho vùng nông thôn, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị; Môi trường cảnh quan xanh, đẹp tích cực được bảo vệ và tôn tạo; Các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc, các vùng, miền được bảo tồn, phát huy giá trị… Những nỗ lực vượt bậc đó đã đưa Nghệ An đứng thứ 5 trong cả nước về thành tích xây dựng NTM.
Làng quê Nghệ An hôm nay, với hệ thống giao thông khang trang
Nhằm khuyến khích cho các xã thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM, từ năm 2015 Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An đã có Nghị quyết số 166/2015/NQ-HĐND ngày 10/7/2015 và được cụ thể hóa bằng Quyết định số 48/2015/QĐ-UBND ngày 31/8/2015 của UBND tỉnh về việc ban hành chính sách khuyến khích trong xây dựng NTM tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015-2020. Đây là cơ sở có tính pháp lý quan trọng tạo điều kiện thúc đẩy Chương trình xây dựng NTM được thực hiện nhanh và vững chắc hơn. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh, cùng với nỗ lực lớn của các huyện, thị và các xã trong Tỉnh đã làm nên những thành quả lớn lao của Chương trình xây dựng NTM ở Nghệ An.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM đạt 46.106.01 tỷ đồng; trong đó nhân dân đóng góp là 3.733,3 tỷ đồng, chiếm 8,09%; hàng triệu ngày công được huy động, hàng triệu mét vuông đất được dân hiến để xây dựng NTM… Tính đến tháng 8/2020, tổng số xã đạt chuẩn NTM của Nghệ An là 246/411 xã, đạt 59,85%. Có 4 đơn vị cấp huyện là Thị xã Thái Hòa, thành phố Vinh, huyện Nam Đàn, huyện Yên Thành hoàn thành đạt chuẩn NTM cấp huyện. Nghệ An cũng đã lựa chọn ra 3 xã để thực hiện thí điểm xây dựng xã NTM kiểu mẫu, đó là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn (đạt 18/19 tiêu chí); xã Sơn Thành, huyện Yên Thành (đạt 18/19 tiêu chí); xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu (đạt 19/19 tiêu chí). Các xã được công nhận đạt chuẩn NTM tiếp tục phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn phấn đấu đến hết năm 2020 đạt 32 triệu đồng/năm trở lên. Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã xây dựng, nâng cấp được 2.613 km đường giao thông nông thôn các loại, với kinh phí 2.508 tỷ đồng, nâng tổng số đã xây dựng, nâng cấp được từ năm 2011 đến nay lên 10.160,4 km, với tổng kinh phí 13.071,19 tỷ đồng. Kênh mương thủy lợi trên toàn tỉnh được kiên cố hóa thêm 385 km, xây dựng thêm được 1.629,5 km hệ thống đường điện các loại. Về trường học, bằng vốn nhân dân đóng góp và lồng ghép các chương trình, giai đoạn 2016 - 2020 đã xây dựng mới thêm 112 trường, nâng tổng số trường học đã xây dựng được lên 289 trường; 5 năm qua chương trình NTM cũng đã xây dựng, nâng cấp được thêm 78 chợ nông thôn… Những con số sinh động ấy minh chứng cho những thành quả to lớn trong chương trình xây dựng NTM ở Nghệ An.
Phát huy kết quả đã đạt được, Nghệ An quyết tâm phấn đấu giữ vững và nâng cao chất lượng chỉ tiêu về số tiêu chí, bình quân chung cả tỉnh đạt 16,5 tiêu chí/xã trở lên. Tiếp tục tập trung xây dựng 2 địa phương đạt chuẩn NTM cấp huyện là huyện Nghi Lộc và thị xã Hoàng Mai; thêm 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; xây dựng thêm 60 mô hình vườn chuẩn NTM; Xây dựng thêm 100 thôn, bản thuộc các xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn theo Bộ Tiêu chí 2337/QĐ-UBND của tỉnh… Kết quả phong trào xây dựng NTM trong những năm qua là rất quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Nghệ An và được xác định là chương trình trọng tâm giai đoạn 2016 - 2020.
Diện mạo mới ở Nông thôn huyện Yên Thành
Có được kết quả xây dựng NTM ở Nghệ An là nhờ Tỉnh đã tập trung tổ chức triển khai đồng bộ các cơ chế chính sách, thực hiện thường xuyên, đúng định hướng, đa dạng, sáng tạo và chú trọng về phát triển nông nghiệp, nông thôn, đồng thời bám sát tình hình thực tế của địa phương. Tập trung triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, với việc phê duyệt quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho 8 nhóm cây trồng (rau, lúa, lạc, chè, mía, cây ăn quả, cây dược liệu, giống cây lâm nghiệp), 5 con vật nuôi chủ lực (bò sữa, bò thịt, lợn thịt, gia cầm và tôm thẻ chân trắng) để thực hiện ứng dụng công nghệ cao vào các khâu chính như giống, canh tác, nuôi trồng và bảo quản sau thu hoạch. Tỉnh đã xây dựng những vùng chuyên canh cây nguyên liệu rộng lớn (cam, cao su, mía, chè, cà phê, chanh leo, dứa, lạc, sắn,…) và hàng trăm nhà máy, công trình khắp các huyện, thành thị; hình thành nhiều vùng sản xuất nguyên liệu tập trung gắn với chế biến, xuất khẩu (chè, cao su, mía, vùng nuôi tôm ven biển). Trong suốt quá trình thực hiện chương trình, Nghệ An đã không ngừng khắc phục khó khăn và có nhiều giải pháp sáng tạo, kiên trì xây dựng nông thôn mới.
Giai đoạn 2016 - 2020, chương trình NTM Tỉnh đã hỗ trợ xây dựng được gần 1.500 mô hình, trong đó, có gần 1/3 mô hình đạt hiệu quả cao, có tính nhân rộng. Một trong những địa phương có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ đạt hiệu quả cao là huyện NTM Nam Đàn: Mô hình rau màu tại các xã Nam Anh, Nam Xuân; mô hình trồng cây ăn quả sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tại các xã Nam Lộc, Nam Thanh; mô hình nuôi dê sinh sản tại các xã Nam Hưng, Nam Thái, Nam Nghĩa, Nam Thượng, Nam Lộc, Nam Thanh; mô hình nuôi gà ác liên kết tại xã Nam Nghĩa… Cùng với đó, các phong trào thi đua được phát động sâu rộng, thiết thực, như: Phong trào hiến đất mặt đường, đất vườn, đất ở có giá trị để làm đường giao thông, nhà văn hoá thôn, trường học; cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”... được người dân hưởng ứng tích cực.
Năm 2020 được xác định là năm bản lề của Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Đây là thời điểm để đánh giá lại những gì đã thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020 và chuẩn bị cho giai đoạn mới 2021 - 2025. Đặc biệt là đẩy nhanh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả tại các địa phương; đẩy mạnh thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP). Năm 2020 thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 30,4 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo từ 12,01% năm 2015, đến nay giảm còn 4%; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn đạt 84%, sử dụng nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế đạt 60% (năm 2015 đạt 31%)… Đó là những con số biết nói, được kết tinh từ bao công sức, trí tuệ của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân trong Tỉnh suốt hàng chục năm qua, nhất là trong 5 năm trở lại đây.
Thu hoạch lúa bằng cơ giới trên cánh đồng xã Kim Liên (Nam Đàn)
Trên nền tảng những thành tựu đã đạt được, giai đoạn 2021-2025, Nghệ An tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình trên địa bàn toàn tỉnh, xây dựng kế hoạch lộ trình tiếp tục thực hiện xã đạt chuẩn NTM, xã NTM kiểu mẫu, xã NTM nâng cao, thôn/bản đạt chuẩn NTM, khu dân cư kiểu mẫu và vườn chuẩn. Duy trì và nâng cao chất lượng đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, xã đạt chuẩn NTM. Đi đôi với đó, Tỉnh tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội địa phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Đến năm 2025, những mục tiêu cơ bản phải đạt là: Tỷ lệ số xã được công nhận đạt chuẩn xã Nông thôn mới đạt 82%; không có xã đạt dưới 10 tiêu chí; có ít nhất 10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có ít nhất 25% số xã đạt chẩn NTM được tỉnh thẩm định và công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao và có ít nhất 25% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao được tỉnh thẩm định, công nhận xã đạt xã NTM kiểu mẫu. Phấn đấu mỗi năm cả tỉnh xây dựng được 15-20 khu dân cư kiểu mẫu và 60 vườn chuẩn Nông thôn mới theo Bộ tiêu chí của tỉnh. Có 50% số thôn/bản đặc biệt khó khăn đạt chuẩn Nông thôn mới (1552 thôn bản/10 huyện); có 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM nâng cao và huyện Nam Đàn hoàn thành đầy đủ các chỉ tiêu, tiêu chí đạt chuẩn NTM kiễu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch.
Nông thôn mới ở Nghệ An đã và đang giúp người dân - đối tượng trực tiếp thu hưởng thành quả này không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và làm cho diện mạo thôn quê đổi thay nhanh chóng, khang trang, hiện đại và văn minh hơn./.